1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Tinh giản 100.000 công chức: Khó tránh “chạy chọt” nếu buông lỏng quản lý

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, con số 100.000 công chức trong diện tinh giản biên chế mới chỉ là ước tính và cơ quan soạn thảo Nghị định cũng đã lường đến hiện tượng tiêu cực như thiên vị, nể nang hoặc “chạy chọt”, làm méo mó chính sách.

Theo Dự thảo Nghị định tinh giản biên chế do Bộ Nội vụ soạn thảo, lấy ý kiến và chuẩn bị trình Chính phủ, dự kiến sau 6 năm từ 2014 đến 2020, sẽ tinh giản biên chế khoảng 100.000 người với tổng kinh phí thực hiện là 8.000 tỷ đồng, trong đó có 80% giải quyết nghỉ hưu trước tuổi và 20% giải quyết thôi việc. 

Xung quanh dự thảo này, tại chương trình "Người dân và Chính phủ" do Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam và Cổng thông tin Điện tử Chính phủ phối hợp thực hiện cuối tuần qua, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết, hoạt động tinh giản biên chế lần này không phải đặt ra con số duy ý chí để rồi không làm được. Mục tiêu là nâng cao tính hiệu quả của cán bộ công chức, đảm bảo tính chuyên nghiệp của hoạt động công vụ.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.
Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn.

Thưa Thứ trưởng, dư luận quan tâm con số 100.000 đối tượng theo quy hoạch sẽ tinh giản từ nay đến 2020. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về con số này không?

Con số 100.000 không phải là con số mục tiêu của chính sách tinh giản biên chế lần này. Thực hiện theo Quyết định 1557 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh cải cách công vụ công chức, chính sách tinh giản biên chế là một trong những nội dung, giải pháp để góp phần nâng cao đội ngũ cán bộ công chức, nhằm mục tiêu xây dựng một nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch và hiệu quả. 

Chính sách tinh giản biên chế lần này là nhằm để rà soát, đánh giá, phân loại lại đội ngũ cán bộ công chức và đưa ra khỏi công vụ những người không đáp ứng được yêu cầu công việc, không đáp ứng được yêu cầu trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, để thay vào đó, tiếp tục đổi mới phương thức tuyển chọn, đưa vào trong đội ngũ công chức những người đáp ứng đủ yêu cầu, đủ phẩm chất trình độ năng lực để có thể hoàn thành tốt công việc được giao, nhằm phục vụ nhân dân ngày một tốt hơn.

Chúng tôi cũng đưa ra rất nhiều giải pháp, trong đó, có một giải pháp là với những người không đáp ứng yêu cầu công vụ cho phương án về hưu trước tuổi. 

Con số 100.000 có thể là do trong nhóm một số các chuyên viên trong ban soạn thảo tính toán: nếu như thực hiện theo giải pháp này, ước tính số người thực hiện về hưu trước tuổi là 100.000 người. Đó mới chỉ là con số ban đầu của dự thảo lần 1.

Hiện nay, Dự thảo đã được chúng tôi đã gửi lấy ý kiến các bộ ngành địa phương và đưa lên trang web của Bộ Nội vụ để xin ý kiến nhân dân. Bộ Nội vụ luôn mong muốn nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành các địa phương và của nhân dân để có thể nghiên cứu, tiếp thu để hoàn thiện dự thảo nhằm đảm bảo các chính sách liên quan đến tinh giản biên chế khi được Chính phủ ban hành thì sẽ có tính khả thi và đi vào trong cuộc sống.

Thưa Thứ trưởng, với tính khả thi, dư luận cũng băn khoăn, trong quá trình thực hiện có thể có mặt tiêu cực và có thể cản trở gây khó khăn cho việc tinh giản biên chế như là "chạy chọt" hay nể nang, thậm chí cả những cơ chế ràng buộc khiến khả năng tinh giản biên chế khó thực hiện. Quan điểm của Thứ trưởng như thế nào?

