1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Nghệ An:

Chiến sỹ Điện Biên ngày ấy, bây giờ...

(Dân trí) - Trong những ngày cả nước đang náo nức kỷ niệm 57 năm ngày chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng tôi đã tìm về với những chiến sỹ Điện Biên năm xưa nay đang sống trên quê hương Bác.

Chiến sỹ Điện Biên ngày ấy, bây giờ... - 1
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên trung đội trưởng C290 (Tiểu đoàn 542, Sư đoàn 312) trong chiến dịch Điện Biên Phủ, trò chuyện cùng tác giả.
 
Ký ức 57 năm qua vẫn vẹn nguyên, tươi trẻ trong tâm khảm mỗi người lính Cụ Hồ năm xưa đã làm nên một chiến thắng Điện Biên "Lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu". Cuộc đời của những người lính già năm ấy, đến bây giờ, vẫn là một tấm gương cho thế hệ hôm nay soi vào, để thấy mình được sáng trong hơn.

"... 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm cơm vắt..."

Sống khiêm nhường cùng với người vợ (bà Nguyễn Thị Liên) trong một con ngõ nhỏ, tĩnh lặng của khu gia binh ở khối 24 (Nghi Phú), cụ Bùi Đức Tùng (năm nay đã 84 tuổi) giống một người về già ẩn dật hơn là một vị tướng đã dằng dặc đi suốt cuộc trường chinh của dân tộc với biết bao trận chiến lẫy lừng. Trong căn nhà thoáng đãng, bình dị của cụ một chiều nắng nhẹ, chúng tôi được trở về những ngày tháng cách đây 57 năm, cả nước lên đường, hướng về Tây Bắc.

Rời miền quê Thạch Sơn (Anh Sơn, Nghệ An), chàng thanh niên Bùi Đức Tùng nhập ngũ khi mới tròn 19 tuổi. Lúc đó là năm 1947, năm chúng ta vừa làm nên chiến thắng Việt Bắc, đập tan 2 vạn quân Pháp, chuyển cuộc kháng chiến của dân tộc ta từ cầm cự sang phòng ngự. Lên đường trong khí thế đó, Bùi Đức Tùng đã trở thành người lính và là trung đội trưởng trung đội 3, Tiểu đoàn 542, Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312 - một trong những đơn vị chủ lực của Quân đội ta lúc đó).

Đêm 13/3/1954, sau các trận mở đầu thắng lợi của đợt 1, Bộ chỉ huy chiến dịch giao nhiệm vụ đào hào cho các đơn vị cho toàn mặt trận nhằm thực hiện phương châm tác chiến "đánh chắc, thắng chắc", chuẩn bị cho những trận đánh đợt 2. Đơn vị Bùi Đức Tùng đào một đường hào từ vị trí xuất phát trong rừng, qua mấy rìa đồi, qua cánh đồng đến sát trận địa. Việc đào hào hết sức vất vả, nhất là khi đến gần cứ điểm địch. Bữa cơm mỗi sáng đào hào về chỉ là một vắt cơm nhỏ, ít mắm muối khô.
 
Chiến sỹ Điện Biên ngày ấy, bây giờ... - 2
Thiếu tướng Bùi Đức Tùng, nguyên trung đội trưởng C290 (Tiểu đoàn 542, Sư đoàn 312) trong chiến dịch ĐBP với bức ảnh chụp Đại tướng Võ Nguyên Giáp ôm hôn thân mật ông tại chiến trường phía Nam.

Đường hào càng vươn dài quyết liệt vào lòng địch, cuốc xẻng và tay người càng mòn dần đi. Lúc này, mỗi mét hào không chỉ đổi bằng mồ hôi, mà cả bằng máu. Gần 3 tuần tập trung lực lượng đào hào và chuẩn bị trận địa, đường hào quân ta ở Điện Biên Phủ đã như trận đồ bát quái. Gần 200km chiến hào ngang dọc đã như những gọng kìm từ lòng đất, vây chặt quân địch trong các cứ điểm, làm cho chúng vô cùng khiếp sợ.

Trong kháng chiến chống Pháp, ông đã tham gia tất cả 6 chiến dịch, đối với chiến dịch Điện Biên Phủ, ông có mặt từ đầu đến cuối. Một trong những trận đánh ông còn nhớ mãi là trận đánh chiếm đồi Độc Lập. Đây là một trong 2 cánh cửa thép của tuyến phòng ngự phía Bắc bảo vệ trung tâm Mường Thanh do tiểu đoàn 5 Bắc Phi hung hãn, thiện chiến và 1 đại đội lính ngụy Thái đóng giữ. Hệ thống hàng rào dây thép gai, mìn, pháo... bố trí dày đặc.

