1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Chống tham nhũng phải hành động quyết liệt!

(Dân trí) - “Vì lợi ích tối thượng của quốc gia, chúng ta phải xử lý nghiêm minh những người có hành vi vi phạm pháp luật”, Chủ tịch Nguyễn Văn An nhấn mạnh, sau khi Quốc hội thông qua Luật Phòng chống tham nhũng sáng nay. Chủ tịch khẳng định, Thủ tướng sẽ là "Tổng tư lệnh" trong cuộc chiến đầy khó khăn này.

Trong bài phát biểu của mình, Chủ tịch Nguyễn Văn An nói: “Băn khoăn của chúng ta là quyết tâm thực hiện luật đến đâu? Vừa qua chúng ta làm chưa tốt, nguyên nhân chính không phải là do thiếu luật, thiếu tổ chức chỉ đạo, mặc dù đó là những vấn đề quan trọng, mà cái chính là do chúng ta thiếu lòng tin, thiếu quyết tâm và  thiếu kế hoạch cụ thể để triển khai  thực hiện, mà thiếu cái này thì sẽ không thành công trong bất cứ việc gì.

 

Chống tham nhũng lãng phí là việc cực kỳ khó khăn, phức tạp, có ý nghĩa sống còn của chế độ. Song điều đáng sợ hơn là nếu chúng ta chỉ hô hào mà không hành động. Có một câu phương ngôn rất hay: “Muốn là được”, muốn ở đây là lòng quyết tâm có cơ sở cùng với hành động quyết liệt để đạt mục đích chứ không phải muốn rồi không làm gì.

 

Nếu chúng ta tin tưởng vào quyết tâm chống lãng phí thì nhất định chúng ta sẽ làm được. Chúng ta ở đây bao gồm Đảng, Quốc hội, Chính Phủ, các cơ quan tư pháp, Mặt trận tổ quốc VN và đội ngũ cán bộ đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị và nhân dân trong cả nước. Song trước hết và trên hết là trách nhiệm của đội ngũ đảng viên, công chức trong bộ máy Đảng và Nhà nước, nhất là người đứng đầu bộ máy chính quyền từ cơ sở đến Trung ương, đặc biệt là trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, Tổng tư lệnh, người chỉ đạo cao nhất; Trách nhiệm của QH, người giám sát tối cao và trách nhiệm của TW Đảng, Bộ chính trị người lãnh đạo cao nhất và duy nhất của nhà nước và xã hội ta.

 

Trong khi thực thi pháp luật, chúng ta phải kiên quyết  xử lý nghiêm minh người có hành vi vi phạm pháp luật, đồng thời phải làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nơi xảy ra vi phạm và người đứng đầu cấp trên trực tiếp. Vì lợi ích tối thượng của quốc gia, dân tộc, chúng ta yêu con người, yêu thương cán bộ, chúng ta càng phải xử lý nghiêm minh những người có hành vi vi phạm pháp luật.

 

Nhiều ý kiến của cử tri và nhân dân cho rằng, đây phải là khâu đột phá cả về nhận thức và hành động. Nhận thức phải đúng đắn và thống nhất. Hành động phải nghiêm minh và quyết liệt. Nhận thức của chúng ta thống nhất chưa cao lắm, hành động của chúng ta chưa quyết liệt lắm. Khi còn tình trạng  không nghiêm minh, không có người chịu trách nhiệm, nhẹ trên nặng dưới, dĩ hòa vi quí, dễ người dễ ta, nể nang né tránh thậm chí cơ hội thì luật pháp dù có tốt đến mấy cũng chỉ là những quả đấm đấm vào không khí mà thôi, lạc lõng trong cuộc sống, không có nghĩa lý gì cả”.

 

Về việc thành lập Ban chỉ đạo Trung ương phòng chống tham nhũng, vì vẫn còn một số ý kiến khác nên Chủ tịch kết luận: “Điều 112 của Hiến pháp có ghi nhiệm vụ và quyền hạn của Chính phủ trong đó có quyền hạn thanh tra, kiểm tra, chống tham nhũng trong bộ máy nhà nước, giải quyết khiếu nại… nên việc chống tham nhũng Chính phủ phải chỉ đạo và do Thủ tướng đứng đầu.

 

Có ý kiến cho rằng Chính phủ cũng tham nhũng nên không thể chống tham nhũng là hoàn toàn sai. Chính phủ đâu phải tham nhũng, chỉ có một số người trong bộ máy đó tham nhũng. Chúng tôi muốn nhấn mạnh Thủ tướng phải là tổng tư lệnh, là người chỉ huy cao nhất, QH là giám sát tối cao, Đảng là lãnh đạo cao nhất và duy nhất: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” thì nhất định chúng ta sẽ thực hiện được".

 

Đ.Hòa- H.Hạnh ghi