Lương tối thiểu không đủ bù trượt giá, ĐBQH đề nghị tăng lương sớm
(Dân trí) - "Với mức lương tối thiểu vùng hiện nay, chưa thể đáp ứng được đời sống của người lao động, mức tăng vừa qua cũng không đủ bù phần trượt giá", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa lý giải đề xuất tăng lương sớm.
Tăng lương, giảm giờ làm là vấn đề được đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) đề cập trong bài phát biểu về tình hình kinh tế - xã hội chiều 31/10.
Trong phần đề xuất, ông Nghĩa kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia sớm thương lượng để tăng mức lương tối thiểu vùng cho người lao động, tốt nhất là thực hiện đồng thời với cải cách tiền lương ở khu vực công vào ngày 1/7/2024.
Lương tăng không đủ bù trượt giá
Lý giải thêm về đề xuất này khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, ông Nghĩa nhận định với mức lương tối thiểu vùng hiện nay, chưa thể đáp ứng được đời sống của người lao động khu vực tư. Mức tăng vừa qua, theo ông, cũng không đủ bù phần trượt giá.
Tới đây, khi thực hiện cải cách tiền lương, ông Nghĩa cho biết khu vực công sẽ không tính lương theo hệ số mà có bảng chức vụ, chức danh lãnh đạo trong hệ thống chính trị (bao gồm cả các đơn vị sự nghiệp công lập) từ Trung ương đến cấp xã; bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với công chức, viên chức không giữ chức danh lãnh đạo và bảng lương đối với lực lượng vũ trang.
"Hiện nay mức lương khởi điểm, theo tôi được biết, là cao hơn mức lương tối thiểu vùng 4 (3.250.000 đồng/tháng) của khu vực tư", ông Nghĩa nhấn mạnh.
Từ thực tế, vị đại biểu đánh giá lương của người lao động ở khu vực tư hiện nay không áp dụng hệ số, tổng thu nhập của họ không cao trong khi chi phí cuộc sống bị tác động từ yếu tố lạm phát thời gian qua.
Hơn nữa, khoảng thời gian từ lúc tăng lương tối thiểu vùng (2022) đến 1/7/2024 là khá dài. Trong khi trước đây lương tối thiểu vùng tăng đều hàng năm, chỉ trừ thời gian bị Covid-19.
Nói thêm về đề xuất giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần xuống 44 giờ/tuần, tiến tới 40 giờ/tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ năm 1999), ông Nghĩa nhận định đây là xu hướng tiến độ của đa số quốc gia trên thế giới.
Ông dẫn chứng một thống kê của một tổ chức lao động quốc tế cho thấy trong 154 nước chỉ có 2 nước có số giờ làm việc trên 48 giờ/tuần; 1/3 nước áp dụng 48 giờ/tuần như Việt Nam; 2/3 nước áp dụng dưới 48 giờ/tuần.
"Thời gian làm thêm Việt Nam cũng tương đối cao so với mặt bằng chung. Không có lý do gì mà đất nước phát triển mà lao động lại làm theo giờ", theo lời ông Nghĩa.
Doanh nghiệp doanh thu 100 tỷ, đóng thuế 45 tỷ
Đưa ra ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, đại biểu Dương Văn Phước (Quảng Nam) cho biết các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ và đồng hành.
"Áp lực về thuế, biến động giá cả, khả năng tiếp cận vốn… đã tạo thành những thách thức lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ", ông Phước phản ánh.
Đại biểu dẫn chứng ở Quảng Nam có một doanh nghiệp sân golf, diện tích trên 60ha, doanh thu đóng mỗi năm là 100 tỷ đồng nhưng phải đóng thuế tới 45 tỷ đồng. Theo ông, doanh nghiệp gặp khó khăn, kiến nghị nhiều lần vì cách tính thuế bất cập.
Trong khi đó, ông Phước nêu thực tế việc tiếp cận vốn vay, đặc biệt là khoản vay trung - dài hạn gặp khó do điều kiện vay nghiêm ngặt, thủ tục phức tạp. Hầu hết chỉ có tiếp cận khoản vay ngắn hạn.
Với tình hình kinh tế khó khăn, các khoản thu của doanh nghiệp chậm thu hồi, hàng tồn kho lớn, chậm luân chuyển, ngân hàng không chấp nhận đây là tài sản đảm bảo, là rào cản lớn tiếp cận vốn vay.
"Đề nghị Chính phủ tiếp tục quan tâm đến khó khăn của doanh nghiệp để có chính sách hỗ trợ kịp thời thiết thực", đại biểu Phước nói.
Bên cạnh đó, ông cho biết doanh nghiệp đang thiếu vốn nghiêm trọng, cần thiết kế gói tín dụng cho sản xuất kinh doanh, khơi thông vốn ngân hàng, hạ lãi suất, nới lỏng điều kiện cho vay vốn.