1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hành trình tạo nên trạm BOT Cai Lậy “tai tiếng”

(Dân trí) - Theo ý kiến của tư vấn dự án, tỉnh Tiền Giang lựa chọn làm tuyến tránh Cai Lậy kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1, sau đó các bên thống nhất đặt trạm BOT ở vị trí được cho là đắc địa nhằm “đón đầu” thu phí phương tiện lưu thông trên cả 2 tuyến đường.

Dự án tuyến tránh thị xã Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang “ầm ĩ” nhiều ngày qua bởi những vấn đề không đạt được sự đồng thuận với người dân.

Đầu tư 2 đường rẻ hơn 1 đường?

Năm 2009, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu xây dựng tuyến tránh thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy). Tuy nhiên, do nguồn vốn Nhà nước không có nên sau hơn 4 năm dự án chưa thể triển khai.

Ngày 30/8/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 3901 gửi Bộ GTVT đề nghị Bộ GTVT sớm triển khai dự án tuyến tránh Quốc lộ 1 (QL1) đoạn qua thị trấn Cai Lậy do nhu cầu của địa phương cấp bách.

Tỉnh này giới thiệu nhà đầu tư và đề nghị Bộ GTVT chấp thuận cho làm dự án theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao).

Trên cơ sở kiến nghị của Tiền Giang, Bộ GTVT đã tiến hành nghiên cứu triển khai dự án BOT tuyến tránh Cai Lậy.

Tuyến tránh thị xã Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang vừa đưa vào khai thác, thu phí nhưng bị người dân phản ứng gay gắt
Tuyến tránh thị xã Cai Lậy - tỉnh Tiền Giang vừa đưa vào khai thác, thu phí nhưng bị người dân phản ứng gay gắt

Thời điểm đó, Công ty CP Tư vấn xây dựng công trình 625 là đơn vị tư vấn lập dự án BOT Cai Lậy với 2 phương án.

Phương án 1, không làm tuyến tránh mà mở rộng QL1 đoạn qua thị trấn Cai Lậy với quy mô 6 làn xe, trạm thu phí hoàn vốn đặt trên QL1.

Theo phương án này, tuyến đường sẽ mở rộng qua thị trấn Cai Lậy, khối lượng giải phóng mặt bằng (GPMB) rất lớn, tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng. Dự kiến thời gian thu phí hoàn vốn sẽ kéo dài, mức phí qua trạm cao.

Phương án 2, xây dựng QL1 đoạn tránh thị trấn Cai Lậy, kết hợp tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000.

Với phương án 2, khối lượng GPMB ít hơn do tuyến đường xây dựng mới sẽ không đi qua khu dân cư đô thị, kết hợp tăng cường mặt đường QL1 không phải GPMB.

Tổng mức đầu tư được tính toán gần 1.400 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa với mức phí thu qua trạm sẽ thấp hơn và thời gian hoàn vốn nhanh.

Với đề xuất của tư vấn dự án, tỉnh Tiền Giang đã thống nhất bằng văn bản và lựa chọn phương án 2, tức là đầu tư xây dựng tuyến tránh thị trấn Cai Lậy, kết hợp tăng cường mặt đường đoạn Km 1987+560 - Km 2014+000.

“Quy trình” đặt trạm thu phí

Đối với dự án BOT, việc đặt trạm thu phí không kém phần quan trọng so với việc lập dự án. Lí do vì đây là cơ sở để nhà đầu tư tính tỷ suất lợi nhuận và hoàn lại số vốn đã bỏ ra đầu tư dự án. Vì thế, trạm BOT Cai lậy cũng không ngoại lệ.

Theo hồ sơ dự án, tháng 10/2013, Bộ GTVT gửi văn bản lấy ý kiến về vị trí đặt trạm thu phí đến UBND tỉnh Tiền Giang, HĐND tỉnh Tiền Giang và Đoàn đại biểu Quốc hội tinh Tiền Giang. Trong các văn bản này, Bộ GTVT đã đưa ra 2 vị trí đặt trạm cùng với những ưu điểm và hạn chế để địa phương lựa chọn, đó là đặt trạm thu phí trên tuyến tránh Cai Lậy hoặc đặt trạm trên QL1.


Mô phỏng hình ảnh trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trên quốc lộ 1 (màu xanh) và đường tránh (màu cam). (Đồ họa: Phạm Vũ Toản)

Mô phỏng hình ảnh trạm thu phí BOT Cai Lậy nằm trên quốc lộ 1 (màu xanh) và đường tránh (màu cam). (Đồ họa: Phạm Vũ Toản)

Cụ thể, trạm đặt trên tuyến tránh thì ưu điểm là chỉ thu phí của những phương tiện lưu thông trên tuyến tránh, không thu phí của phương tiện đi vào nội thị Cai Lậy. Nhưng nhược điểm là không hạn chế được phương tiện đi qua QL1 do tránh trạm thu phí, không thu hút được nhà đầu tư, không sửa chữa được mặt đường, hệ thống thoát nước… Thời gian thu phí kéo dài từ 30 năm trở lên.

Với trạm thu phí đặt trên QL1, thu phí cả 2 dòng phương tiện đi trên tuyến tránh và QL1. Ưu điểm được cho là sẽ giảm ùn tắc và tai nạn giao thông, thời gian thu phí hoàn vốn khoảng 10 năm. Tuy nhiên, Bộ GTVT cho biết việc đặt trạm trên QL1 phải có sự ủng hộ của các cấp chính quyền địa phương.

Ngày 4/11/2013, UBND tỉnh Tiền Giang có văn bản số 5090/UBND-CN gửi Bộ GTVT đề xuất vị trí đặt trạm thu phí trên QL1, tại lý trình Km1999+900, thuộc địa phận xã Phú An, huyện Cai Lậy. Cùng thời gian này, HĐND và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang cũng gửi văn bản tới Bộ GTVT thống nhất lựa chọn phương án đặt trạm thu phí trên QL1.

Tuy nhiên, sau hơn 1 năm không thể giải phóng được mặt bằng đề xây dựng trạm thu phí nên UBND tỉnh Tiền Giang đã đề nghị thay đổi vị trí tại Km 1999+300, QL1 (vị trí trạm thu phí hiện tại). Chính quyền địa phương này khẳng định đã phối hợp với nhà đầu tư khảo sát hiện trường và thống nhất di dời trạm thu phí đến vị trí mới.

Vào thời điểm này, Bộ Tài chính có ý kiến bằng văn bản và yêu cầu vị trí trạm thu phí phải đặt trong phạm vi dự án, theo đúng quy định tại Nghị định 159/2013/TT-BTC. Trên cơ sở đó, ngày 4/12/2015, Bộ GTVT ban hành văn bản 16189 chấp thuận vị trí đặt trạm thu phí tại Km 1999+300 QL1.

Cần phải nói thêm rằng, trong quy trình đầu tư dự án BOT Cai Lậy, cùng với sự hiện diện của chính quyền tỉnh Tiền Giang và Bộ GTVT thì Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan quyết định cho triển khai dự án bằng việc cấp Giấy phép đầu tư và thẩm định dự án; Bộ Tài chính quyết định vị trí đặt trạm BOT, mức phí, thời gian thu phí.

Tuy nhiên, khi BOT Cai Lậy “vỡ trận”, dường như “quả bóng trách nhiệm” đang được các Bộ ngành và địa phương “đá” khỏi... chân mình (!?)

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm