1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Vâng lời Bác trở lại Điện Biên

(Dân trí) - “Bác tin các chú có truyền thống đoàn kết, kỷ luật chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Sắp tới các chú xây dựng quyết tâm mới, trở lại Điện Biên vượt mọi khó khăn, xây dựng đất Điện Biên giàu đẹp cho đất nước. Các chú có thực hiện tốt được không?”.

Đó là những lời động viên của Bác Hồ khi Bác về thăm đơn vị Sư đoàn 316, nói chuyện và giao nhiệm vụ cho các chiến sĩ Sư đoàn.

Nhân dịp kỷ niệm 57 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, Dân trí xin được giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Đại tá Đinh Văn Dung người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ về kỷ niệm một lần được gặp Bác Hồ.

“Sáng ngày 10 tháng 3 năm 1958, tiếng kẻng báo thức vừa dứt, Sư đoàn 316 chúng tôi được cấp trên thông báo khoảng 9 giờ sáng mai có thủ trưởng cấp trên đến thăm. Sư đoàn bộ chúng tôi ngày ấy đóng quân gần sát thị trấn Hưng Hoá - tỉnh Phú Thọ.
 
Vâng lời Bác trở lại Điện Biên - 1
Đại tá Đinh Văn Dung, người vinh dự hai lần được gặp Bác Hồ 

Khoảng 9 giờ 30 phút, một đoàn xe đến, chúng tôi mặc trang phục chỉnh tề hồi hộp tập hợp nghiêm chỉnh hàng hai bên đường. Đoàn xe cách chúng tôi chừng 20 mét thì từ từ dừng lại. Bác Hồ ung dung bước ra khỏi xe, tiếp đó là Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí cùng đi. Chúng tôi ai nấy nghẹn ngào xúc động. Không có mệnh lệnh thống nhất, nhưng tiếng Bác Hồ, Bác Hồ muôn năm, từ hàng quân bật lên vang dội ngân dài.

Bước vào hội trường, Bác cười đôn hậu, giơ tay ra hiệu cho chúng tôi ngồi xuống. Bác hỏi: Các chú có khoẻ không? Cả hội trường vang lên: Có ạ! Có ạ!

Bác nói: Bác vừa đi thăm một số nước Ấn Độ, Miến Điện, Inđônêxia, đi đến đâu nhân dân và Chính phủ các nước đó đều đồng tình ủng hộ cuộc kháng chiến của nhân dân ta, đón tiếp thắm tình hữu nghị, ca tụng dân tộc Việt Nam anh hùng. Bác tươi cười hỏi chúng tôi: Các chú có thấy Điện Biên Phủ của ta anh hùng không? Cả hội trường lại vang lên: Có ạ! Có ạ!

Vậy Bác thay mặt Trung ương cử đơn vị các chú lên Điện Biên làm nhiệm vụ, các chú có đồng ý không? Chúng tôi đồng thanh đáp lại: Có ạ! Có ạ!

Bác giao nhiệm vụ cho chúng tôi trở lại Điện Biên củng cố quốc phòng, giữ gìn biên cương, xây dựng nông trường sản xuất, Bác nói: “Xây dựng nông trường là công việc mới mẻ, phải đoàn kết tốt trong đơn vị và địa phương, phải biết chọn giống má, cây, con phù hợp với đất đai”.

Bác nói tiếp: Bác tin các chú có truyền thống đoàn kết, kỷ luật chiến thắng ở Điện Biên Phủ. Sắp tới các chú xây dựng quyết tâm mới, trở lại Điện Biên vượt mọi khó khăn, xây dựng đất Điện Biên giàu đẹp cho đất nước. Các chú có thực hiện tốt được không?

Hàng trăm cánh tay giơ lên như những lớp sóng biển, hoà nhịp với tiếng hô đanh và hồ hởi “Có ạ! Có ạ! Quyết tâm! Quyết tâm!” vang dội cả hội trường.

