Chó nghiệp vụ được tuyển chọn, huấn luyện như thế nào?
(Dân trí) - Về chọn chó nghiệp vụ, chó con mới sinh chọn con ngoại hình đẹp, linh hoạt... Khi chó 10-12 tháng tuổi sẽ qua một hội đồng tuyển chọn để đưa vào huấn luyện chính thức theo từng chuyên ngành.
Trường Trung cấp 24 Biên phòng, Bộ đội Biên phòng (Bộ Quốc phòng) hiện nay có 5 chuyên ngành đào tạo, huấn luyện chó nghiệp vụ, gồm: Chó chiến đấu; chó phát hiện ma túy; chó phát hiện chất nổ; chó tìm kiếm cứu nạn; chó giám biệt nguồn hơi hỗ trợ công tác điều tra hình sự.
Để tìm hiểu khâu tuyển chọn, huấn luyện chó nghiệp tìm kiếm cứu nạn, phóng viên Dân trí đã có cuộc trò chuyện với Thiếu tá Trần Quốc Hương, Cụm trưởng, Cụm Cơ động chó nghiệp vụ 1, Trường Trung cấp 24 Biên phòng.
Việc lựa chọn những chú chó đưa vào Trường Trung cấp 24 Biên phòng để đào tạo, huấn luyện thành chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn dựa trên những tiêu chí nào, thưa ông?
- Trước hết, không riêng gì chuyên ngành huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn, những chú chó được lựa chọn vào Trường Trung cấp 24 Biên phòng để đào tạo thành chó nghiệp vụ đều có nguồn gốc từ giống chó Berger Đức, Malinois Bỉ. Nhà trường chủ yếu nhập chó bố, mẹ về, sau đó tiến hành nhân giống tại trường.
Trước khi đưa vào huấn luyện, đào tạo, chó nghiệp vụ được tuyển chọn theo 2 giai đoạn:
Giai đoạn 1: Chó con mới sinh được lựa chọn theo tiêu chí: ngoại hình đẹp, không có dị tật bẩm sinh, kêu, sủa tốt, linh hoạt trong mọi động tác,... Sau khi được lựa chọn sẽ được bấm mã số cho từng con chó.
Giai đoạn 2: Chó được nuôi dưỡng, khi đến khoảng 3 - 4 tháng tuổi sẽ bước vào khóa huấn luyện "chó choai". Giai đoạn này bắt đầu cho chó làm quen với dây cương, cổ dề, rọ mõm, tên gọi,..
Đến khi chó được 10 - 12 tháng tuổi, nhà trường sẽ thành lập hội đồng tuyển chọn chó để đưa vào huấn luyện chính thức theo từng chuyên ngành. Tùy theo khả năng, ngoại hình, thần kinh của từng con chó mà đưa vào huấn luyện những chuyên ngành phù hợp.
Quá trình huấn luyện chó từ giai đoạn 3 - 4 tháng tuổi cho đến 10 - 12 tháng tuổi, nếu phát hiện con chó nào ham thích và hay cắp các đồ vật, hoạt bát và hay có biểu hiện hít, ngửi sẽ được đưa vào đào tạo các chuyên ngành chó tìm kiếm cứu nạn.
Vậy khi đã được lựa chọn vào chuyên ngành huấn luyện chó tìm kiếm cứu nạn, những chú chó này sẽ phải trải qua các bài học như thế nào, thưa ông?
- Trước tiên để con chó có phản xạ chuyên môn với tìm kiếm cứu nạn thì cũng phải qua các bài huấn luyện chung về rèn tính kỷ luật, mục đích để chó có tính kỷ luật cao, chấp hành kỷ luật của huấn luyện viên như đứng, nằm, bò, gắp các đồ vật.... Khi chó có tính kỷ luật, phản xạ tốt mới đưa vào huấn luyện chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn. Bên cạnh đó, bất cứ chuyên ngành nào chó cũng phải trải qua bài tập thể lực như chạy, bơi, vượt qua các vật cản,…
Quá trình huấn luyện chúng tôi sử dụng tín hiệu và khẩu lệnh để điều khiển chó, như truy vết chúng tôi sử dụng khẩu lệnh "vết"; Lùng sục sử dụng khẩu lệnh "sục"; tuần tra sử dụng khẩu lệnh "tiến".
