1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hồi ức của người lính từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát

(Dân trí) - “Đồng chí Tạ Quốc Luật nói với chúng bằng tiếng Pháp: "Bỏ súng xuống, giơ tay lên. Các ông thua rồi, hãy đầu hàng đi và điện về Hà Nội ngừng ngay máy bay ném bom xuống Điện Biên Phủ" - người lính năm xưa nhớ lại giây phút bắt sống tướng Đờ Cát.

Với vẻ mặt và tác phong nghiêm nghị, giọng nói vẫn còn giữ nguyên chất lính, người chiến sỹ Đào Văn Hiếu, người tham gia trận chiến ác liệt tại Điện Biên Phủ năm 1954 và là một trong những người trực tiếp bắt sống tướng Đờ Cát (De Castries) nhớ lại chiến thắng hào hùng của dân tộc như thể nó vừa diễn ra hôm qua.

“Nắm cơm chấm bùn” và những chiến công

Đầu tháng 5, chúng tôi có dịp về vùng quê nghèo Nga Hưng, Nga Sơn, Thanh Hóa thăm ông Đào Văn Hiếu, một trong hai nhân chứng sống tham gia bắt sống tướng Đờ Cát trong chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954.

Hồi ức của người lính từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát - 1
Ông Hiếu bồi hồi nhớ lại những ký ức hào hùng của một thời

Đã gần 57 năm trôi qua, nhưng khi gặp và nghe chúng tôi hỏi lại, những ký ức hào hùng của một thời máu lửa lại hiện về trong tâm trí ông: “Trong cuộc đời kháng chiến của một người lính, tôi may mắn và vinh dự được chứng kiến và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, trực tiếp vào hầm bắt sống tướng Đờ Cát và các sĩ quan cao cấp của Pháp tại cứ điểm Điện Biên Phủ. Nhưng để có được chiến công đó của đại đội, phải nói đến công sức và sự hi sinh của biết bao chiến sĩ, đồng đội và của cả dân tộc”.

Ông vừa nâng chén trà lên hớp nhẹ một ngụm để lấy giọng, rồi kể tiếp, lúc đó tôi được cử về Đại đội 360, Tiểu đoàn 130, Trung đoàn 209 thuộc Đại đoàn 312. Trận chiến 56 ngày đêm không lúc nào ngớt tiếng súng, trận nào cũng quyết liệt, rất nhiều chiến sĩ đã đổ xương máu, công sức để làm nên chiến thắng chấn động địa cầu tại Điện Biên Phủ ngày ấy.

Sau chiến dịch 56 ngày đêm, Đại đội 360 do đại đội trưởng Tạ Quốc Luật trực tiếp chỉ huy đánh vào cứ điểm Him Lam và cứ điểm E1, sau đó là cứ điểm D2, cứ điểm 505A, 506... Trận đánh đồi C2 của chiến dịch (ngày 4 và 5/5/1954) là trận quyết liệt. Ta chiếm được, địch lại đánh trả, cuộc giằng co giữa hai bên diễn ra ác liệt suốt mấy ngày đêm, thương vong nhiều. Ban đầu, đại đội có 150 chiến sĩ, nhưng đến ngày 6/5 chỉ còn lại 34 chiến sĩ. Tại trận này, tôi bị bom địch vùi lấp dưới công sự, may mắn có đồng đội cứu thoát nên tôi giữ được tính mạng, nhưng tai tôi bị lãng, mắt cũng bị mờ đi.

Hồi ức của người lính từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát - 2
Những phần thưởng là những Huân, Huy chương mà Đảng và Nhà nước đã trao tặng ông

Ngày cuối cùng, ta và địch đều mệt lả. Không còn sức, tự dưng lính của hai bên đều ngừng bắn dù không có lệnh của chỉ huy. Bọn giặc cũng nằm tại chỗ. Chiến sỹ ta thì mệt lả vì đói, khát, kiệt sức. Nhiều người bị thương, máu, bùn đất dính đầy người. Như được cứu sống sau trận chiến ác liệt với quân thù, một đồng chí anh nuôi khoác ba lô cơm đi lên, phát cho mỗi chiến sĩ một nắm cơm và nhúm lạc rang muối. Ai cũng nhón từng hạt cơm, hạt lạc cho vào mồm, mút cái mằn mặn của muối với bàn tay nhuốm bùn và máu. Bỗng nhiên, một đồng chí đứng cạnh tôi nói: “Như thế là trong người chúng ta có máu của đồng đội, có đất của Điện Biên rồi đấy...”, giọng ông trầm xuống như để tưởng nhớ những đồng đội đã hy sinh.

Bắt sống tướng Đờ Cát

Có lẽ trong cuộc đời mấy chục năm là người lính, kỷ niệm mà ông không bao giờ quên là lần trực tiếp tham gia bắt sống tướng Đờ Cát.

Khi nói về sự kiện này, giọng ông như nhanh hơn và khẩn trương hơn: Sau nhiều ngày chiến đấu với quân địch tại các cứ điểm, quân ta đã chiếm được vòng ngoài của Điện Biên Phủ, tập đoàn mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp. 

“Lúc đó, Đại đội 360 nhận được lệnh củng cố lực lượng, dồn quân để chuẩn bị tấn công vào sở chỉ huy Đờ Cát với nhiệm vụ: Một là đánh vào sở chỉ huy, bắt sống tướng Đờ Cát; lập chiến công để chào mừng ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và trả thù cho những đồng đội đã hi sinh vì đất nước”, ông Hiếu nhớ như in.

Hồi ức của người lính từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát - 3
Cuộc hội ngộ giữa ông Đào Văn Hiếu và ông Hoàng Đăng Vinh, hai chiến sỹ tham gia bắt sống tướng Đờ Cát

Đúng 8h sáng ngày 7/5/1954, 34 chiến sĩ Đại đội 360 bắt đầu đánh chiếm cầu Mường Thanh, ta với địch giành nhau từng tấc đất. Hỏa lực của pháo binh DKZ 57 của ta kịp thời yểm trợ đoàn quân, vượt qua cầu Mường Thanh làm chủ chiến trường, kết liễu số phận đội quân viễn chinh xâm lược, rồi nhanh chóng vượt lên khỏi hào tiến về hướng tây tiêu diệt các ổ đề kháng. Lúc này, đại đội chỉ còn lại 5 người là đại đội trưởng Tạ Quốc Luật, đồng chí Nguyễn Lam, Đào Văn Hiếu, Hoàng Đăng Vinh và Bùi Văn Nhỏ.

“Đến khoảng 17h ngày 7/5, phát hiện ra hầm bí mật Đờ Cát thông qua một tên lính ngụy, Đại đội trưởng Đại đội 360 Tạ Quốc Luật chỉ huy 4 chiến sĩ xông vào hầm chỉ huy, tôi và anh Lam bịt cửa hầm phía Bắc, còn đội trưởng dẫn anh Vinh và anh Nhỏ đánh vào phía Nam cửa hầm. Sau khi dùng thủ pháo tiêu diệt tổ bảo vệ của địch ở phòng ngoài sát cửa ra vào, chúng tôi tiến thẳng vào gian hầm giữa, nơi tướng Đờ Cát và các sĩ quan Pháp trú ẩn.

Một số sĩ quan Pháp đang đốt tài liệu, một số thì ngồi trên ghế trước sơ đồ tác chiến, khuôn mặt rất hốt hoảng, căng thẳng.
 
Hồi ức của người lính từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát - 4
Người chiến sỹ trẻ Đào Văn Hiếu cùng các cháu thiếu nhi
tại lễ kỉ niệm 10 năm ngày giải phóng Điện Biên Phủ 1954 - 1964

Đồng chí Tạ Quốc Luật nói với chúng bằng tiếng Pháp, đại ý: “Bỏ súng xuống, giơ tay lên. Các ông thua rồi, các ông phải ra lệnh cho các ổ đề kháng bỏ sung, hãy đầu hàng đi và điện về Hà Nội ngừng ngay máy bay ném bom xuống Điện Biên Phủ. Tướng Đờ Cát cố tỏ ra bình tĩnh, nói: “Tôi đã làm việc đó từ 5 phút trước rồi”.