Bác còn căn dặn khi nào đơn vị xây dựng Điện Biên có thành tích tốt, Bác sẽ lên thăm. Nhân dịp này Bác tặng Sư đoàn một bài thơ và 100 huy hiệu của Bác tặng cho cán bộ, chiến sĩ có thành tích tốt.

Đồng chí chính uỷ Sư đoàn Nguyễn Kiện thay mặt cán bộ, chiến sĩ hứa quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và nhận bài thơ, quà thưởng trong tay Bác, trang trọng xúc động đọc trước đơn vị bài thơ Bác tặng:

“Đá rắn, quyết tâm ta rắn hơn đá
Núi cao, chí khí ta còn cao hơn
Khó khăn ta quyết vượt cho kỳ được
Gian khổ không làm lòng ta sờn
Đảng phái ta lên mặt trận sản xuất
Nhiệm vụ ấy ta quyết làm cho tròn
Đội ơn đào tạo người quân đội
Quyết chí đền bù nghĩa nước non”.

Đồng chí chính uỷ vừa dứt lời, tiếng vỗ tay kéo dài cùng tiếng hô vang “Bác Hồ muôn năm! Bác Hồ muôn năm!”. Cả hội trường tưng bừng trong không khí đầm ấm chan hoà.

Vâng lời Bác dạy, trở lại Điện Biên, Sư đoàn chúng tôi chấn chỉnh lực lượng, vừa huấn luyện sẵn sàng chiến đấu giữ gìn biên cương Tổ quốc, vừa bắt tay vào nhiệm vụ sản xuất, phá dỡ bom mìn. Không có trâu kéo thì dùng sức người, thiếu công cụ thì hàng trăm lò rèn dùng sắt vụn để sản xuất dao, cuốc xẻng, xà beng kịp khai phá trên 2000 héc ta ruộng đất kịp thời vụ. Từ Pa Pe, Hồng Cúm, Tây Trang hình thành khu vực nông trường đầu tiên do Trung đoàn 176 đảm nhiệm. Rồi sửa chữa sân bay Điện Biên, đắp đập hồ Pa Khoang, làm thuỷ điện hồ Huổi Phạ, xây Đài liệt sĩ đồi A1, mở rộng đường Điện Biên - Tuần Giáo, xây dựng mới bệnh xá, trường học cho các em học sinh đến trường…không khí lao động thật khẩn trương, sôi nổi, đầy hào hứng. Được Đảng bộ, chính quyền đoàn thể và nhân dân Điện Biên giúp đỡ đất đai, giống má, nhà ở, tình cảm quân dân gắn bó.

Và ngày nay, thành phố Điện Biên đang năng động cùng cả nước đổi mới. Điện lưới quốc gia thắp sáng đến bản làng, đường giao thông đến các xã, có nước sạch cung cấp đủ cho thành phố, có trường nội trú cho các dân tộc anh em, nhà cao tầng san sát, chợ búa tấp nập đông vui, tràn đầy sức sống của cả thành phố miền biên giới Tây Bắc.

Hàng nghìn cựu chiến binh đã bền bỉ ở lại xây dựng quê hương mới trong mấy chục năm qua mang tiềm ẩn nền tảng văn hoá truyền thống diện mạo thành phố văn hoá Điện Biên lịch sử. Họ lao động xây dựng trang trại, xây dựng kinh tế địa phương, xây dựng đời sống văn hoá góp phần đảm bảo thế trận an ninh - quốc phòng.

Trở lại Điện Biên sau hơn 50 xa cách, gặp đồng đội Nông Văn Khầu, Lê Văn Chính… bạn chiến đấu trên đồi A1 năm xưa, chúng tôi cùng lên viếng nghĩa trang liễt sĩ đồi A1 - nơi yên giấc ngàn thu của 3.200 liệt sĩ đã hy sinh trong chiến dịch Điện Biên Phủ, như những ngôi sao bảo vệ phẩm giá độc lập - tự do cho dân tộc mãi mãi thiêng liêng để chúng ta noi gương quyết tâm vì sự trường tồn của Tổ quốc".

Đinh Văn Dung