1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bộ Giao thông vận tải thừa nhận bất cập, sẽ giảm phí BOT Cai Lậy

(Dân trí) - “Có thể có bất cập xảy ra do khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa lường hết được những tác động đối với người dân và trước mắt sẽ giải quyết theo hướng giảm phí”. - Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng Vụ Đối tác công-tư, Bộ Giao thông vận tải - nói.

Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án đối tác công-tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) - trao đổi với PV Dân trí về các vấn đề liên quan trạm BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang.

- Phóng viên: Theo ông, vì sao việc thu phí ở trạm BOT Cai Lậy lại bị phản ứng gay gắt như vậy?

- Ông Nguyễn Danh Huy: Trạm BOT bị phản đối có lẽ do công tác tuyên truyền chưa đến được với người dân đầy đủ, chưa nhận được sự đồng thuận của người dân là căn nguyên của vấn đề.

- Qua so sánh cho thấy mức phí của tuyến đường tránh Cai Lậy với cao tốc TPHCM - Trung Lương quá chênh lệch, người dân đi đường tránh phải trả phí cao hơn đi cao tốc, ông giải thích sao về việc này?

- Ngoài việc đầu tư 12km tuyến tránh thì nhà đầu tư còn phải đầu tư 26,5km nâng cấp, cải tạo mặt đường cũng hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1 qua tỉnh Tiền Giang, bao gồm cả đoạn đi qua Cai Lậy.

Cao tốc TPHCM - Trung Lương được đầu tư bằng tiền ngân sách nên mức phí khác với đường do nhà đầu tư bỏ tiền ra. Nhà đầu tư đầu tư đường họ phải tính tới lãi vay ngân hàng, lợi nhuận từ nguồn vốn họ bỏ ra.

Hình thức thu phí của TPHCM - Trung Lương là thu phí kín, tức là đi bao nhiêu km đường thì tính tiền bấy nhiêu với mức 1.000 đồng/km, trong khi đó trên quốc lộ đang thu phí hở và hạn chế là cứ đi qua trạm sẽ bị thu phí toàn tuyến.

Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án Đối tác công-tư, Bộ GTVT
Ông Nguyễn Danh Huy - Vụ trưởng, Trưởng ban Quản lý các dự án Đối tác công-tư, Bộ GTVT

- Rõ ràng điều này gây thiệt thòi cho người dân khi chỉ “tạt” qua đường cũng bị thu phí?

- Thu phí kín thì đảm bảo công bằng tuyệt đối, còn thu phí hở chỉ đảm bảo công bằng tương đối cho đại bộ phận người tham gia giao thông.

Có thể có bất cập, nhưng theo tôi chúng ta nên nhìn nhận lợi ích mang lại cho đại đa số hay thiểu số. Thực tế có những người đi quãng đường dài giữa 2 trạm thu phí nhưng cũng không phải trả phí. Toàn bộ người đi xe máy và xe thô sơ được hưởng lợi khi đi trên tuyến tránh mà không phải nộp phí, người dân nghèo được sử dụng miễn phí dịch vụ trên tuyến đường.

- Vị trí của trạm thu phí Cai Lậy đặt ở ngã ba đường, nghĩa là người dân không đi tuyến tránh BOT nhưng cũng phải nộp tiền, đây cũng là sự bất hợp lí. Ông giải thích thế nào về việc này?

- Như tôi đã nói, dự án có 2 hợp phần. Thứ nhất là nâng cấp, cải tạo 26,5km mặt đường và hệ thống thoát nước trên Quốc lộ 1 và thứ hai là xây dựng 12km tuyến tránh thị xã Cai Lậy.

Trước khi triển khai dự án, Bộ GTVT đã nghiên cứu phương án chỉ đầu tư mở rộng tuyến đường trung tâm thị xã Cai Lậy thành 6 làn xe, nhưng tính toán thấy chi phí tốn kém hơn nhiều, những người dân bị ảnh hưởng do giải phóng mặt bằng lớn hơn và thời gian thu phí dài hơn, tổng chi phí người dân phải trả khi đi trên tuyến đường 6 làn này cũng nhiều hơn. Và giải pháp xây dựng tuyến tránh được triển khai trên cơ sở tính toán chi phí người dân phải trả là thấp hơn.

Khi triển khai dự án, ngoài việc lấy ý kiến tham vấn của UBND các tỉnh và Bộ Tài chính theo quy định thì chúng tôi còn lấy ý kiến của HĐND, đoàn đại biểu Quốc hội về thỏa thuận và ý kiến tham vấn.

Trong chủ trương đầu tư, ngân sách không có tiền thì bắt buộc phải kêu gọi đầu tư để phát triển hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, đó là việc cấp bách. Lúc đó, địa phương và các cơ quan của Chính phủ chọn giải pháp là phải làm đường.

- Nhưng chỉ đi 1 đường mà phải trả tiền đầu tư cho 2 con đường là điều khó có thể chấp nhận. Việc trả phí này có đúng quy định không thưa ông?

- Chiếu theo quy định của pháp luật, Thông tư 159 của Bộ Tài chính hướng dẫn về pháp lệnh phí và lệ phí thì trạm thu phí phải nằm trên phạm vi của Dự án, chúng tôi khẳng định là trạm thu phí Cai Lậy đang nằm trên phạm vi của Dự án. Bất cập xảy ra có thể do khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa lường hết được những tác động đối với người dân.

Trạm BOT Cai Lậy đang bị phản ứng gay gắt về mức phí và vị trí đặt trạm (ảnh: Hữu Danh)
Trạm BOT Cai Lậy đang bị phản ứng gay gắt về mức phí và vị trí đặt trạm (ảnh: Hữu Danh)

Với tuyến tránh Cai Lậy, Tổng cục Đường bộ đã nhận được ý kiến phản ánh của Tiền Giang về mức phí và chúng tôi cho rằng vẫn còn bất cập đối với người dân gần khu vực trạm và trước mắt sẽ giải quyết theo hướng giảm phí.

- Người dân không quan tâm các vấn đề chuyên môn của dự án mà chỉ thấy thực tế phí BOT bất hợp lí và mặt bằng giá quá chênh lệch, phản ứng của người dân là có cơ sở. Ông nghĩ sao về việc này?

- Mức giá được xác định phù hợp với quy định của Thông tư 159 của Bộ Tài chính trước đây và hiện nay là thông tư 35 của Bộ GTVT.

Tôi nghĩ chúng ta cần tiếp cận trên phương diện phù hợp với quy định pháp luật và đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.

Chúng tôi đang đàm phán để có chính sách điều chỉnh mức phí phù hợp, giảm thiểu tối đa tác động đối với người dân.

- Không chỉ trạm Cai Lậy mà đã có nhiều trạm BOT khác không được đồng thuận, bị người dân phản ứng khi thu phí, đặc biệt là nhiều trạm đặt “nhầm chỗ”. Bộ GTVT và các đơn vị thực hiện dự án không đặt mình vào vị trí của người dân nên đến bây giờ mới nhận ra những bất cập, thưa ông?

- Không phải đến bây giờ Bộ GTVT mới nhận ra bất cập của các dự án BOT. Từ tháng 6/2016, Bộ GTVT đã tổ chức tổng kết, đánh giá tất cả các dự án BOT, và chúng tôi đã nhìn thấy những bất cập này, vì thế chúng tôi đã tính tới chính sách miễn phí toàn bộ cho xe máy, xe thô sơ, chính sách vé quý-vé tháng để giảm phí người tham gia giao thông phải thanh toán/ngày.

Tuy nhiên, chính sách nói trên chiếu theo thực tế vẫn là chưa đủ, vì người dân xung quanh trạm vẫn bị ảnh hưởng. Vì thế, Bộ GTVT đã xem xét kỹ lưỡng hơn, kể cả đối với những trạm không bị người dân phản ứng.

Việc giảm phí cho người dân sống ở khu vực là hướng giải quyết chúng tôi đặt ra, nhưng giảm ở mức độ nào còn phải tính toán về cự ly trạm, hệ thống hạ tầng, đặc thù phân bố dân cư, sức chi trả của người dân... để đưa ra hướng xử lý hài hòa.

- Vậy việc rà soát các tuyến BOT và giải pháp giải quyết như thế nào thưa ông?

- Từ tháng 5/2017, Bộ GTVT đã giao cho Tổng cục Đường bộ Việt Nam làm việc với tất cả các tỉnh thành có dự án và trạm BOT. Ngày 12/5, theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, có 32 tỉnh/thành có ý kiến phản ánh về các bất cập trên tuyến BOT.

Bộ GTVT đã báo cáo Chính phủ và đề nghị không thực hiện BOT trên các tuyến đường hiện hữu (không BOT sửa chữa, nâng cấp - PV), chỉ đầu tư BOT trên những dự án mới hoàn toàn để người dân có được lựa chọn.

- Xin cảm ơn ông!

Châu Như Quỳnh (thực hiện)