Trung đoàn 165 (Sư đoàn 312) và trung đoàn 88 (Đại đoàn 308) trực tiếp tham chiến trận này. Trung đội 3 của ông cùng đảm nhiệm mũi tấn công chủ yếu ở hướng Đông Nam. Do trời mưa lầy lội, đơn vị cối chi viện chưa thể vận động tới kịp, nên giờ nổ súng phải lui lại. Đúng 3h sáng ngày 15/3/1954, lệnh khai hỏa mới được bắt đầu. Sau 40 phút, bộc phá đã mở xong cửa, tiểu đội mũi nhọn ào ạt xông lên.

Ta và địch giành đi giật lại từng mét chiến hào, từng lô cốt. Trước tình huống thương vong nhiều, tiểu đội trưởng Trần Ngọc Doãn và đồng chí Mai Văn Các dẫn đầu một tổ mũi nhọn cùng đại đội 501 đánh thọc sâu vào trận địa cối và tiến thẳng vào sở chỉ huy của địch. Đến 6h30 cùng ngày, quân ta làm chủ hoàn toàn đồi Độc Lập, tiêu diệt 483 tên địch, trong đó có 2 tên quan ba, bắt sống 200 tên, xóa sổ tiểu đoàn 5 Bắc Phi.

Đại tá Trần Tuấn Đức, nguyên đại đội trưởng đại đội thuộc Tiểu đoàn 274, Sư đoàn 325 vẫn tự hào với chiến công "Lấy pháo địch đánh địch'. Lúc đó vào khoảng tháng 2/1954, Sư đoàn 325 có nhiệm vụ mở chiến dịch Thượng Lào nhằm mục đích nghi binh và chia lửa với Điện Biên Phủ. Trận đầu, sư đoàn đã tiêu diệt cứ điểm Khe Me (gần đèo Pù Oắc biên giới Việt - Lào), diệt và bắt sống 2/3 lực lương tiểu đoàn 27 bộ binh ngụy.

Trong số chiến lợi phẩm thu được, Trần Tuấn Đức vinh dự được Sư đoàn giao nhiệm vụ chỉ huy đại đội chuyển 4 khẩu pháo 105mm từ Lào về tăng cường cho Điện Biên Phủ. Ông nhớ lại, đường hành quân tuy rất vất vả, nhưng ta đã đảm bảo bí mật, an toàn nên máy bay địch không thể tìm ra dấu vết. "Voi" ta vẫn ung dung tiếp cận lòng chảo Điện Biên. Ngay sau khi bàn giao, 4 chú "voi" đã khạc đạn, hòa tấu cùng dàn nhạc của pháo binh Đại đoàn 351, góp phần làm nên bản hùng ca 7/5.

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, có một sự kiện lịch sử vẫn thường nhắc đến, đó là tiếng nổ làm hiệu lệnh tổng công kích của khối bộc phá ngàn cân ở đồi A1. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Khoa (quê ở Nhân Thành, Yên Thành), năm nay 82 tuổi, lúc đó là một chiến sỹ công binh thuộc đại đội 311, Sư đoàn 351 đã trực tiếp đào đường hầm xuyên núi đưa gần 1.000kg thuốc nổ vào sát nách địch. Do vị trí quan trọng của đồi A1, nên địch đã cho 1 tiểu đoàn lính Âu Phi chiếm giữ.

Sau 4 ngày chiến đấu, ta vẫn chỉ mới chiếm được 1 phần nhỏ của khu vực trọng yếu này. Bộ tư lệnh chiến dịch quyết tâm bằng mọi giá phải đào được đường hầm, đưa thuốc nổ vào làm nổ tung hệ thống hầm ngầm ở đây. Khó có thể kể hết hy sinh, khó khăn trong quá trình đào hầm. Nhưng cuối cùng, vượt qua tất cả, bộ đội ta đã đào một chiến hào dài 43m xuyên đồi A1, áp sát hầm ngầm địch. Thuốc nổ được đóng thành từng gói 20kg để dễ vận chuyển vào điểm tập kết. Đúng giờ G, khối bộc phá ngàn cân đã phát nổ, đây cũng là mệnh lệnh tấn công đợt cuối cùng, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.

