1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

57 năm nhớ về một trận đánh

(Dân trí) - 57 năm sau ngày chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, người lính năm xưa nay đã ngoài 80 tuổi, nhưng ký ức về những ngày tháng hào hùng trên đồi A1 vẫn không hề phai nhạt.

Ông là Đại tá Đinh Văn Dung, ở phường Hạ Long, thành phố Nam Đinh (Nam Định), nguyên Đại đội trưởng trợ lý Ban tham mưu Trung đoàn 174, thuộc Đại đoàn 316 (Trung đoàn 174 là đơn vị chính, trực tiếp đánh đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ).

Cụ ông 80 tuổi kể chuyện đánh trận

Sinh năm 1931, quê gốc ở huyện Nam Trực (Nam Đinh), năm 1947, học hết lớp 10, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ Quốc, chàng trai Đinh Văn Dung lên đường nhập ngũ vào Đại đội Bắc Sơn, Trung đoàn 28 đóng quân ở Lạng Sơn, có nhiệm vụ chiến đấu ở mặt trận đường 4 Lạng Sơn.
 
57 năm nhớ về một trận đánh - 1
Người lính già tráng kiện ở tuổi 80

Năm 1948 ông được điều về Trung đoàn 174, thuộc Đại đoàn 316 đóng ở Cao - Bắc - Lạng; từng tham gia các chiến dịch Đông Khê, chiến dịch Đồng Bằng Bắc Bộ, chiến dịch Hoàng Hoa Thám. Năm 1952 ông được chuyển lên Tây Bắc, tham gia chiến dịch Tây Bắc đánh Mộc Châu (1952), giải phóng Tây Bắc rồi ở lại Tây Bắc đánh địch ở Mường Pồn (1953)…

Đi qua nhiều chiến trường, với hàng chục trận đánh ác liệt, nhưng với ông có lẽ chiến dịch mà ông nhớ nhất và tự hào nhất đó là chiến dịch Điện Biên Phủ, mà cụ thể là trận đánh đồi A1.

Ông Dung còn nhớ như in những ngày tháng năm lịch sử đó: “1/1954, Trung đoàn 174 chuyển sang Điện Biên, đóng quân ở khu Đông, ngay dưới chân núi Tà Lèn. Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ, mà trước hết là trận đánh đồi A1, tháng 2/1954 đơn vị của ông phải trực tiếp đào đường kéo pháo, làm công sự”.

Lần thức nhất, sau khi đơn vị của ông đào được 20km đường, 600 công sự. Đến 20h30 phút ngày 30/03/1954, bắt đầu mở đợt tấn công đồi A1. Lúc này ông giữ chức vụ Đại đội trưởng, trợ lý ban tham mưu của Trung đoàn 174, với nhiệm vụ theo dõi nắm tình hình địch và ta. Sở chỉ huy nơi ông làm nhiệm vụ tham mưu đóng ở Khe Chít, cách nơi trận đánh chừng 2km.
 
Như khí thế xung trận của những ngày “nếm mật nằm gai” năm xưa, ông kể tiếp: “Mở màn ta ở hai hướng Bắc - Nam cùng tấn công vào trung tâm. Từ 20h30 phút đến đến 4h sáng, quân ta mới chiếm được 2/3 đồi A1. Do địch dùng không quân, xe tăng từ Mường Thanh phản kích đánh lên để chi viện cho chúng ở đồi A1 nên ta không đủ sức chiếm được hết và đành dừng lại và chuyển sang bao vây một bộ phận, còn số khác chuyển về phía sau để bảo toàn lực lượng.
 
57 năm nhớ về một trận đánh - 2
Chụp ảnh lưu niệm cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhân dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng Điện Biên Phủ

Lần thứ hai, không phải là Trung đoàn 174 tấn công đồi A1 mà lần này là Trung đoàn 102, Đại đoàn 308 trực tiếp tấn công. Đợt tấn công diễn ra trong 2 ngày 01 và 02/04, nhưng Trung đoàn 102 cũng chỉ chiếm được 2/3 đồi A1 và cuối cùng giao lại cho Trung đoàn 174.

Ông Dung nhớ lại: “Để rút kinh nghiệm hai lần không đánh chiếm được đồi A1, mà đặc biệt là sau lần thứ nhất. Trung đoàn 174 đã thực hiện một thứ vũ khí đó là tự phê bình dân chủ, rút ra được bài học kinh nghiệm. Một sô người không làm tốt nhiệm vụ sẽ bị kỷ luật đưa về phía sau”.

