1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

2 kỷ vật đặc biệt liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp:

Chiếc xe chở Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh 2/9/1975

Chiếc xe nhãn hiệu Mercedes, 4 chỗ, biển số 72 M-0217 màu xanh đen, số khung 100248, số máy 027150. Chiếc xe đó, bây giờ ở đâu, ai là người đang lưu giữ?

Chiếc xe này có khả năng chống đạn, chống mìn đã được Quân đội trưng dụng sau cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

 

Ngày 2 tháng 9 năm 1975, chiếc xe Mercedes đã được sử dụng để chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh trên Quảng trường Ba Đình - Hà Nội, mừng Quốc khánh của nước Việt Nam thống nhất. Chiếc xe đó, bây giờ ở đâu, ai là người đang lưu giữ? Được biết, hãng Mercedes đề nghị đổi chiếc xe cũ bằng nhiều xe mới khác, nhưng người lưu giữ kỷ vật này vẫn không đồng ý.

 

Chiếc xe chở Đại Tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh 2/9/1975

Ngày 2 tháng 9 năm 1975, chiếc xe này được sử dụng để chở Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại lễ duyệt binh trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội, mừng Quốc khánh nước Việt Nam thống nhất

 

Chiếc xe Mercedes chở Đại tướng bây giờ ở đâu?

 

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta mà đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã làm nên đại thắng Mùa xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. 11h30 phút ngày 30 tháng 4 năm 1975 lá cờ cách mạng tung bay trên Dinh Độc lập - Trung tâm đầu não và hang ổ cuối cùng của ngụy quyền tay sai Mỹ, kết thúc cuộc kháng chiến lâu dài, gian khổ của nhân dân ta chống đế quốc Mỹ xâm lược. Trong quá trình tiếp quản Dinh Độc lập, một đơn vị của Quân đội Nhân dân Việt Nam phát hiện một chiếc xe nhãn hiệu Mercedes 4 chỗ, biển số 72 M-0217 màu xanh đen, số khung 100248, số máy 027150. Chiếc xe này có khả năng chống đạn, chống mìn do đó đã được Quân đội trưng dụng. Người đầu tiên sử dụng xe là tướng Đinh Đức Thiện lúc đó là Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam.

 

Ngày 3 tháng 9 năm 1975 tức là sau Lễ Quốc khánh 1 ngày, Chính phủ có Nghị định số 170/CP thành lập Tổng cục Dầu khí Việt Nam có trụ sở tại 48-50 Nguyễn Thái Học - Hà Nội và chiếc xe được bàn giao cho Tổng cục Dầu khí Việt Nam, ông Phan Tử Quang khi đó là Phó Tổng cục trưởng trực tiếp sử dụng. Đến năm 1986, xe được bàn giao cho chi nhánh của Tổng cục Dầu khí tại phía Nam. Năm 1999 Công ty TNHH Tân An Bình nhận sửa chữa và mua lại chiếc xe này. Từ năm 1999 đến nay xe thuộc quyền sở hữu của Công ty Tân An Bình.

 

Đây là chiếc xe gắn liền với các sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước, gắn liền với các nhân vật lịch sử nổi tiếng của Việt Nam: Đại tướng Tổng tư lệnh QĐND Việt Nam Võ Nguyên Giáp; Trung tướng Đinh Đức Thiện - Nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam; Đại tá Phan Tử Quang, nguyên Chủ nhiệm xăng dầu đường 559 huyền thoại, nguyên Tổng cục phó Tổng cục Dầu khí Việt Nam.

 

Hiện tại chiếc xe này đang được Công ty Tân An Bình quản lý và lưu giữ cẩn thận. Hãng Mercedes khi biết thông tin này đã có lần đề nghị được đổi mấy chiếc xe mới để lấy chiếc xe này nhưng Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng giám đốc Trần Việt Tuấn không đồng ý.

 

Để tỏ lòng biết ơn và kính trọng đối với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người anh cả của quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng, người đã trực tiếp chỉ huy chiến dịch đại thắng Mùa xuân năm 1975, người đã trực tiếp sử dụng chiếc xe tại lễ duyệt binh chào mừng Quốc khánh 2/9/1975, Quốc khánh đầu tiên sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đất nước đã thu về một mối, người đang lưu giữ chiếc xe đã coi là một kỷ vật vô giá và trong suốt những năm qua đã tu sửa, bảo quản chiếc xe hết sức cẩn thận.