Dư luận băn khoăn tôi nghĩ cũng là chuyện bình thường. Bởi vì trong thực thi triển khai bất cứ chính sách nào, nếu chúng ta buông lỏng quản lý, buông lỏng sự kiểm tra giám sát, đặc biệt là trách nhiệm của những người thực thi chính sách này không được đề cao thì chắc chắn sẽ xảy ra những hiện tượng, biểu hiện tiêu cực như "chạy chọt" hoặc làm cho chính sách tinh giản biên chế không đạt được đúng như mục tiêu đặt ra, không đúng đối tượng, không đảm bảo được yêu cầu của chính sách tinh giản biên chế. 

Vì vậy khi thực hiện chính sách này, việc tổ chức thực hiện, sự vào cuộc của cả tổ chức chính trị dưới sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng là điều kiện rất quan trọng, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan tổ chức đơn vị, các Bộ, ngành, các địa phương phải được đề cao lên rất nhiều. Nếu phát huy được hết trách nhiệm với quyết tâm chính trị cao thì chính sách tinh giản biên chế có thể đạt được mục tiêu đề ra là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức. 

Điều đó đòi hỏi sự quyết tâm và sự khách quan, vô tư, công tâm trong phân loại, rà soát đánh giá để có thể xác định được danh sách những cán bộ, công chức, viên chức không đáp ứng được yêu cầu công vụ, đưa vào diện chính sách tinh giản biên chế.

Những người làm việc tốt, tận tâm, tận tụy, trách nhiệm, phục vụ nhân dân thì phải được bảo vệ, phải được khuyến khích. 

Những đối tượng tinh giản biên chế lại chủ yếu nằm tại các Bộ, ngành, địa phương. Nếu như việc thực hiện không tốt thì dư luận cũng lo ngại rằng, kế hoạch tuy đặt ra như vậy nhưng kết quả đạt được sẽ không đạt được như mong đợi. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về điều này?

Nếu như muốn đạt được kết quả mong đợi thì sự lãnh đạo của các Cấp ủy Đảng, sự vào cuộc của cả hệ thống chinh trị, đặc biệt là chất lượng của người đứng đầu các cơ quan, những được giao thẩm quyền thực hiện chính sách tinh giản biên chế này ở các bộ ngành địa phương phải được đề cao rất nhiều.

Về tính khả thi, khi xây dựng Nghị định chúng tôi cũng đã phải cùng với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Ban Tổ chức TW cùng với các cơ quan có liên quan khác nghiên cứu, đánh giá tác động của chính sách này để trên cơ sở đó sẽ hoàn thiện các nội dung chính sách trong Dự thảo. 

Khi Nghị định được Chính phủ ban hành thì phải có các hội nghị tập huấn để thống nhất về mặt nhận thức, quan điểm và có quyết tâm chính trị để thực hiện tốt nhiệm vụ này.

Một hoạt động nữa cũng không thể bỏ qua trong việc tinh giản biên chế đó là hoạt động kiểm tra, thanh tra, sự giám sát của nhân dân đối với các cơ quan tổ chức để đảm bảo không có những biểu hiện tiêu cực như thiên vị, nể nang hoặc chạy chọt, làm méo mó chính sách. Nếu làm  được những điều đó thì tính khả thi, hiệu quả của chính sách tinh giản biên chế sẽ được thực hiện. 

Đây sẽ là một trong những giải pháp tích cực bên cạnh các giải pháp đang làm như triển khai xác định vị trí việc làm, tổ chức thi tuyển công chức đảm bảo nguyên tắc khách quan, công bằng, chất lượng (áp dụng thi trực tuyến vào thi tuyển), thi nâng ngạch, tuyển chọn mới lãnh đạo cấp vụ, cấp sở, cấp phòng, nâng cao kỷ luật kỷ cương trong hoạt động công vụ… Bên cạnh những giải pháp này, việc tinh giản biên chế sẽ là một giải pháp tích cực để góp phần có hiệu quả trong nâng cao chất lượng đội ngũ công chức.

Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Bích Diệp (ghi)