Khi bước vào huấn luyện chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn, đầu tiên chó được tập giám biệt nguồn hơi (phân tích nguồn hơi).
Chó vào chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn thì chỉ huấn luyện tìm kiếm cứu nạn, không huấn luyện sang tìm nguồn hơi ma túy nữa.
Ông có thể nói rõ hơn việc chó tập giám biệt nguồn hơi hay nói cách khác là phân tích nguồn hơi như thế nào?
- Như tôi nói ở phần trên, trước khi bước vào huấn luyện chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn, đầu tiên chó được tập giám biệt nguồn hơi (phân tích nguồn hơi).
Khi chó qua bài tập này sẽ bắt đầu chuyển sang tìm nguồn hơi người, gồm hơi người chết và hơi người sống.
Đối với bài tìm nguồn hơi người chết, huấn luyện viên sẽ chuẩn bị thịt lợn, thịt trâu, bò để thối cho chó làm quen nguồn hơi này, vì mùi tương tự với mùi người chết. Nguồn hơi sẽ được chôn lấp ở các hố sâu, cất giấu trong hiện trường giả bị đổ sập để chó tập tìm.
Còn bài tìm nguồn hơi người sống, huấn luyện viên có thể bố trí một người nào đó nằm trong hầm sâu có che đậy hoặc cất giấu quần áo người đã qua sử dụng trong các đống đổ sập để tập cho chó tìm.
Như ông nói thì huấn luyện chó chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn có vẻ giống với chó giám biệt nguồn hơi hỗ trợ công tác điều tra hình sự?
- Đúng là có giống nhau ở bài chó phải được tập luyện phân tích các nguồn hơi, hay nói cách khác là cho tập giám biệt nguồn hơi. Nhưng khác nhau ở chỗ, khi chó qua bài giám biệt nguồn hơi, đối với chó chuyên ngành tìm kiếm cứu nạn sẽ chỉ tập luyện tìm kiếm nguồn hơi người gặp nạn tại các hiện trường khác nhau. Còn chuyên ngành chó giám biệt nguồn hơi hỗ trợ công tác điều tra hình sự, chó sẽ phải tập luyện tìm các nguồn hơi người khác nhau để tìm ra thủ phạm trong các vụ án, chứ không đi tìm kiếm người gặp nạn.
Chuyên ngành chó giám biệt nguồn hơi hỗ trợ công tác điều tra hình sự là chuyên ngành khó, đòi hỏi những con chó phải thực sự xuất sắc. Nguồn hơi trong các vụ án hình sự không đặc định, rất khác nhau, nên khâu tập luyện cho chó phân tích nguồn hơi khó hơn so với các chuyên ngành khác.
Ví dụ con người chúng ta đều có nguồn hơi khác nhau, nhưng lại gần như tương đồng. Ví dụ tôi cầm một cái khăn, bạn cầm một cái khăn, chúng ta ngửi sẽ không biết được hơi nào là hơi của tôi, hơi nào là hơi của bạn, nhưng với sự thính nhạy của chó nó vẫn phát hiện ra.
Trong bài tập ở một bãi giám biệt, chúng tôi lấy 2 chiếc khăn, 1 chiếc cho chó ngửi mẫu, 1 chiếc cất giấu trong bãi giám biệt có 10 nguồn hơi khác nhau, chó vẫn tìm ra vị trí chiếc khăn cất giấu.
Tương tự như vậy, trong một vụ trộm cắp tài sản khi đối tượng bỏ chạy thường để lại những vật dụng như găng tay, mũ, túi,… căn cứ vào nguồn hơi đó chúng tôi trưng cất lấy mẫu nguồn hơi đó để khoanh vùng đối tượng. Căn cứ vào nghi vấn của lực lượng công an có 10 đối tượng nào đó có liên quan đến vụ trộm cắp đó, cho chó ngửi nguồn hơi và sẽ nhanh chóng tìm ra đối tượng và cơ bản chính xác.
Việc chưng cất nguồn hơi trong các vụ việc rất đơn giản, chỉ cho các vật dụng đối tượng bỏ lại hiện trường vào các lọ thủy tinh rồi bịt kín để nguồn hơi không lan tỏa đi.
Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!