Lần thứ ba, sau gần 30 ngày chuẩn bị quân số, vũ khí, củng cố chiến hào và bắn tỉa gây thương tích cho địch. Đào khoét gần 49m đường hầm, đưa gần 1 tấn thuốc nổ để đánh sập hầm ngầm và thực hiện làm lệnh cho toàn quân.

Đến 20h 30 phút đêm 06/05 tiếng nổ rền trời làm rung chuyển đồi A1 hiệu lệnh tổng công kích, là mệnh lệnh tấn công đợt cuối cùng, tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Một phút sau tiếng nổ toàn Trung đoàn 174 dồn dập tiến công đồi A1. Đến 4h sáng ngày 07/05 (sau 6 giờ đồng hồ) Trung đoàn 174 hoàn thành nhiệm vụ chiếm lĩnh đồi A1. 

Tin chiến thắng từ đồi A1 về, 5h sáng ông Dung có mặt tại hiện trường để kiểm tra và thu dọn chiến trường. Là người biết tiếng Pháp khá thành thạo nên chính ông là người trực tiếp hỏi trung tá PuDe khi chúng đầu hàng.  

57 năm nhớ về một trận đánh - 3
Những cống hiến của ông đã được Đảng và Nhà nước ghi nhận

“Thật sự ngồi ở sở chỉ huy để làm tham mưu cũng căng thẳng lắm. Phải căng sức theo dõi diễn biến giữa ta và địch để có kết luận. Sau lần một tiến công thất bại, nhưng đến làn ba thì rất tin tưởng vào trận đánh”, ông Dung chia sẻ.

Mãi xứng danh người chiến sỹ Điện Biên

Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, người chiến sỹ Đinh Văn Dung lại được điều đi tham gia nhiều chiến trường khác. Năm 1957, ông là Trưởng ban quân lực, Trung đoàn 8 pháo binh thuộc Sư đoàn 316 đóng quân ở Phú Thọ. Năm 1960 lại trở về Quân khu 2 đóng ở Tây Bắc tham gia chiến dịch: Nàm Bạc, cánh đồng Chum ở chiến trường Lào.

Rồi năm 1965 ông làm Trưởng phòng quân huấn mặt trận Sư đoàn 31. Năm 1977 ông cùng Sư đoàn 31 cơ động vào An Giang - Kiên Giang, lúc này ông làm cán bộ Sư đoàn 31 đóng ở Bảy Núi. Năm 1979 ông cũng đã từng tham gia các trận đánh: Công Phu Chàm, Xiêm Riệp ở chiến trường Campuchia. Năm 1986 ông chuyển về Học viện quốc phòng

Hơn 30 năm chiến đấu, đi khắp chiến trường Nam - Bắc nhưng có lẽ những ký ức, kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với ông đó là 2 lần vinh dự được gặp Bác Hồ.

Ông Dung bồi hồi nhớ lại: “Lần đầu tiên được gặp Bác Hồ là vào 10/03/1958 ở tại Hưng Hoá (Phú Thọ). Lần ấy, Bác giao nhiệm vụ cho toàn đơn vị trở lại Điên Biên để xây dựng nông trường sản xuất”.
 
Lần thứ hai được gặp Bác Hồ là 06/05/1959 tại Thuận Châu, Tây Bắc. Lần này ông vinh dự được cùng Bác Hồ dự mít tinh cùng nhân dân khu tự trị Tây Bắc.
 
57 năm nhớ về một trận đánh - 4
Mỗi lần nhắc lại là ông lại bồi hồi tưởng nhớ đồng đội, nhớ chiến trường "năm xưa nếm mật nằm gai"

Ngoài ra ông Dung còn vinh dự 4 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào các năm 1949, 1958, năm 1960 khi Đại tướng lên thăm Điện Biên Phủ và gần đây nhất là vào năm 2004 khi kỷ niệm 50 chiến thắng Điện Biên Phủ.

Năm 1991 ông về hưu ở tuổi 60 với hàm Đại tá, có người vợ đảm đang và 4 người con đều thành đạt. Thấy sức khoẻ còn tốt ông tiếp tục tham các hoạt động xã hội; ông đã có bảy năm làm Bí thư Đảng ủy phường Hạ Long, thành phố Nam Định.

Hiện giờ ông đang là trưởng ban liên lạc chiến sỹ Điện Biên tỉnh Nam Định. Suốt cuộc đời hoạt động không biết mệt mỏi, ông đã được Đảng, Nhà nước và các cơ quan đoàn thể trao tặng nhiều bằng khen, huân huy chương, giấy khen các loại...
 
Nguyễn Hải - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm