1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hà Nội:

“Chỉ 1% hành khách đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt rất kém” (?)

(Dân trí) - Trong khi nhiều người đang sử dụng xe buýt tại Hà Nội than phiền và bức xúc về chất lượng dịch vụ, thì “cha đẻ” của loại phương tiện công cộng này vừa công bố số liệu điều tra xã hội học khẳng định tỷ lệ đó chỉ chiếm 1%.

Từ con số…

Ông Nguyễn Phi Thường - Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) - đơn vị cung cấp dịch vụ buýt công cộng ở Thủ đô cho hay: “Giá vé xe buýt hiện nay là quá rẻ. Chất lượng dịch vụ xe buýt đã được cải thiện hơn rất nhiều. Theo kết quả điều tra xã hội học, 26% số người được hỏi đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt là tốt, 65% đánh giá bình thường, chỉ có 8% đánh giá kém và 1% đánh giá là rất kém”.

Đánh giá lộ trình cho thấy, từ năm 2005 Hà Nội đã cơ bản hoàn thành xong mục tiêu mua thói quen đi lại bằng buýt công cộng của người dân. Đến năm 2011, luồng tuyến tăng 2,4 lần, lượng xe tăng 4 lần và khách xe buýt tăng 30 lần.

Không thể phủ nhận những việc xe buýt công cộng làm được khi số lượng khách vận chuyển trong 10 năm (2001-2011) đã tăng mạnh từ 15 triệu lên tới 400 triệu lượt khách, nhưng theo "phàn nàn" của rất nhiều hành khách thì chất lượng dịch vụ như đánh giá nói trên có thực sự chính xác?
 
“Chỉ 1% hành khách đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt rất kém” (?) - 1

Xe buýt Thủ đô và nỗi ám ảnh trong giờ cao điểm (ảnh minh họa: Việt Hưng)

Tại cuộc họp về tăng cường năng lực vận tải và chất lượng dịch vụ xe buýt ở Hà Nội diễn ra mới đây, ông Nguyễn Phi Thường đã thừa nhận có nạn trộm cắp, móc túi ở các điểm trung chuyển và trên xe buýt trong giờ cao điểm, có hiện tượng xe bỏ điểm dừng và thái độ phục vụ của một số lái xe, bán vé đang gây bức xúc cho hành khách đi xe.

Nói về lí do người dân tại Thủ đô không đi xe buýt, ông Thường cung cấp 1 số liệu điều tra xã hội học khác của đơn vị này cho thấy nguyên nhân khách không đi xe buýt chiếm tỷ lệ 65% là do chờ lâu, 16% do mức độ phục vụ kém, 10% do đi bộ xa, 5% do tệ nạn và 4% do lái xe ẩu.

Trong khi đó, khẳng định đã đi xe buýt nhiều lần để khảo sát thực trạng dịch vụ vận tải công cộng, ông Trần Ngọc Thành - Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) đưa ra đánh giá là nhà xe cơ bản hấp hành tốt việc mặc đồng phục và đeo thẻ, thái độ văn minh.

“Những tồn tại của một số lái xe trên tuyến có thái độ không tôn trọng khách hàng đi xe khi sự phân biệt đối với khách đi vé ngày với vé tháng, nhiều lúc không chấp hành đúng việc thực hiện đón khách (lên cửa trước, xuống cửa sau) mở cửa tùy tiện. Đôi khi còn phóng nhanh và đi sai lộ trình, vi phạm luật lệ giao thông đường bộ, tạt xe gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông trên đường. Nhân viên phục vụ trên nhìn chung đều có thái độ đúng mực, lễ phép với khách hàng, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số ít nhân viên không chấp hành việc đeo thẻ tên và có thái độ, lời nói không văn minh, lịch sự với hành khách đi xe” - ông Thành nhìn nhận.

… đến hiện thực

Trước thực trạng ùn tắc giao thông nghiêm trọng tại Hà Nội, Bộ GTVT nêu ra chủ trương vận động, khuyến khích người dân đi xe buýt công cộng nhằm hạn chế xe cá nhân lưu thông.

Những tưởng khi đã có sự đồng thuận, khi đích thân Bộ trưởng GTVT ra mặt chấn chỉnh thực trạng và chỉ đạo nâng cao chất lượng dịch vụ, nâng cao ý thức của lái, phụ xe phục vụ trên xe buýt thì mọi chuyện sẽ đi vào quy củ. Thế nhưng, một số sự việc đáng tiếc vẫn xảy ra và gây thêm nỗi bức xúc cho hành khách đi xe, cũng như dư luận xã hội.
 
“Chỉ 1% hành khách đánh giá chất lượng dịch vụ xe buýt rất kém” (?) - 2
Hình ảnh văn minh, lịch sự từ dịch vụ vận tải công cộng này
 là sự kỳ vọng của mọi người (ảnh minh họa: Việt Hưng)

Sự việc mới nhất đang gây xôn xao dư luận là hành động không thể chấp nhận được của nhà xe khi lăng mạ, chửi bới và bắt khách phải quỳ chỉ vì không chấp nhận yêu cầu cho khách xuống xe dọc đường chiều 22/10, trên xe buýt mang BKS 30K-1550 tuyến 34 (BX.Mỹ Đình - BX.Gia Lâm). Nạn nhân là anh Nguyễn Ngọc Phúc (ở thành phố Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc).

Giải quyết dứt khoát vụ việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã chỉ đạo lập tức đuổi việc những nhân viên phục vụ trên chuyến buýt nói trên.

Góp ý kiến về chất lượng dịch vụ trên xe buýt, rất nhiều người đã phản ánh tới Dân trí về những chuyện đã từng xảy ra với họ và thực trạng họ hàng ngày vẫn mắt thấy tai nghe về xe buýt Hà Nội.

Trong đó, một bạn đọc có địa chỉ e-mail intercalary.bk@gmail.com cho biết mình là 1 hành khách thường xuyên đi xe buýt trên tuyến 51tại Hà Nội nhưng luôn gặp phải những rắc rối không mong muốn.

“Lần nào tôi đi từ bến xe Trung Yên về quận Hai Bà Trưng cũng phải đợi xe từ bến tới 40-45 phút. Nguyên nhân là phải chờ mấy anh lái xe ngồi đánh bạc xong, họ đánh ngay trên xe, mặc cho thời gian trôi và hành khách phải chờ (theo quy định chỉ chờ 15 phút là có chuyến). Cuối cùng thì xe cũng lăn bánh, nhưng điều không tưởng tượng được nữa là: khách lên xe trả tiền nhưng ko có vé, có vẻ như mấy anh tài xế này thua bạc nên đành dùng tiền khống mà không nộp lại cho công ty xe buýt” - bạn đọc này chia sẻ.

Dẫu biết trong hàng nghìn lái, phụ xe của Traserco có nhiều nhân viên gương mẫu và phục vụ hành khách rất chu đáo, đúng mực trên những chuyến buýt, bởi vậy nếu “vơ đũa cả nắm” sẽ là không công bằng với họ. Nhưng, ngành GTVT cần kiên quyết hơn nữa trong việc chấn chỉnh nhóm lao động chưa tốt và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải để tạo dựng một hình ảnh văn minh, lịch sự của buýt Thủ đô.

Quỳnh Anh