Áp giải tướng Đờ Cát và các sĩ quan, binh lính Pháp lên khỏi hầm, bàn giao cho Trung đoàn rồi tiếp tục quay sang tiêu diệt trận địa pháo 105. Khi nhìn thấy lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” của quân đội ta tung bay ngạo nghễ, lớp lớp những đoàn quân hừng hực khí thế chiến thắng, chúng tôi bị cuốn đi trong niềm vui khôn tả.

Giản dị giữa thời bình

Ông Đào Văn Hiếu sinh ra và lớn lên tại xóm 8, xã Nga Hưng, huyện Nga Sơn. Ông tình nguyện tham gia nhập ngũ vào năm 1950 với mong muốn góp sức trẻ của mình để giành lại hòa bình, độc lập tự do cho dân tộc. Năm 17 tuổi, ông tham gia đội du kích Nga Hưng. Sau một thời gian được huấn luyện, đến năm 1951, ông được nhận vào đại đội 360, tiểu đoàn 130, trung đoàn 209 thuộc đại đoàn 312, lần lượt được tham gia các trận chiến ác liệt như chiến dịch Hòa Bình, chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào…

Hồi ức của người lính từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát - 5
Thương những cháu bé như con

Trải qua cuộc sống “ngủ rừng ăn cơm vắt”, mũi sung chĩa đầu nhưng vẫn hiên ngang, bất khuất. Đến năm 1954, ông được làm tiểu đội trưởng, tham gia chiến dịch 56 ngày đêm và chiến dịch Điện Biên Phủ, phá tan cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp.

Đánh đuổi giặc Pháp ra khỏi bờ cõi, đến năm 1959 ông Hiếu trở về quê hương thì mẹ đã qua đời vì quá thương nhớ con vì nghĩ con không còn sống. Năm 1960, ông Hiếu cưới vợ là cô dân quân 20 tuổi Trịnh Thị Cống, người cùng xã và sinh được 5 người con. Đến năm 1966, ông tham gia sư đoàn 338, tiếp tục tham gia chống Mỹ ở chiến trường B cho đến tận năm 1974 mới ra quân, về làng với quân hàm trung úy, mang trong mình thương tật hạng 2/4 và 24 năm tuổi quân.

Về quê hương với 58 năm tuổi Đảng, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội, lúc thì làm Bí thư chi bộ thôn, lúc làm Trưởng thôn, Hội cựu chiến binh... Nhiệm vụ nào được giao ông cũng hoàn thành xuất sắc, chu đáo cho đến khi nghỉ hưu.


Hồi ức của người lính từng tham gia bắt sống tướng Đờ Cát - 6
Ông Hiếu hiện đang sống cùng vợ tại xã Nga Hưng

Hai người con trai của ông cũng được trải nghiệm cuộc sống người lính. Anh Đào Văn Hạnh từng tham gia bộ đội ở Đại đội 17, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 141, Sư đoàn 312, đó là sư đoàn cũ của ông Hiếu. Nhiều lần, ông Hiếu ôm balô lên tận đơn vị động viên con giữ vững ý chí chiến đấu, không được nản lòng trước khó khăn, gian khổ.

Năm nay, ông Đào Văn Hiếu đã bước sang tuổi 80, ông đang sống cùng vợ tại xã Nga Hưng với cuộc sống đạm bạc, giản dị bằng việc chăm sóc cây cảnh, chăm các cháu giúp con cái. Các con của cụ đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. 5 chiến sĩ anh hùng được trực tiếp tham gia bắt sống tướng Đờ Cát nay chỉ còn lại hai người là ông Hiếu và ông Hoàng Đăng Vinh còn sống.

Ông Hiếu bùi ngùi: “Tôi chỉ mong có dịp được trở lại chiến trường xưa cùng các chiến sĩ để cùng nhau sống lại ký ức Điện Biên Phủ hào hùng”.

Lan Anh - Duy Tuyên

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm