1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Bộ Công an vẫn quyết xử phạt xe không chính chủ

(Dân trí) - Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên - Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (Bộ Công an) cho biết, Bộ này vẫn sẽ thực hiện quy định về việc xử phạt hành vi mua bán ô tô, xe máy không sang tên đổi chủ, từ ngày 15/4.

Theo Thiếu tướng Tuyên, tuy Bộ Giao thông Vận tải đã có ý kiến đề nghị rút quy định xử phạt nhưng Luật Giao thông đường bộ đã quy định nên Bộ Công an vẫn sẽ thực hiện.

“Sự bất đồng giữa 2 Bộ Công an và Giao thông về quy định xử phạt này nếu như không giải quyết được thì sẽ trình Chính phủ cho ý kiến” - Cục trưởng Tuyên cho hay.

Theo Thông tư số 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 15/4 sẽ xử phạt vi phạm đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, người sở hữu phương tiện không thực hiện sang tên đổi chủ sau 1 tháng mua bán.
 
Từ 15/4, vẫn xử phạt đối với xe không chính chủ

Từ 15/4, vẫn xử phạt đối với "xe không chính chủ"

Cụ thể, Điều 9 khoản 2 của Thông tư quy định: Xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định nếu không qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (sau đây gọi là mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm: “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định.

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng nhấn mạnh lực lượng cảnh sát không được phép dừng xe để kiểm soát và xử lý hành vi “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định”.

Được biết, với trường hợp xe mua bán qua nhiều đời chủ mà không có chứng từ chuyển nhượng hoặc chứng từ chuyển nhượng đã quá lâu thì theo Thông tư 12/2013 mới đây sẽ được cấp đăng ký lại, trong đó người sử dụng phương tiện phải có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe do mình làm thủ tục đăng ký (có xác nhận của công an địa phương thường trú).

Về quy định chủ sở hữu của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (phương tiện sử dụng để vi phạm) có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Trong đó, chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là chủ xe) là cá nhân, tổ chức đứng tên trong Giấy đăng ký xe. Trường hợp cá nhân, tổ chức đứng tên trong Giấy đăng ký xe đã thực hiện giao dịch bán, cho, tặng phương tiện hoặc chuyển quyền thừa kế tài sản là phương tiện cho cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng phương tiện hoặc được thừa kế tài sản là phương tiện được gọi là chủ xe.

Chủ xe hoặc người đại diện hợp pháp (nếu chủ xe là cơ quan, tổ chức) khi nhận được thông báo bằng văn bản của cơ quan chức năng về việc sử dụng phương tiện để vi phạm, có nghĩa vụ yêu cầu người điều khiển phương tiện đã thực hiện hành vi vi phạm đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Khi đến, phải xuất trình thông báo về việc sử dụng phương tiện để vi phạm và các giấy tờ theo quy định.

Trường hợp không xác định được người điều khiển phương tiện hoặc người này không thực hiện quy định tại Khoản 1 Điều này, thì phải trực tiếp đến cơ quan đã gửi thông báo để giải quyết. Khi đến giải quyết phải xuất trình thông báo về việc phương tiện bị sử dụng để vi phạm, Giấy đăng ký xe và phải ký vào biên bản vi phạm hành chính với tư cách là người chứng kiến và được chấp hành quyết định xử phạt thay cho người điều khiển phương tiện vi phạm.

Xử phạt hành vi người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; người điều khiển xe ô tô, máy kéo không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trườn; người điều khiển xe máy chuyên dùng không mang theo bằng (hoặc chứng chỉ) điều khiển và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ.

Liên quan đến việc xử phạt xe không chính chủ, hôm 11/3, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng đã có ý kiến “rút” quy định này khỏi Dự thảo Nghị định 71 sửa đổi về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Lí do “rút” quy định này mà Bộ trưởng Thăng đưa ra xuất phát từ việc xem xét ý kiến phản hồi của người dân, qua đó cho thấy tính khả thi của quy định xử phạt xe không chính chủ không cao.

Bộ trưởng Thăng khẳng định các Bộ, ngành chức năng cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng, khi xét thấy việc xử phạt có tính khả thi cao, khi hệ thống văn bản hướng dẫn được đầy đủ thì mới đề nghị bổ sung vào Nghị định 71 hoặc đưa vào văn bản quy phạm pháp luật khác phù hợp hơn, công khai và minh bạch hơn.

Quỳnh Anh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm