“Cắt 100.000 biên chế chưa phải là lớn!”
(Dân trí) - “Một số lượng lớn như vậy bị cắt giảm cũng khiến nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, nếu đem 100.000 biên chế cần giảm để so với 2,7 triệu công chức, viên chức trong bộ máy hành chính thì chưa phải là lớn!”, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí về dự thảo Nghị định tinh giản biên chế đang được Bộ Nội vụ đưa ra lấy ý kiến nhân dân, ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ - cho rằng, bộ máy hành chính hiện nay còn cồng kềnh, hiệu quả thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của nhân dân do vậy việc tinh giản biên chế là cần thiết.
Tinh giản khoảng 100.000 biên chế như mục tiêu của Bộ Nội vụ đưa ra trong 6 năm tới (2014 - 2020), liệu có ảnh hưởng đến hoạt động của bộ máy hành chính hiện nay không, thưa ông?
Nhìn thấy số lượng lớn như vậy bị tinh giản cũng có thể làm nhiều người lo lắng. Tuy nhiên, con số 100.000 biên chế thực sự cần tinh giản đợt này nếu đem so với 2,7 triệu công chức, viên chức đang làm việc trong bộ máy hành chính thì chưa phải là lớn. Còn nếu nhìn từ việc 30% công chức “cắp ô” thì cũng có cơ sở để xác định khoảng 100.000 lao động đưa ra khỏi biên chế.
Từ con số cần tinh giản đợt này có thể hiểu chính Bộ Nội vụ cũng đã thừa nhận bộ máy hành chính đang phải nuôi quá nhiều người không làm được việc?
Con số 30% công chức “cắp ô” có cơ sở từ đợt tổng điều tra được Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Chính phủ thực hiện trước đó. Nhưng phải hiểu rằng 30% này nằm ở 4 đối tượng trong đó có những người đã qua chiến tranh, người làm việc trái ngành nghề được đào tạo, tuyển dụng đầu vào chưa đáp ứng được yêu cầu và người có sức khỏe yếu. Đó là chưa kể các cơ quan sử dụng nhân lực chưa hiệu quả chứ không phải chỉ là lỗi của công chức. Vì vậy, xã hội cần nhận thức rõ điều này, đừng đánh đồng và nói bỏ là loại bỏ đi thì càng không đúng - nói như vậy những người công chức họ tự ái lắm!
Nhưng cũng phải nói bộ máy hành chính của ta còn cồng kềnh, nhiều tầng, hiệu quả còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu quản trị mới theo hướng hiện đại, hiệu quả. Đây là vấn đề tiếp tục cần phải cải cách, trong đó có việc tinh giản biên chế để tạo ra một nền hành chính minh bạch, hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong thời kỳ mới.
Như vậy, đợt tinh giản biên chế này là cần thiết để đưa những công chức không làm được việc ra khỏi bộ máy hành chính?
Tinh giản biên chế nếu hiểu thực chất là một việc làm thường xuyên của bộ máy hành chính, của nền công vụ… Ở các nước phát triển có nền hành chính hiện đại, luôn đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nên họ làm việc này hàng năm. Còn ở ta nói thì vẫn cứ nói nhưng thực chất giảm thì không giảm được bao nhiều mà ngược lại tăng lên là chính.
Kỳ này phải đưa ra đợt tinh giản mới là một đòi hỏi từ thực tế, khi bộ máy ngày càng phình to. Trong khi đòi hỏi về cải cách tiền lương, về các chính sách cho cán bộ công chức phải tăng lên. Nếu với một khối lượng người như hiện nay mà không thay đổi chính sách đồng bộ thì rất khó có thể cải thiện được đời sống cán bộ, công chức, viên chức. Do vậy, việc tinh giản biên chế như hiện nay là cần thiết và sau đợt tinh giản hiện nay phải làm công việc này thường xuyên.
Thực chất bộ máy hành chính vẫn “phình” ra qua các năm, còn Bộ Nội vụ cũng thừa nhận chính sách tinh giản trước đây chưa đạt hiệu quả như mong muốn cũng có phần do lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương còn né tránh, nể nang, ngại va chạm. Vậy, theo ông làm cách nào để đợt tinh giản sắp tới không đi vào “vết xe đổ” đó?
Từ trước đến nay chúng ta đã thực hiện 5 đến 6 đợt tinh giản. Đợt lớn nhất là giai đoạt 2001 - 2010, mục tiêu là tinh giản tới 15%. Tuy nhiên, trong khoảng 10 năm thực hiện chỉ giảm được 7 đến 8%, như vậy là không đạt mục tiêu ban đầu. Thực chất trước đây có rất nhiều ý tưởng mới được đưa ra nhưng chính sách không được thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nên dẫn tới hậu quả là bộ máy không kìm chế được mà cứ “phình” ra.
Đợt tinh giản này muốn làm hiệu quả phải đưa ra được cách thức, phương pháp mới, phải xác định như cuộc cách mạng trong nền công vụ. Còn về mặt chủ trương là phải khống chế được bộ máy phình to, tổ chức lại bộ máy chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, trách nhiệm.
Nhiều người lo ngại nếu chính sách không rõ ràng, đợt tinh giản lần này dễ bị lợi dụng để trù dập cán bộ, viên chức giỏi nhưng không “được lòng” lãnh đạo, thưa ông?
Đợt này thực chất là thực hiện Luật cán bộ công chức, Luật viên chức và cải cách công chức công vụ theo vị trí việc làm, đây là vấn đề mới, trong đó mấu chốt là đánh giá đúng chất lượng đội ngũ công chức ở từng vị trí làm việc, do đó tôi đề nghị áp dụng hai cách đánh giá cùng lúc: thứ nhất từ bên trong đó là anh tự khai, tự đánh giá mình sau đó tập thể, cơ quan xem xét; thứ hai đó là để một tổ chức chuyên môn đánh giá độc lập một cách khách quan và có thẩm quyền, còn đánh giá nội bộ chỉ để tham khảo. Điều đó có nghĩa là sẽ không có chuyện con ông, cháu cha không làm được việc thì được giữ lại và ông thủ trưởng cũng không dễ gì loại bỏ người làm được việc. Còn cứ để thủ trưởng đánh giá có khi người tốt chưa chắc đã tồn tại, những anh “lơ phơ” nhưng quan hệ tốt lại được dùng.
Cái chính đợt tinh giản lần này là phải xác định cho đúng chất lượng đội ngũ biên chế. Từ đó cơ cấu lại đội ngũ cho phù hợp, làm cho nền công vụ sao cho hiệu quả đáp ứng được yêu cầu theo hướng quản trị hiệu quả nền hành chính. Khi rà soát lại sẽ tạo điều kiện để sắp xếp lại đội ngũ, trả lại đúng vị trí cho từng công chức.
Xin cảm ơn ông!
Bộ Nội vụ vừa đề xuất, trong 6 năm (2014 - 2020) sẽ tinh giản khoảng 100.000 biên chế trên cả nước (80% nghỉ hưu trước tuổi, 20% giải quyết thôi việc) với 8.000 tỷ đồng giải quyết chế độ. Theo bạn: | ||||||
| ||||||
Quang Phong (thực hiện)