Chính phủ có bệnh thành tích hay không?

(Dân trí) - Không do dự, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trả lời: "không có". Là thành viên Chính phủ cuối cùng đăng đàn Quốc hội, phần chất vấn Phó Thủ tướng thực sự có chất lượng khi các đại biểu đặt ra nhiều câu hỏi trực diện vào một số vấn đề bức xúc hiện nay.

Chính phủ không né tránh

 

Mở đầu cho phiên chất vấn Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đại biểu Đỗ Trọng Ngoạn - Tỉnh Bắc Giang vẫn giữ nguyên sự hăng hái và nhiệt huyết của mình đặt câu hỏi: “Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí đã thông qua, Luật Phòng, chống tham nhũng cũng vừa thông qua. Đề nghị Phó Thủ tướng cho biết quyết tâm thể hiện ở lộ trình hành động chống tham nhũng, lãng phí của Chính phủ?”.

 

Đáp lại câu chất vấn của vị đại biểu “hăng” phát biểu nhất này, PTT giải trình: “Quyết tâm, chủ trương, giải pháp… Chính phủ đã thể hiện trong Luật Phòng, chống tham nhũng và Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Và khi được Quốc hội thông qua, Chính phủ sẽ triển khai thực hiện một cách đồng bộ, có kế hoạch, có lộ trình với quyết tâm thực hiện có kết quả việc ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ này”.

 

Chưa hài lòng, ĐB Đỗ Trọng Ngoạn cho rằng, những điều Phó Thủ tướng nói đã thể hiện ở rất nhiều Nghị quyết, ở luật rồi. “Phó Thủ tướng công nhận rằng chúng ta chưa đẩy lùi được tham nhũng, phát triển tạm dừng, vậy đó là cái gì? Đó là chúng ta  xử lý  không nghiêm, nể nang, né tránh, nhất là các đồng chí cao cấp mà mắc phải thì chúng ta né tránh”, đại biểu Ngoạn cũng cho rằng Chính phủ làm chưa hết mình, chưa đúng mức, chưa đủ “đô” để có thể làm chuyển biến tình hình.

 

Đáp lại sự chất vấn có phần gay gắt của đại biểu Ngoạn, PTT Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Tôi khẳng định với đồng chí là tôi không né tránh, Đảng, Nhà nước, Chính phủ không né tránh. Có vấn đề gì cụ thể, đồng chí nêu rõ chúng tôi sẽ trao đổi. Có những sự việc xảy ra, chúng ta phải thận trọng, không thể xử lý vội vàng ”.

 

Trách nhiệm của người đứng đầu các đơn vị được nhắc đến nhiều khi đơn vị đó “có vấn đề”. Trong phần chất vấn của mình, đại biểu Đặng Thị Phượng, Tỉnh Tây Ninh đặt ra vấn đề còn vướng mắc đó là trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu cơ quan, đơn vị. “Cấp trưởng không được quyền tự chọn cấp phó của mình. Trong khi phải chịu trách nhiệm mọi hoạt động và hậu quả do cấp phó của mình gây ra. Vậy trách nhiệm và quyền hạn thực sự của người đứng đầu như thế nào? sắp tới ta có nên giao cho người đứng đầu ngành, tổ chức đơn vị, quyết định chọn cấp phó của mình hay không?”, bà Phượng đặt câu hỏi.

 

PTT Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, người đứng đầu trước hết là phải làm đúng, làm đầy đủ trách nhiệm mà Đảng, Nhà nước, pháp luật đã quy định. Đương nhiên vấn đề này chúng ta đang nghiên cứu và đã có bước đổi mới. Đây là bước cải cách một quá trình,  phải xử lý rất trách nhiệm, rất phù hợp. Việc giao quyền cho người đứng đầu quyết định cán bộ cũng có ý nghĩa nhất định nào đó.

 

Tăng trưởng 8,4% có đáng tin?

 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết trích dẫn dự báo tăng trưởng năm nay của một số tổ chức quốc tế đưa ra là 7,5% nhưng  theo khẳng định của PTT thì dự báo tăng trưởng GDP của ta trong năm 2005 sẽ là 8,4%. “Đề nghị Phó thủ tướng cho biết vì sao nó có sự chênh lệch trong tính toán như vậy”. ĐB Thuyết cũng “nghi ngờ” con số tăng trưởng này “Nguyên nhân tăng trưởng nhanh là gì? Và tăng trưởng ở yếu tố nào trong những yếu tố cấu thành tăng trưởng GDP? Một số cử tri băn khoăn liệu đây có phải là biểu hiện của bệnh thành tích hay không?”.

 

Giải trình những vấn đề này, PTT cho rằng, có sự chênh lệch về dự báo tốc độ tăng trưởng là do thời điểm, tài khóa, khóa sổ năm tài chính  của họ khác ta nên không khớp nhau”.  PTT cũng khẳng định: “Chính phủ hoàn toàn không có bệnh thành tích, GDP tăng trưởng là giá trị tăng thêm trên 3 khu vực: khu vực nông nghiệp, khu vực công nghiệp và khu vực dịch vụ. Chúng tôi sẽ cung cấp cụ thể số liệu cho các đại biểu. Tôi cũng xin nhắc lại là đó là con số khoa học, không có con số ảo và cũng không có bệnh thành tích.

 

Đặt vấn đề trách nhiệm về lời hứa của bộ trưởng, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng: “Các Bộ trưởng hứa rất nhiều mà không khắc phục được bao nhiêu, toàn lời hứa đi hứa lại”, và ông đề xuất: “Đề nghị Chính phủ cũng như các quan chức cao cấp khi nhận nhiệm vụ nên có lời tuyên thệ. Tôi cho lời tuyên thệ nó khác với lời hứa. Nhân dân cần một lời tuyên thệ đó, nó có chất lượng cao hơn rất nhiều lời hứa, cũng như chúng ta nâng từ pháp lệnh lên luật vậy, Phó thủ tướng có  đồng ý không?”.

 

Khá bất ngờ với lời đề nghị này, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nói: “ Tôi chưa suy nghĩ điều này, nếu Quốc hội quyết định thì chúng tôi ủng hộ, chúng tôi sẽ làm theo luật. Nhưng riêng tôi, tôi chưa nghĩ việc tuyên thệ này thế nào”.

 

Trong phiên chất vấn ngày 25/11, Bộ trưởng Mai Ái Trực tỏ ra không thoải mái khi bị “truy” nhiều về giá nhà đất, ông cho rằng đó là phần của bộ tài chính. Liên hệ với sự việc này, đại biểu Nguyễn Ngọc Trân chất vấn PTT: “Quan hệ giữa Bộ với Bộ trong Chính phủ, theo tôi chưa đủ và chính chỗ này làm thất thoát, tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Tại Hội trường ngày hôm qua 2, 3 lần anh Mai Ái Trực chuyển vấn đề giá đất cho anh Nguyễn Sinh Hùng, tại sao sự phối hợp liên ngành trong Chính phủ quá kém như vậy”.

 

Trả lời câu chất vấn này, PTT Nguyễn Tấn Dũng thừa nhận trên thực tế  còn  chỗ này, chỗ khác làm chưa tốt nhưng vừa qua, việc phối hợp giữa các Bộ cũng có một bước tiến dài. “Nói "quá kém" cũng tội nghiệp”, PTT giãi bày và khẳng định sẽ làm rõ những điều mà các Bộ cần phối hợp để xác định quy chế phối hợp.

 

Đ.Hòa - H.Hạnh