Chiến dịch Điện Biên Phủ cũng là nơi luyện rèn, trưởng thành của nhiều binh chủng, lực lượng còn non trẻ của quân đội ta. Ngành Quân y dược thành lập 14/6/1946, đến Điện Biên Phủ đã trở thành những "người lính áo trắng", góp một phần không nhỏ vào thắng lợi cuối cùng. Đại tá Nguyễn Hữu Cù, nguyên y sỹ Ban quân y, phòng Hậu cần sư đoàn 308 vẫn còn nhớ 2 kỷ niệm nhỏ, nhưng góp phần làm bộ đội đảm bảo sức khỏe để chiến đấu.

Bắt đầu chiến dịch, ngành Quân y đã đề ra cuộc vận động 3 tốt: ăn tốt, ngủ tốt, đi tốt. Sư đoàn 308 hành quân từ Thái Nguyên lên Điên Biên mất gần 1 tháng, đi 4 ngày nghỉ 1 ngày. Do mang vác nặng nhọc nên rất nhiều chiến sỹ bị phồng rộp, bong gân, sái khớp cả đôi chân nên phải nằm lại dọc đường. Ông Cù và các đồng chí cùng đơn vị đã hướng dẫn bộ đội nấu nước sôi, đào một hố dài lót lá chuối hoặc nilon xuống, pha nước lã và muối vào đủ để cả tiểu đội ngâm chân. Ngâm xong, băng bó các vết xây xát, ngủ một giấc, sáng mai lại có thể lên đường, hòa vào đoàn quân đi chiến dịch.

Về cuối chiến dịch, bộ đội cơ bản phải ăn ngủ tại chiến hào. Muỗi Tây Bắc thì nhiều vô kể, sốt rét rừng có thể quật ngã anh em bất cứ lúc nào. Nằm màn hành quân đã khó, nằm màn trong chiến hào lại càng khó. Lúc đó, ta có 2 loại hầm, loại có nắp đào ở ngách chiến hào và hầm hàm ếch khoét vào thành chiến hào. Dù trắng chiến lợi phẩm địch thả lạc vào trận địa ta khá nhiều, quân y hướng dẫn anh em lấy dù trải ra làm chiếu, cửa hầm lấy màn che, muỗi rừng Tây Bắc đành chịu. Đã có câu ca ghi lại sáng kiến này "Hoan hô chiến sỹ Điện Biên/ Ở hầm mà vẫn thường xuyên nằm màn".

Động viên kịp thời chiến sỹ Điện Biên ngày ấy, còn có cả những bản tin nóng hổi, được viết ngay tại trận địa, bên vách chiến hào nồng khói súng. Mỗi dòng tin, nhờ vậy, tưởng chừng nghe được cả tiếng hô xung phong mãnh liệt của quân ta. Bác Nguyễn Mão (Đông Vĩnh-TP Vinh), ngày ấy là cán bộ tuyên huấn Trung đoàn 151 của Đại đoàn 351 công-cao-pháo, trực tiếp phụ trách bản tin đơn vị. Bản tin lúc đó ra hàng ngày, chỉ vài trang, duy trì và in ấn kịp thời là một công việc thực sự cực nhọc.

Nhưng không thể vì thế mà chậm những dòng tin chiến thắng, khích lệ tinh thần của bộ đội. Ngoài bác Mão, còn có 2 đồng chí nữa, một người chuyên viết chữ trái lên mặt đá, người khác chuẩn bị giấy, mực, in thành bản tin và phát xuống đơn vị. Tin tức thì từ cơ sở báo cáo về, hoặc anh em tự xuống các đơn vị chiến đấu khai thác. Những tấm gương chiến đấu, lao động sáng tạo, khắc phục khó khăn ngày càng nhiều theo những thắng lợi liên tiếp trên toàn chiến dịch. Gương dũng sỹ phá thác Phan Tư, chuyện làm cầu, chống lầy chống lún, đào hầm chỉ huy sở, đào hầm để đưa 1.000kg thuốc nổ vào đồi A1...Mỗi dòng tin giữa mặt trận nóng bỏng lúc đó đã trở thành nguồn lực kế tiếp cho những đòn sấm sét giáng lên đầu thù.

Trải qua biết bao đạn lửa, hy sinh, biết bao tấm gương quả cảm đã mãi mãi nêu cao ý chí "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong chiến dịch Điện Biên Phủ lẫy lừng. Một ngày đầu tháng 5/1954, kết cục của chủ nghĩa thực dân đã rõ ràng, chấm dứt hoàn toàn 80 năm đô hộ của thực dân Pháp trên đất nước ta. CCB Hà Tự, năm nay tròn 80 tuổi (nguyên công tác tại phòng 2, Cục 2, Bộ Tổng tham mưu) còn nhớ những chi tiết buồn thảm cuối cùng của đội quân viễn chinh thất trận ấy trên làn sóng điện.

