Phương án kiểm soát lạm phát khi thực hiện cải cách tiền lương

Hoài Thu

(Dân trí) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu nhiều giải pháp khi đại biểu Quốc hội đề nghị chú trọng kiểm soát lạm phát trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương.

Chiều 31/10, Quốc hội bắt đầu phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và một số nội dung khác.

Giải trình ý kiến thảo luận tại tổ nội dung này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có đại biểu Quốc hội đề nghị chú trọng kiểm soát lạm phát trong quá trình thực hiện cải cách tiền lương.

Chỉ ra các yếu tố tác động đến lạm phát năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết có yếu tố thuận lợi khi lạm phát quốc tế có dấu hiệu hạ nhiệt và dự báo chậm lại, qua đó hạn chế áp lực "lạm phát nhập khẩu" đối với chi phí sinh hoạt và sản xuất ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp có niềm tin vào sự kiên định của Chính phủ trong ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát.

Phương án kiểm soát lạm phát khi thực hiện cải cách tiền lương - 1

Chiều 31/10, Quốc hội bắt đầu thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội (Ảnh: Phạm Thắng).

Trong khi đó, có rất nhiều yếu tố thách thức như áp lực lớn từ việc điều chỉnh giá các mặt hàng Nhà nước quản lý (điện, giáo dục, y tế) sau gần 4 năm trì hoãn hoặc chưa thực hiện hết trong năm 2023, sẽ được tiếp tục điều chỉnh trong năm 2024.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng nhận định giá lương thực, thực phẩm trong nước chịu áp lực tăng theo xu hướng giá thế giới trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Trong khi đó, giá các mặt hàng nguyên, nhiên vật liệu biến động khó lường và dự kiến trong năm 2024 tiếp tục tăng; kinh tế phục hồi và tăng trưởng có thể tạo sức ép lên lạm phát.

Ngoài ra, còn một số thách thức đến từ rủi ro thiên tai, dịch bệnh, thời tiết bất lợi và việc chấm dứt một số chính sách hỗ trợ giá của Chính phủ sau năm 2023 (như giảm thuế VAT, giảm thuế bảo vệ môi trường đổi với xăng dầu) khiến giá hàng hóa có thể tăng trở lại trong năm 2024.

"Việc kiểm soát lạm phát năm 2024 đan xen thuận lợi và khó khăn, đòi hỏi phải theo dõi sát diễn biến thị trường trong và ngoài nước; các chính sách kinh tế vĩ mô phải phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phản ứng kịp thời trước diễn biến bất lợi làm gia tăng áp lực lạm phát", theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đưa ra giải pháp kiểm soát lạm phát, Bộ này cho biết sẽ chỉ đạo triển khai chính sách quản lý giá thận trọng, hợp lý và chủ động, bám sát diễn biến thị trường, thường xuyên đánh giá, dự báo để điều chỉnh phù hợp, góp phần đảm bảo kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Trong đó, chú trọng việc xây dựng, tính toán liều lượng và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý (điện, dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục) phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

"Việc thông báo sớm lộ trình điều chỉnh giá các mặt hàng cũng cần được chú trọng để tránh bị động trong phối hợp chính sách", theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Một giải pháp khác được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập, là đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu và các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng từ sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và xung đột căng thẳng địa chính trị Nga - Ukraine khó lường, phức tạp.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có những cú sốc bất ngờ xảy ra.

Phương án kiểm soát lạm phát khi thực hiện cải cách tiền lương - 2

Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhấn mạnh cần đảm bảo thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với xăng dầu (Ảnh minh họa: Mạnh Quân).

Giải trình về đề nghị làm rõ cơ sở để đề ra mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định cơ hội và thách thức luôn đan xen lẫn nhau, vẫn còn những dư địa để hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng.

Trong đó, các động lực về đầu tư, tiêu dùng, du lịch và xuất khẩu tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ; những tồn đọng, bất cập kéo dài được tập trung tháo gỡ, chuyển biến tích cực hơn, nhất là vướng mắc của doanh nghiệp, dự án đầu tư, thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Nhiều dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia có tác động lan tỏa đưa vào khai thác…

"Trên cơ sở đánh giá những thuận lợi và khó khăn trong năm 2024, căn cứ vào mục tiêu cả giai đoạn 2021-2025, mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2024 đạt khoảng 6,0-6,5% đã được Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được rà soát nhiều vòng, được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thông qua", báo cáo giải trình nêu rõ.

Tại phiên khai mạc Quốc hội hôm 23/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính thông tin đã tích lũy được 560.000 tỷ đồng, đủ để cải cách tiền lương trong 3 năm tới.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là kế hoạch thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công từ ngày 1/7/2024.

Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, ông khẳng định sẽ tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định.