Xác minh “xe không chính chủ” là quá sức CSGT

(Dân trí) - “Người dân có quyền được biết lí do mình bị phạt, nhưng việc xác minh “xe không chính chủ” là quá sức đối với CSGT. Nếu xử lý không thỏa đáng, CSGT sẽ phải đối diện với hàng triệu vụ án hành chính liên quan đến việc xử phạt xe không chính chủ...”.

Ông Hoàng Huy Được - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội - trao đổi với PV Dân trí xung quanh quy định xử phạt xe không chính chủ gây nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Xét ở góc độ Luật, ông nhìn nhận như thế nào về việc xử phạt đối với xe không chính chủ trong Dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính lĩnh vực giao thông đường bộ của Bộ Giao thông Vận tải?

Thực ra việc xử phạt vi phạm hành chính đối với trường hợp xe không chính chủ không phải là vấn đề mới. Việc xử phạt hành chính đối với xe không chính chủ đã được quy định ngay từ năm 2005. Cụ thể: Phạt tiền từ 50.000 đồng đến 100.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại tương tự mô tô vi phạm trong các hành vi sau đây: “Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo qui định” ( điểm a khoản 1 Điều 38 Nghị định số 152/ 2005/NĐ-CP). Hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 300.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô vi phạm một trong các hành vi sau đây: Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định (điểm c khoản 3 Điều 38 Nghị định 152/ 2005/ NĐ-CP).

Tiếp theo đó là Nghị định 34/ 2010/ NĐ-CP và hiện nay là Nghị định 71/2012/ NĐ-CP cũng đều có quy định về việc xử phạt hành chính đối với việc không chuyển quyền sở hữu đối với phương tiện, chỉ có khác là số tiền phạt tăng nên rất nhiều mà thôi.
 
Phạt xe không chính chủ có nhiều lý do không khả thi

Phạt xe không chính chủ có nhiều lý do không khả thi

Mặt được và không được của quy định này là gì thưa ông? Khi áp dụng vào thực tế có tính khả thi không và tại sao?

Trước hết chúng tôi hiểu rằng, khi ban hành Nghị định, cơ quan nhà nước có thẩm quyền hướng đến việc dễ dàng quản lý phương tiện tham gia giao thông. Mặt khác, tận thu được nhiều thuế và phí cho ngân sách nhà nước thông qua việc chuyển dịch quyền sở hữu… Cũng cần phải nói thêm là về phía người dân và đặc biệt là người bán xe sẽ tránh được việc phải chịu trách nhiệm dân sự, nếu người mua xe gây tai nạn...

Nhưng theo tôi, việc quy định xử phạt hành chính đối với hành vi điều khiển xe không chính chủ là rất không khả thi bởi những căn cứ sau đây: Thứ nhất, người dân có quyền biết lý do bị phạt. Theo đó, Cảnh sát giao thông (CSGT) phải có nghĩa vụ chứng minh xe không chính chủ. Nói cách khác, người dân có quyền nhưng không có nghĩa vụ phải chứng minh xe không chính chủ. Vì vậy, trước thực trạng hàng triệu xe không chính chủ thì việc xác minh “xe không chính chủ” là quá sức đối với CSGT, đó là lý do không khả thi thứ nhất.

Thứ hai, vào năm 2003, Bộ Công an ban hành Thông tư 02 ngày 13/1/2003 hướng dẫn tổ chức cấp đăng ký, biển số phương tiện giao thông cơ giới đã quy định: “...Mỗi người chỉ được đăng ký 1 xe môtô hoặc xe gắn máy”. Từ quy định vi Hiến, vi phạm pháp luật dân sự trong thông tư số 02 của Bộ Công an mà đã có hàng triệu xe gắn máy mà người mua phải nhờ đăng ký, thuê đăng ký. Vì vậy, việc chứng minh quyền sở hữu đối với toàn bộ số xe được mua trong thời điểm áp dụng thông tư số 02/ 2003/ TT-BCA cũng là vấn đề rất không nhỏ, đây là lý do thứ hai cho thấy việc quy định xử phạt xe không chính chủ là không khả thi.

Thứ ba, chưa có một điều tra xã hội học nào để có thể nhận biết trên phạm vi toàn quốc có bao nhiêu phương tiện không chuyển quyền sở hữu và có bao nhiều xe là tài sản chung của gia đình… Vì vậy, nếu xử lý không thỏa đáng, CSGT sẽ phải đối diện với hàng triệu vụ án hành chính liên quan đến việc xử phạt xe không chính chủ…

Luật giao thông đường bộ có quy định về xe chính chủ, nhưng lâu nay người dân không thực hiện vì cho rằng các thủ tục quá nhiêu khê. Nay Nghị định xử phạt sẽ ban hành siết chặt hơn quy định xe chính chủ, ông nghĩ sao về việc này?

Việc kiểm soát, rà soát văn bản, để từ đó giảm bớt những thủ tục hành chính không cần thiết gây phiền hà cho nhân dân đã được Chính phủ rất quan tâm. Tuy nhiên, đối với thủ tục đăng ký, cấp biển số đối với xe ô tô và xe gắn máy cũng cần phải đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, tạo điều kiện cho người dân dễ dàng thực hiện. Mặt khác, hết sức quan trọng, đó là cần phải nhanh chóng giảm thiểu các khoản thuế, lệ phí trước bạ đối với các phương tiện đã qua sử dụng để khuyến khích người dân đăng ký phương tiện của mình….

Trường hợp người thân, bạn bè mượn xe của nhau để đi sẽ bị coi là sử dụng phương tiện không chính chủ nên phải có giấy ủy quyền, thậm chí giấy đó còn phải có chứng thực của địa phương, điều này rõ ràng là phiền toái, còn nếu không có thì sẽ bị phạt. Vậy có cách nào khác để giải quyết vấn đề này không thưa ông?

Theo quy định của pháp luật dân sự thì chủ sở hữu (chủ xe) có toàn quyền tặng, cho, bán, cho mượn, cho thuê đối với phương tiện của mình. Thế nhưng, mỗi lần cho mượn lại phải làm giấy tờ cho mượn, và người mượn xe phải mang giấy mượn xe thì quả là không phù hợp với chủ trương giảm thủ tục hành chính mà Chính phủ đã đề ra. Hơn nữa, luật dân sư quy định giao dịch dân sự có thể tiến hành bằng miệng, trừ một số trường hợp pháp luật qui định việc giao dịch phải làm văn bản như: hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, hợp đồng mua bán nhà… Vì vậy, nếu việc “giao dịch mượn xe” mà cũng phải làm giấy tờ là không phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự..
 
Sẽ có hàng triệu vụ án hành chính liên quan đến việc xử phạt xe không chính chủ
"Sẽ có hàng triệu vụ án hành chính liên quan đến việc xử phạt xe không chính chủ"

Việc sang tên đổi chủ đối với phương tiện đã qua nhiều lần mua bán (đặc biệt là xe máy) không khác gì “mò kim đáy biển”, nhưng nếu không thực hiện sẽ là vi phạm Luật. Vậy theo ông cơ quan quản lý và người dân cần phải làm gì?

Quả thật, đối với phương tiện đã qua nhiều lần mua bán (đặc biệt là xe máy) không khác gì “mò kim đáy biển” trong việc sang tên đổi chủ. Vì vậy, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cũng cần phải nghiên cứu để có một phương thức nào đó tạo thuận lợi cho người dân dễ dàng có thể đăng ký quyền sở hữu trong những trường hợp này.

Nghị định 71 quy định việc xử phạt liên quan đến những hành vi vi phạm an toàn giao thông, trong khi xe không chính chủ không liên quan đến vấn đề an toàn, vì vậy nên gỡ bỏ khỏi Nghị định này và đưa vào Nghị định khác hợp lí hơn. Ông thấy điều này có phù hợp và thuyết phục hơn?

Câu hỏi này rất hay, đó là xe không chính chủ hay chính chủ, và ai là chủ sở hữu đích thực đối với phương tiện (ô tô, xe máy) là do pháp luật dân sự điều chỉnh. Trong khi đó, việc an toàn giao thông liên quan đến rất nhiều vấn đề như: hạ tầng cơ sở, phương tiện và quan trọng nhất vẫn là người điều khiển phương tiện. Tuy nhiên, trong Nghị định quy định về xử phạt đối với hành vi này được thiết kế ở nhóm “liên quan đến giao thông đường bộ”, nên để cũng được và bỏ ra khỏi nghị định cũng không sao.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
 

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam - cho biết: “Quy định phạt xe không chính chủ thiếu tính khả thi, nếu quyết phạt xe không chính chủ thì chỉ làm tăng thêm bức xúc cho người dân, còn lực lượng cảnh sát sẽ rất vất vả”.

Theo ông Hùng, Nghị định 71 được sửa đổi với những nội dung liên quan đến an toàn giao thông trong khi xe không chính chủ hoàn toàn không liên quan gì đến nội dung này. Vì thế nên gỡ bỏ nội dung xử phạt xe không chính chủ trong Nghị định 71 và đưa vào Nghị định hoặc văn bản khác phù hợp hơn.

Liên quan đến việc phải có giấy ủy quyền khi bạn bè hay người thân mượn xe của người sở hữu phương tiện, ông Hùng khẳng định: “Theo Luật dân sự, người dân khi tham gia giao thông chỉ có 4 loại giấy tờ là giấy sở hữu phương tiện, giấy phép lái xe, sổ đăng kiểm và bảo hiểm trách nhiệm dân sự. Tôi nghĩ rằng không nên quy định thêm thủ tục hành chính nào với người tham gia giao thông nữa vì điều đó là không đúng và rất kỳ quặc”.

Quỳnh Anh