Khoảng đầu tháng 1/1954, bộ phận tiền phương của Phòng 2 lên đường vào phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ với quân số khoảng vài chục người, nhiệm vụ chủ yếu khai thác thông tin liên quan đến hoạt động của quân Pháp, kể cả các mệnh lệnh, chỉ thị của địch từ Hà Nội gửi cho Điện Biên. Những thông tin này tập trung nhất qua mạng GONO (Groupement Opérationel du Nord ouest: Tập đoàn chiến dịch vùng Tây Bắc).

Tin tức hàng ngày thu được rất nhiều, kể cả thông tin về hệ thống công sự hầm hào ở Điện Biên, nguồn thông tin thu được này cũng liên quan đến quyết định kéo pháo ra, kéo pháo vào ở Điện Biên. Thế là ngày 7/5 cũng đã đến, bộ phận thu tin của ta phát hiện hình như quân địch ít làm việc hơn trên làn sóng điện của mạng GONO. Cuối cùng, một hiện tượng chưa bao giờ thấy đã xẩy ra, thay vì những báo cáo về thiệt hại, thương vong, chỉ còn mỗi tín hiệu "A diêu, A diêu, A diêu..." của Điện Biên Phủ gửi Hà Nội lặp đi, lặp lại rời rạc và buồn bã.

Một người trong tổ kêu to: "Thế này là thế nào? Tại sao chỉ có A diêu, A diêu, A diêu thôi?". "Thế là Điện Biên vĩnh biệt với Hà Nội rồi chứ gì nữa. Tiếng Pháp đọc là a-đi-ơ (adieu), có nghĩa là: vĩnh biệt. Điện Biên kết thúc rồi! Chúng ta thắng rồi!". Lúc đó, lá cờ quyết chiến quyết thắng mà Bác và Đảng trao cho quân đội ta đã phất cao trên bầu trời Điện Biên Phủ, nơi mà Tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, đồng thời là trung tâm của toàn bộ kế hoạch Nava đã bị đập tan, viên tướng De Castries bị bắt sống, buộc toàn bộ binh lính thực dân xâm lược Pháp thất trận tại Điện Biên Phủ kéo cờ trắng lũ lượt ra đầu hàng.

Mãi xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, "người anh cả" của QĐND Việt Nam, trong bức thư đề ngày 3/6/2008 gửi các chiến sỹ Điện Biên Phủ ở TP Vinh, đã có đoạn viết "...Mong các đồng chí tiếp tục phát huy phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ" luôn nêu cao tình đồng đội, thương yêu đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống và tích cực góp phần vào công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc...".

Trong số các cụ tham gia chiến dịch Điện Biên năm xưa, có không ít người đi tiếp trên con đường trường chinh bảo vệ đất nước của dân tộc cho đến ngày hoàn toàn im tiếng súng. Cũng có rất nhiều cụ chuyển công việc, phục vụ Tổ quốc trên một cương vị mới. Nhưng đến khi trở về, hầu như chưa cụ nào gác hẳn trách nhiệm để vui thú điền viên. Những công việc tại địa phương, giúp nhau làm kinh tế, hay chỉ nêu một tấm gương về xử thế...cũng là điều các cụ đang làm cho đến cuối đời, chỉ với một điều đã được khắc cốt ghi tâm từ những ngày đầu làm người lính, để mãi xứng danh là Bộ đội Cụ Hồ.
Chiến sỹ Điện Biên ngày ấy, bây giờ... - 3
Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ôm hôn đồng chí Bùi Đức Tùng, nguyên Chính ủy Sư đoàn 2, tại mặt trận phía Nam.

Với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ", ra khỏi cuộc chiến, rất nhiều CCB quê Bác đã không cam chịu đói nghèo, tự bứt phá tìm hướng đi cho chính mình trong giai đoạn mới. CCB Trần Đình Hợi, quê ở Thanh Văn (Thanh Chương) là một ví dụ. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, chiến sỹ Hợi thuộc biên chế đại đội 98, Tiểu đoàn 265 (Sư đoàn 304). Thời kỳ những năm giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, cùng với đạn bom, rất nhiều khó khăn trong cuộc sống hàng ngày chất chồng lên đầu mỗi người dân. Một trong những khó khăn lúc đó là các bà nội trợ đi chợ không có túi để đựng đồ ăn, rất mất vệ sinh.

