Quảng Nam:

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong

Công Bính Hoài Sơn

(Dân trí) - Do vướng mắc mặt bằng, công trình cầu Tam Giang (huyện Núi Thành, Quảng Nam) sau 5 năm xây dựng vẫn "án binh bất động". Người dân hai bên bờ sông khổ sở vì nhà xuống cấp mà không thể sửa chữa được.

Cầu trăm tỷ thành cầu "treo"

Cầu Tam Giang mới bắc qua xã Tam Giang và thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành, Quảng Nam) được đầu tư xây mới với tổng kinh phí 150 tỷ đồng; khởi công từ tháng 4/2017. Dự kiến ban đầu, công trình này hoàn thành và đưa vào hoạt động từ tháng 7/2018.

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong - 1

Cầu Tam Giang xây dựng đã gần 5 năm nhưng chỉ hoàn thiện được 4 trụ cầu.

Tuy nhiên, đến nay công trình cầu này chỉ mới xây dựng được 4 chân cầu nằm trơ trọi trên sông, với đống sắt đang dần hoen gỉ, cùng với đó là ngổn ngang các thiết bị máy móc, phương tiện nằm phơi nắng, phơi mưa ở ngoài trời và phần nhịp cầu vẫn chưa được nối vì không có mặt bằng thi công.

Ông Huỳnh Ngọc Khanh (sinh năm 1954, trú thôn Hòa An, xã Tam Giang) cho hay, cầu Tam Giang được thi công đã lâu nhưng gần 5 năm xây dựng mọi thứ vẫn "chưa đâu vào đâu".

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong - 2

Máy móc, phương tiện thi công cầu bỏ ngoài trời, không được che đậy.

Đến nay đơn vị thi công đã ngừng xây cầu và di chuyển đi nơi khác, còn máy móc, phương tiện, thiết bị được để lại ngổn ngang tại hiện trường gây phản cảm và khiến người dân vô cùng bức xúc.

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong - 3

Những khung sắt trên các trụ cầu lộ thiên lâu ngày đã bị hoen gỉ.

"Hơn một năm nay rồi tôi có thấy xây thêm được gì đâu. Cây cầu cả trăm tỷ đồng mà làm mãi không xong", ông Khanh ngao ngán nói.

Ông Khanh cho biết thêm, để lưu thông qua lại đôi bờ, người dân 2 bên chỉ biết trông chờ vào cây cầu cũ chật hẹp, đã xuống cấp nghiêm trọng ở gần vị trí cầu mới.

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong - 4

Hàng chục thanh sắt dùng làm cầu đang nằm phơi nắng, phơi mưa hư hại nặng nề.

Hàng ngày, lượng xe qua lại rất đông mà cầu không vững rất nguy hiểm. Ngoài ra, cầu còn có rất nhiều ổ voi, ổ gà, mùa nắng nóng thì xe tải đi bụi bay mịt mù, còn mùa mưa thì đường thành sông, lầy lội khó đi rất dễ bị tai nạn.

Cây cầu trăm tỷ xây 5 năm được... 4 cây trụ

"Tôi mong chính quyền địa phương sớm đưa ra phương án đền bù thỏa đáng cho người dân để công trường được hoạt động trở lại, cây cầu được tiếp tục thi công và hoàn thành để việc đi lại được thuận tiện và an toàn hơn", ông Khanh bày tỏ.

"Đi không được, ở không xong"

Người dân địa phương cho biết, sở dĩ phần lớn các hộ dân chưa di dời để bàn giao mặt bằng thi công cầu là vì mức giá đền bù thấp.

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong - 5

Trụ bê tông, thanh sắt được đóng cọc sâu xuống lòng sông rồi bị bỏ ngang hơn một năm qua.

Ngoài ra, địa phương vận động người dân đến khu tái định cư mới chưa hợp lý vì quá xa so với vị trí hiện tại, gây khó cho hoạt động kinh tế. Do đó, nhiều hộ dân đang rơi vào tình cảnh "đi không được, ở không xong" để chờ phương án bố trí tái định cư mới.

Bà Ngô Thị Vân (47 tuổi, trú thôn Hòa An, xã Tam Giang) cho biết, nhà bà nằm trong diện giải tỏa để lấy mặt bằng thi công cầu. Nhưng đến nay việc giải tỏa, đền bù để lấy mặt bằng làm cầu mới, chính quyền chưa bố trí chỗ tái định cư hợp lý cho gia đình bà di dời, vì thế bà chưa đồng ý bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công.

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong - 6

Cầu mới chưa xong, người dân đành di chuyển trên cầu cũ đã xuống cấp.

"Hiện nhà tôi đang nằm ở mặt tiền mà tái định cư thì nhà lại vào trong ngõ hẻm, làm sao gia đình tôi buôn bán được. Chúng tôi chỉ mong muốn được hỗ trợ tái định cư và đưa giá đền bù hợp lý thì lúc đó chúng tôi sẽ chấp thuận rời đi", bà Vân nói.

Trong khi đó, có nhà nằm sát cây cầu đang thi công, bà Trần Thị Năm (57 tuổi, trú khối phố 2, thị trấn Núi Thành) cho biết, trong quá trình làm cầu, đơn vị thi công đóng trụ cầu khiến nhà cửa rung, tường của ngôi nhà bà đã bị nứt và ngày càng hư hỏng nặng.

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong - 7

Trên vỉa hè, thành cầu... bê tông đã bong tróc, lộ thép hoen gỉ gây mất an toàn.

Gia đình bà và nhiều nhà nằm trong diện di dời đã liên tục phản ánh với đơn vị thi công cũng như chính quyền địa phương để xin được sửa chữa nhà cửa vì xuống cấp, sợ mưa bão dễ sập nhưng không được.

"Họ nói rằng đất của tôi nằm trong quy hoạch thuộc diện giải tỏa, nếu làm nhà mới mà sau này giải tỏa sẽ không được đền bù. Giờ tôi chỉ mong chính quyền có phương án đền bù hợp lý, tái định cư thỏa đáng, để chúng tôi sớm được rời đi, ổn định cuộc sống", bà Năm chia sẻ.

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong - 8

Bà Trần Thị Năm rơi vào cảnh "đi không được, ở không xong" khi mà nhà cửa xuống cấp nhưng không thể sửa chữa.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề này, ông Phạm Văn Châu - Chủ tịch xã Tam Giang cho biết, địa phương có 14 hộ dân bị ảnh hưởng buộc phải di dời và xã đã làm việc với những hộ dân này.

Hiện nay xã đã kiến nghị lên huyện để bố trí khu tái định cư cho những hộ dân ở một khu đất trên thị trấn Núi Thành. Tuy nhiên, hiện khu đất này còn nhiều vướng mắc, chưa giải quyết được nên chưa thể xây dựng khu tái định cư để đưa các hộ dân lên đây.

Cầu trăm tỷ 5 năm xây... 4 trụ, dân khốn khổ đi không được, ở không xong - 9

Trong quá trình làm cầu, tường nhà bà Năm bị nứt và ngày càng hư hỏng nặng.

"Các hộ của xã đa phần chấp thuận việc di dời để đơn vị tiếp tục thi công nhưng mặt bằng để tái định cư chưa có nên chưa thể đi đâu được", ông Châu nói.

Còn ông Lê Văn Sinh - Chủ tịch huyện Núi Thành cho hay, dự án cầu Tam Giang bị chậm tiến độ chủ yếu do vướng mắt về vấn đề mặt bằng, lúng túng trong phương án bồi thường, thu hồi đất và bố trí tái định cư cho người dân.

Hiện nay phần trụ cầu đã làm xong, dầm cầu đã được đúc nhưng phần mố cầu vẫn chưa làm được do vướng mặt bằng vì người dân không chịu di dời do cho rằng phương án đền bù chưa thỏa đáng.

"Chúng tôi đang lên phương án để giải quyết vấn đề này trong thời gian ngắn nhất. Và khi tất cả người dân đồng thuận về phương án chúng tôi sẽ khởi công lại cầu Tam Giang để phát triển kinh tế - xã hội, thay đổi diện mạo của huyện Núi Thành", ông Sinh nói.