Bộ trưởng nêu 4 cái khó trong thực hiện cải cách tiền lương

Hoài Thu

(Dân trí) - Bên cạnh nhiều thuận lợi, theo Bộ trưởng Nội vụ, cải cách chính sách tiền lương cũng có không ít khó khăn, như việc chuyển xếp lương cũ sang lương mới với người giữ chức vụ lãnh đạo rất phức tạp.

Nội dung này được Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đề cập trong báo cáo bổ sung, làm rõ một số vấn đề về thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn, thuộc lĩnh vực nội vụ.

Phức tạp khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới với lãnh đạo

Báo cáo về việc thực hiện cải cách tiền lương theo yêu cầu tại Nghị quyết 27 của Trung ương, Bộ trưởng Nội vụ cho biết có nhiều điểm thuận lợi.

Trước hết, đã bố trí đủ nguồn ngân sách để triển khai đồng bộ cả 6 nội dung của chế độ tiền lương mới, đảm bảo mức lương thấp nhất của khu vực công bằng mức lương thấp nhất bình quân vùng của khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà, đời sống của người hưởng lương và phụ cấp từ ngân sách Nhà nước được cải thiện.

Bộ trưởng nêu 4 cái khó trong thực hiện cải cách tiền lương - 1

Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà (Ảnh: Minh Châu).

Tình trạng cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc hoặc chuyển việc từ khu vực công sang khu vực tư cũng được hạn chế; tạo động lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp.

Một điểm thuận lợi khác, theo nữ Bộ trưởng, đến từ việc tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước ở Trung ương đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 8 cục và 145 vụ/ban thuộc tổng cục và thuộc bộ.

Trong khi đó, ở địa phương giảm được 7 sở, 6 tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức cấp phòng và tương đương; giảm 7.732 đơn vị sự nghiệp công lập; giảm 8 huyện và 563 xã.

Đi kèm với việc này, biên chế công chức cũng giảm 10,01%, biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách Nhà nước giảm 11,67%. Bộ trưởng Nội vụ nhấn mạnh đây là cơ sở tạo nguồn để thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Về khó khăn, bà cho biết chính sách cải cách tiền lương được xác định từ năm 2021 nhưng không bố trí được ngân sách do nhiều yếu tố tác động, đặc biệt là đại dịch Covid-19.

Cũng theo bà Trà, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị vẫn đang hoàn thiện, trong khi đây là giải pháp căn bản mang tính tiền đề để thực hiện cải cách tiền lương.

Bên cạnh đó, việc thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết Trung ương 6 khóa XII và các Đề án đổi mới, cải cách trong ngành, lĩnh vực có liên quan là công việc rất quan trọng để cải cách đồng bộ chính sách tiền lương, lại tồn tại một số hạn chế.

Điển hình như văn bản thể chế nghị quyết của Trung ương liên quan cải cách tiền lương còn chậm; hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập chưa kịp thời và đồng bộ; việc đẩy mạnh xã hội hóa các đơn vị sự nghiệp công lập để giảm số người hưởng lương từ ngân sách Nhà nước chưa đạt yêu cầu.

Ngoài ra, lãnh đạo Bộ Nội vụ nhìn nhận việc thực hiện chuyển xếp lương cũ sang lương mới đối với người giữ chức vụ lãnh đạo là phức tạp. Lý do, ở nhiều bậc lương cũ, ngạch, chức danh nghề nghiệp khác nhau xếp vào một mức lương chức vụ mới, dẫn đến có người cao hơn, có người thấp hơn (phải bảo lưu chênh lệch để bằng mức hiện hưởng).

Sẽ thông qua danh mục vị trí việc làm từ Trung ương đến cấp xã

Đưa ra giải pháp để cải cách tiền lương từ 1/7/2024, Bộ trưởng Nội vụ cho biết sẽ trình cấp có thẩm quyền thông qua danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến cấp xã.

Song song với đó là việc thực hiện các giải pháp tài chính để tạo nguồn bảo đảm thực hiện cải cách chính sách tiền lương bền vững; xây dựng quy định về cơ chế quản lý tiền lương mới của khu vực công trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Bộ trưởng nêu 4 cái khó trong thực hiện cải cách tiền lương - 2

Một trong những điều kiện thuận lợi khi thực hiện cải cách tiền lương là đã tích lũy đủ nguồn ngân sách cho việc này (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Việc sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và giảm số lượng người hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước; cơ cấu lại đội ngũ cán bộ theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo… cũng là giải pháp quan trọng tạo cơ sở để thực hiện chế độ tiền lương mới, theo Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà.

Bà cho biết sau khi cấp có thẩm quyền thông qua lộ trình cải cách chính sách tiền lương và nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định về chế độ tiền lương mới đối với đối tượng thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

Bộ cũng sẽ phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương trình Ban Bí thư ban hành Quyết định về chế độ tiền lương mới đối với khu vực Đảng, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, đồng thời phối hợp với Ban Công tác đại biểu trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về chế độ tiền lương mới với diện Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quản lý.