Trần Đình Hợi đã bàn với vợ bán đi mấy chỉ vàng dành dụm để mua 1 máy thổi túi nilon từ phế liệu. Từ một chiếc máy hỏng, qua hàng tháng trời sửa chữa, đầu năm 1980, chiếc máy tự chế, sản xuất túi nilon đầu tiên của Hà Nội ra đời, được chính quyền sở tại công nhận và cấp giấy đăng ký hành nghề. "Hữu xạ tự nhiên hương", nhờ lượng khách hàng ngày càng đông, có lúc cơ sở sản xuất 87 đê Tô Hoàng-Hà Nội của ông lên đến 12 công nhân, sản xuất 4, 5 tạ túi/ngày.

Trong những ngày đến, gặp và nghe các "Cây cao bóng cả" một thời, tôi mới ngộ ra một điều, như ngạn ngữ Hy Lạp đã từng nói "Bông lúa càng nhiều hạt càng trĩu xuống". Đúng vậy, ra đi từ những miền quê chân chất, đi suốt những cuộc trường chinh vĩ đại của dân tộc, họ đã như những bông lúa căng hạt, lặng yên, bình dị mà khiêm tốn dâng cho đời phẩm chất sáng ngời còn lại. Để cho miền Tây Bắc được như câu thơ của Tố Hữu "Mường Thanh, Hồng Cúm, Him Lam/Hoa mơ lại trắng, vườn cam lại vàng", biết bao máu xương đã đổ xuống.

Trong số 4.825 liệt sỹ hy sinh tại Điện Biên, tỉnh Nghệ An có 680 liệt sỹ, là tỉnh nhiều nhất. Nhưng có bao giờ các cụ đòi hỏi, trách cứ gì đâu. Chỉ an nhiên, tự tại mà đóng góp tiếp cho xã hội với tất cả tâm nguyện sáng trong. Như lời một người lính già Điện Biên đã bộc bạch: Thế hệ chúng tôi theo Đảng, theo Bác Hồ chiến đấu để giành lấy độc lập tự do. Có độc lập, có tự do, nay phải giữ lấy là cực kỳ quan trọng.

Cho nên, các thế hệ CCB chúng tôi sẵn sàng tập hợp nhau cùng góp sức, để bảo vệ Đảng, bảo vệ Chính quyền, xây dựng quê hương. Niềm sung sướng nhất của chúng tôi là vẫn được chung tay cùng con cháu xây dựng xây dựng đất nước ngày càng vững mạnh, thiết thực góp phần tăng cường hệ thống chính trị, khối đại đoàn kết toàn dân tộc cùng toàn dân thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phấn đấu hết mình vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Tại TP Vinh, hiện tại đang có 80 cụ sinh hoạt trong BLL chiến sỹ Điện Biên Phủ với 14 tổ rải khắp các phường xã trên địa bàn. Cụ "trẻ" nhất năm nay đã 75, còn cụ cao nhất cũng đã suýt soát 96 tuổi. Trong số các cụ, có trên 65% là cán bộ trung cao cấp, 1 cụ mang quân hàm thiếu tướng, rất nhiều cụ mang hàm đại tá, nhưng không vì thế mà những người lính già năm xưa chấp nhận cảnh sống an nhàn lúc xế bóng.

Trong 80 cụ CCB Điện Biên TP Vinh, hầu như không có cụ nào chịu "nghỉ". Họ vẫn nhiệt tình tham dự rất nhiều công việc tại địa phương với nhiệt huyết của một thời trai trẻ đi chiến dịch Trần Đình (bí danh của chiến dịch ĐBP). Các chức danh xóm trưởng, bí thư chi bộ, Hội CCB các cấp, Hội Người cao tuổi, HĐND, MTTQ phường, xã... đều được các cụ đảm nhận với một thái độ hết sức trách nhiệm.

Đại tá Nguyễn Đồng, cán bộ tiền khởi nghĩa, nguyên là trợ lý tổ chức của Sư đoàn 351, năm nay 85 tuổi, đã nghỉ hưu từ 1986 nhưng cũng đã từng trải qua 7 công việc khác nhau tại khối xóm. Ngồi trong căn nhà nhỏ bé của ông ở khối 24 (Nghi Phú-TP Vinh), chứng kiến ông và người vợ (cụ bà Phạm Thị Sáu) chăm sóc những chậu hoa sen cạn, địa lan đang kỳ trổ đẹp, nghe ông kể về 2 đứa chắt nội, 2 chắt ngoại bằng một giọng tự hào, thật khó liên tưởng đến một thời, họ là những người lính Điện Biên oai dũng.

Hiện tại, cụ Nguyễn Đồng đang đảm nhiệm chức trách trưởng ban liên lạc Chiến sỹ Điện Biên TP Vinh.

Trần Hải - Nguyễn Phê

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm