Bộ trưởng Giao thông “nhận trách nhiệm” thay nhà đầu tư BOT Cai Lậy
(Dân trí) - Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa phân trần, dự án BOT đường tránh Cai Lậy (Tiền Giang) có nhiều cái khó, được làm trước hết vì nhu cầu của địa phương. Khi sự việc người dân bức xúc, dàn hàng gây tắc đường, buộc phải xả trạm thì trách nhiệm trước hết thuộc địa phương, Bộ GTVT chứ không phải của nhà đầu tư...
Phần thảo luận buổi chiều về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách đầu tư công trình giao thông theo hình thức BOT tại UB Thường vụ Quốc hội hút nhiều ý kiến phân tích từ chính ví dụ điển hình đang diễn ra tại tuyến đường tránh Cai Lậy (Tiền Giang).
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích, nếu so sánh suất đầu tư giữa các mô hình đầu tư như BOT hay đầu tư bằng vốn ngân sách thì thấy ngay hiệu quả. Nhiều nhà đầu tư lợi dụng BOT, nâng cấp đường đã đầu tư từ vốn đóng góp bằng tiền thuế của dân, chỉ tráng thêm một lớp nhựa mặt đường rồi thu phí.
Tiêu biểu cho hiện tượng này, theo ông Phúc, chính là ở tuyến tránh Cai Lậy (Tiền Giang). Mức phí thu ở đây còn cao hơn cao tốc Trung Lương thì người dân bức xúc, Tổng Thư ký Quốc hội cho là hoàn toàn đúng.
Ví dụ khác được ông Phúc dẫn ra là cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ, thực tế chưa mở rộng, mới chỉ cải tạo mặt đường, đã thu phí.
Ông Phúc chia sẻ, từ Hà Nội về Thái Bình quê ông có hơn 100km mà 4 chặng đường BOT, 4 trạm thu phí. Có đoạn gần hết hạn thu phí đường chính thì lại mở thêm đường tránh để thu phí tiếp.
“Nhà nước phải kiên quyết không để nhà đầu tư lợi dụng, người dân phải chịu thiệt. Có một số tuyến đường đầu tiên là BT sau lại chuyển thành BOT thì dân không hiểu vì từ đầu không tính toán, không công khai rõ ràng nên việc người dân phản ứng là đương nhiên” – Tổng thư ký Quốc hội yêu cầu làm rõ thêm nội dung này trong báo cáo.
Báo cáo giải trình thêm một số vấn đề, Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa đề cập trước hết đến sự việc căng thẳng đang diễn ra tại Cai Lậy. Theo ông, đây là dự án điển hình có nhiều cái khó mà địa phương, Bộ Giao thông phải giải quyết nhiều vấn đề thời gian qua.
“Tuyến tránh Cai Lậy có 21km nằm trên Quốc lộ 1 cộng với phần đường tránh. Đoạn nằm trên Quốc lộ 1 thì ngoài việc nâng cấp, cải tạo mặt đường ra, còn phải xử lý 14 cái cầu. Dự án thì được làm trước hết vì nhu cầu của địa phương. Bộ Giao thông đã cho tìm hiểu, lấy đầy đủ các ý kiến, từ HĐND đến đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đảng, chính quyền, hiệp hội vận tải...” – ông Nghĩa khẳng định.
Bộ trưởng Giao thông giải thích, xảy ra sự việc, mọi người thường nghĩ tới vấn đề này kia ở nhà đầu tư nhưng thực tế cần nhìn nhận công bằng hơn, trước hết đó phải là trách nhiệm của địa phương và Bộ Giao thông.
“Thậm chí trưa nay tôi còn nhận được cuộc điện thoại nói phải thanh tra, điều tra ngay dự án này. Dư luận cứ nghĩ nhà đầu tư có đó vấn đề gì nhưng không phải, trách nhiệm trước hết của chúng tôi” – Bộ trưởng Nghĩa phân trần.
Ông Nghĩa thông tin, thực tế tại Tiền Giang, Hiệp hội vận tải, người địa phương không có ý kiến gì. Chỉ có 7 doanh nghiệp ở địa phương khác phản ứng. Bộ trưởng Giao thông đề cập hiện tượng có người tổ chức dàn hàng xe dừng ở trạm thu phí để gây tắc đường, cuối cùng trạm phải tháo khoán để giải toả ách tắc.
Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho biết, chiều nay 15/8, Tổng Cục trưởng Tổng Cục đường bộ đã nghỉ họp để tiếp nhà đầu tư tuyến đường này ra làm việc, để bàn lại phương án tài chính, giảm mức đầu tư dự án từ 35.000 tỷ xuống 32.000 tỷ đồng.
“Sau buổi chiều hôm nay, chắc đề xuất của địa phương và người dân cũng sẽ giải quyết được. Với người dân thì phương tiện chính là xe máy, đều được miễn phí cả. Còn lại một số hộ có ô tô, chúng tôi đề nghị xem xét theo khu vực” – ông Nghĩa cũng nêu nguyên lý, trong thời gian tới sẽ yêu cầu tất cả nhà đầu tư phải giải quyết một cách tổng thể với các dự án BOT nói chung để có cơ chế công bằng ở mọi dự án.
P.Thảo