Xe buýt xứng đáng nhận mấy điểm?

(Dân trí) - Chỉ ra hàng loạt “tội” của xe buýt như lái phụ xe “hách dịch”, nạn trộm cắp, đánh võng giữa đường… nhiều hành khách “ruột” chỉ chấm từ 3 đến 6 điểm cho loại phương tiện giao thông công cộng này.

Trải qua hành trình dài hơn 10km từ Long Biên về đến Cầu Giấy trên xe buýt, mất hơn một giờ, Phương Mai còn mất thêm một chiếc điện thoại trị giá gần 3 triệu đồng (phần thưởng của bố khi đỗ vào Học viện Ngân hàng). Không còn điện thoại để gọi người thân ra đón, Mai đành phải thuê của bác xe ôm đứng gần bến với số tiền 5.000 đồng một cuộc điện thoại chỉ vài giây. Ý định báo công an mong tìm được điện thoại của Mai cũng nhanh chóng vụt tắt vì bác xe ôm cho biết mỗi ngày ở trạm trung chuyển xe buýt (đối diện ĐH Giao thông vận tải) có hàng trăm vụ mất cắp như vậy.
 
Xe buýt xứng đáng nhận mấy điểm? - 1
Tình trạng xe buýt quá tải thường thấy vào giờ cao điểm

“Xe buýt là phương tiện phù hợp với sinh viên chúng em nhưng còn tồn tại quá nhiều bất cập không được xử lý. Nếu lấy thang điểm 10, để chấm điểm xe buýt em chỉ cho loại phương tiện này 3 điểm”, Phương Mai bức xúc nói.

Còn Đức Nhạ (sinh viên Đại học Thương Mại) cho biết, việc nhà nước khuyến khích sử dụng xe buýt là chính sách tốt, giảm được phương tiện cá nhân hạn chế tắc đường và tiết kiệm được xăng dầu. “Để người dân chọn xe buýt là phương tiện chính khi ra đường, thành phố cần phải cải thiện loại rất nhiều chất lượng phục vụ loại phương tiện này”, Nhạ bày tỏ.

Ngoài ra, Đức Nhạ còn lo lắng việc hạn chế phương tiện cá nhân, dễ dẫn đến sự độc quyền của xe buýt, buộc người dân phải lựa chọn loại phương tiện này. Khi đó thái độ phục vụ khách hàng của nhà xe khó mà thay đổi. Cộng tất cả nỗi bức xúc của mình với những ưu ái cho loại phương tiện mà hàng ngày đi lại, Nhạ chấm cho ngành xe buýt Hà Nội 5 điểm.

“Không hiểu lãnh đạo của ngành giao thông có thường xuyên đi xe buýt để thấu hiểu nỗi khổ mà người dân phải chịu đựng hay không. Vì tôi thấy, tình trạng này diễn ra nhiều năm nay nhưng không được cải thiện thậm chí ngày càng gây bức xúc hơn cho người dân. Nếu hạn chế phương tiện cá nhân, đẩy người đi xe máy lên xe buýt mà thái độ phục vụ hành khách như hiện nay thì kinh khủng quá”, Thanh Phương học sinh trường Trung cấp Dược Hà Nội chia sẻ.

Phương cho rằng, chưa thấy nơi nào xe buýt như Hà Nội. “Có lẽ được nhà nước ưu ái như vua đường phố nên nhiều tài xe lái xe tạt ngang, tạt ngửa, đi lại nghênh ngang trên đường gây nguy hiểm cho các phương tiện khác, điển hình là lái xe buýt tuyến 18 và 32. Nếu chấm điểm riêng cho hai tuyến em hay đi này thì chỉ được 4 điểm”, Phương nói.

Mặc dù chọn xe buýt là phương tiện chính đi lại từ hồi học phổ thông cũng như khi lên đại học nhưng Vân sinh viên năm thứ nhất Học viện Tài chính nói: “Mỗi khi đi xe máy ra đường nhìn thấy xe buýt em thường phải tránh xa vì lái xe thường tạt ra vào các trạm đón trả khách rất gấp, hơn nữa khói bụi mà xe buýt thải ra rất khó chịu cho người đi đường. Em chấm cho xe buýt 6 điểm”.

Nguyễn Thị Huyền, nhà ở ngã Tư Sở, thường đi xe tuyến 24, 22 và 29, nhiều lái xe cũng có thái độ rất tốt với khách, nhưng cũng có không ít lái xe còn tỏ thái độ “bề trên”. Nhiều năm đi xe buýt, nên Huyền cho rằng, hệ thống điều hành và phân phối xe buýt chưa hợp lý chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Nhiều lần Huyền phải đứng ở trạm xe buýt hàng giờ nhưng không bắt được xe về nhà.

“Hiện tượng bỏ bến, bỏ khách thường xuyên xảy ra; lái xe buýt thì phóng nhanh vượt ẩu, vượt luôn cả đèn đỏ; xe buýt cũng gây ảnh hưởng xấu đến môi trường. Với những tật xấu đó tôi chấm cho xe buýt 4 điểm”, Huyền liệt kê hoàng loạt những tật xấu của xe buýt trên đường phố Hà Nội hiện nay. Theo Huyền để hành khách chọn phương tiện này để đi lại hàng ngày, nhà xe phải bổ sung thêm đầu xe; tân trang hoặc thay thế xe cũ; đặc biệt là phải thay đổi thái độ phục vụ của lái phụ xe buýt.

Quang Phong