 

Đây cũng là một kỷ vật của một vị tướng Việt Nam đã lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu, các cơ quan có trách nhiệm của Quân đội, Bộ Văn hóa - Thể thao & Du lịch... cần có kế hoạch kiểm tra xác định thông tin, tư liệu để đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự hoặc nhà lưu niệm của Đại tướng như một kỷ vật Quốc gia, nhằm giáo dục cho các thế hệ người Việt Nam lòng yêu nước và tự hào dân tộc.

 

600 chai rượu vang Pháp hiệu Bordeaux và món quà tặng Đại tướng của cựu binh Pháp

 

Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu đã kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của Pháp tại Đông Dương, đặt dấu chấm hết cho sự có mặt của người Pháp ở Việt Nam sau hơn 80 năm. Đội quân nhà nghề của Pháp dưới sự chỉ huy của Tướng De Castries đã kéo cờ đầu hàng vô điều kiện quân đội nhân dân Việt Nam. De Castries là một Tướng tài, được đào tạo bài bản và có nhiều năm kinh nghiệm chinh chiến tại Việt Nam. Ông ta là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 600 của quân đội Pháp tại Đông Dương và là người chỉ huy cao nhất của Pháp tại Điện Biên Phủ với quân hàm Chuẩn tướng.

 

Năm 1998, Trung đoàn 600 (Trung đoàn do Tướng De Castries chỉ huy) đã tổ chức một cuộc hành quân từ Hà Nội về Điện Biên Phủ, theo dấu cuộc hành quân năm xưa (năm 1944) và tiếp sau đó đã tổ chức một buổi lễ giải thể, xóa phiên hiệu rất long trọng ở Paris - Pháp.

 

Để kỷ niệm sự kiện trên họ đã đặt Hãng rượu Bordeaux, một thương hiệu nổi tiếng của Pháp sản xuất 600 chai rượu vang và thực hiện lại cuộc hành quân từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ theo hành trình mà họ đã hành quân năm xưa. Những cựu binh Pháp của Tướng De Castries đã lấy 2 trong số 600 chai rượu Bordeaux nổi tiếng ấy, một chai tặng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh chiến dịch Điện Biên Phủ, người đã đánh bại họ, chai thứ hai tặng ông Trần Việt Tuấn nguyên Tổng Giám đốc Công ty du lịch cựu chiến binh Việt Nam đồng thời là người chủ trì hành quân cho các cựu binh Pháp về lại Điện Biên - Chai rượu ấy được ông Trần Việt Tuấn hiện tại là Chủ tịch HĐTV kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Tân An Bình trân trọng lưu giữ làm kỷ niệm.

 

Trước khi trở thành Tổng Giám đốc Công ty Tân An Bình, ông Trần Việt Tuấn giữ chức Tổng Giám đốc điều hành của Công ty du lịch cựu chiến binh Việt Nam, một Công ty được thành lập theo sáng kiến của Đại tá Hà Văn Lâu, nhà quân sự, chính trị, ngoại giao nổi tiếng của Việt Nam. Đại tá Phan Tử Quang - người gắn liền tên tuổi với đường ống xăng dầu huyền thoại 559, người có nhiều đóng góp cho sự phát triển của ngành dầu khí Việt Nam. Công ty ra đời với hy vọng tạo điều kiện cho các cựu chiến binh đã từng tham chiến tại Việt Nam thăm lại nơi họ và Chính phủ của họ đã gây nên đau thương cho nhân dân Việt Nam để tự thấy trách nhiệm phải giúp đỡ Việt Nam, đền bù chiến tranh ở Việt Nam, bình thường hóa quan hệ với Việt Nam, khép lại quá khứ hướng tới tương lai, kết hợp giữa làm kinh tế với lợi ích đất nước và tinh thần vị tha của người Việt Nam.     

 

Ông Trần Việt Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Tân An Bình: Đó là kỷ vật vô giá

- Ông có thể cho biết vì sao Công ty Tân An Bình có chiếc xe Mercedes đặc biệt này?

- Năm 1998, tôi vào TP HCM cùng cụ Phan Tử Quang, lúc đó là Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dầu khí và đến cư xá Thanh Đa, tôi nhìn thấy chiếc xe Mercedes nằm ở ngoài trời mới hỏi thì cụ Phan Tử Quang bảo đó là chiếc xe cụ đang đi. Năm 1975 khi vào tiếp quản Sài Gòn, quân đội ta thấy chiếc xe đó trong Dinh Tổng thống, không biết đó là xe của ai đi nhưng nhiều khả năng là xe của Tổng thống hoặc Phó Tổng thống vì đó là xe chống đạn, chống mìn rất nặng. Chiếc xe đã được trưng dụng, Trung tướng Đinh Đức Thiện nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Dầu khí Việt Nam đã sử dụng chiếc xe đó. Chuẩn bị cho ngày 2-9-1975, quân đội đã trưng dụng chiếc xe này để Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt binh tại Quảng trường Ba Đình.  Duyệt binh xong, chiếc xe được chuyển lại cho bên Dầu khí mà cụ thể là cụ Phan Tử Quang sử dụng. Tôi thấy ý nghĩa của chiếc xe nên đề nghị chuyển nhượng lại cho Công ty Tân An Bình. Tôi đã mang đi sửa chữa tại một gara ở Sài Gòn và chạy thử từ Sài Gòn xuống Vũng Tàu. Sau đó, tôi lại thuê vận chuyển ra Hà Nội và có chạy thử ở khu vực Mỹ Đình, rồi đưa về khu Tây Tựu để bảo quản ở đó. Hiện chiếc xe để lâu không đi nên cũng xuống cấp nhiều.

- Được biết hãng Mercedes có đề nghị đổi chiếc xe này lấy 4 chiếc xe mới nhưng ông không đồng ý?

- Tôi có nhờ người mang số khung, số máy của chiếc xe về bên hãng Mercedes ở Đức xác minh thì hãng Mercedes cũng nói rằng đó là xe đặt hàng từ những năm trước 1970 và họ đề nghị đổi cho họ chiếc xe này lấy 4 chiếc xe Mercedes đời mới. Nhưng tôi không đồng ý. Tôi nghĩ đó là chiếc xe mang giá trị lịch sử nếu chuyển đi thì mất giá trị lịch sử của đất nước mình. Chiếc xe đã gắn với kỷ niệm của ngày chiến thắng tại Dinh Độc lập, gắn với kỷ niệm của ngày Quốc khánh nước Việt Nam và gắn với kỷ niệm của một vị tướng tài - anh hùng dân tộc Võ Nguyên Giáp. Sau này chắc chắn mọi người sẽ sưu tầm lại những kỷ vật đó, vì nó liên quan đến cả một chặng đường lịch sử của dân tộc Việt Nam.

- Tại sao đến giờ ông mới công bố?

- Thứ nhất là vì khi cụ Võ Nguyên Giáp còn sống thì chưa ai đặt vấn đề. Thứ hai là tôi nghĩ mình chỉ là người bảo quản chiếc xe, đến bây giờ cụ Giáp mất, tôi muốn trao lại những gì liên quan đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp để mọi người cùng được biết thì sẽ có ý nghĩa hơn.

- Ông có nguyện vọng, mong muốn gì với việc bảo quản, lưu giữ chiếc xe?

- Đương nhiên tôi muốn chiếc xe được tu sửa lại, bảo quản một cách chu đáo và tốt hơn. Nhưng hiện tại về mặt tài chính thì tôi chưa làm được. Còn bán thì tôi không muốn bán. Tôi muốn sau này sẽ tu sửa lại, còn thuộc về ai thì đó là tùy duyên. Có thể tôi sẽ bán với giá trị rất cao hoặc có thể tôi sẽ tặng không. Đã rất nhiều người đến hỏi mua chiếc xe nhưng tôi không gặp vì tôi có ý định bán đâu mà gặp. Tôi nghĩ đó là kỷ vật vô giá.

- Trân trọng cảm ơn ông!

 

Theo Lê Văn Long
 An ninh Thủ đô