1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định siết hoạt động đường thủy sau vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại

Doãn Công

(Dân trí) - Tỉnh Bình Định tiếp tục tăng cường công tác tuần tra, giám sát, xử lý phương tiện vi phạm hoạt động đường thủy nội địa, sau vụ lật ca nô thảm khốc xảy ra ở biển Cửa Đại (Quảng Nam) hôm 26/2 vừa qua.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Định, toàn tỉnh có 15 tuyến giao thông đường thủy nội địa với tổng gần 300 chiếc. Trong đó, có hơn 100 tàu, ca nô cao tốc làm dịch vụ vận chuyển hành khách tham quan du lịch biển, đảo và gần 200 tàu vỏ gỗ tham gia chuyên chở người và hàng hóa.

Bình Định siết hoạt động đường thủy sau vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại - 1

Lực lượng Cảnh sát giao thông đường thủy nội địa tăng cường tuần tra, kiểm soát tại khu vực cửa biển Quy Nhơn (Ảnh: Ly Ly).

Theo ông Hồ Nhật Lệ - Chủ tịch UBND xã Nhơn Châu, địa phương có 5 tàu vỏ gỗ tham gia vận chuyển hàng hóa và hành khách vào trung tâm TP Quy Nhơn và ngược lại, cùng gần 20 phương tiện ca nô, tàu cao tốc chuyên chở du khách.

"UBND xã thường xuyên phối hợp với Trạm Biên phòng Nhơn Châu kiểm tra, nhắc nhở các chủ phương tiện trang bị đầy đủ áo phao, dụng cụ nổi trên các phương tiện. Tất cả hành khách khi lên tàu bắt buộc phải mặc áo phao mới cho phép phương tiện xuất bến", ông Lệ nói.

Trong khi đó, xã Nhơn Lý có 52 phương tiện tham gia vận chuyển khách du lịch, chủ yếu là phục vụ du khách tắm biển, lặn ngắm san hô tại các khu vực biển ở địa phương Kỳ Co - Eo Gió… Tất cả các phương tiện đều đã được đăng ký, đăng kiểm. Địa phương đã chủ động rà soát, lên danh sách các tổ chức, cá nhân có phương tiện tham gia vận chuyển khách du lịch, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức đào tạo, sát hạch, cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng theo đúng quy định.

Trung tá Nguyễn Hồng Vang - Phó trưởng Phòng CSGT Công an tỉnh Bình Định cho hay, Nghị định số 139/2021/NĐ-CP ngày 31/12/2021 của Chính phủ, có hiệu lực từ 1/1/2022, đến nay đơn vị đã tuyên truyền trực tiếp cho hơn 200 lượt phương tiện đò ngang, phương tiện vận tải khách du lịch.

Bình Định siết hoạt động đường thủy sau vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại - 2

Tất cả hành khách khi lên tàu, ca nô phải mặc áo phao đầy đủ.

Cùng với việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, CSGT đường thủy đã phát áo phao đến hơn 10 đò ngang để phục vụ vận chuyển dân sinh, thường xuyên nhắc nhở các chủ phương tiện phải chấp hành đầy đủ các quy định về vận tải hành khách; phân công cán bộ, chiến sĩ tổ chức kiểm tra các địa bàn trọng điểm, tập trung nhiều phương tiện thủy nội địa vận chuyển khách, hàng hóa trên địa bàn tỉnh.

Lực lượng chức năng cũng đã lập biên bản vi phạm hành chính 12 trường hợp vi phạm như: thiếu trang thiết bị an toàn; đón trả khách không đúng nơi quy định; phương tiện hết hạn đăng kiểm; đình chỉ hoạt động 2 bến đò, một phương tiện không đảm bảo đủ điều kiện để vận tải hành khách. Đồng thời, yêu cầu các chủ phương tiện vận tải khách du lịch phải ký cam kết chấp hành đúng quy định đảm bảo an toàn giao thông đường thủy nội địa.

Cấm vận chuyển hành khách khi gió to, sóng lớn

Vụ tai nạn giao thông đường thủy nội địa đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên tuyến đường thủy nội địa từ Cù Lao Chàm - Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam) ngày 26/2 vừa qua một lần nữa cảnh báo các tỉnh, thành phát triển du lịch biển, đảo không được phép lơ là, chủ quan trong công tác đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, nhất là mùa "cao điểm" đông khách du lịch.

Bình Định siết hoạt động đường thủy sau vụ lật ca nô ở biển Cửa Đại - 3

Mùa cao điểm du lịch, du khách đến Bình Định tắm biển, lặn ngắm san hô rất đông.

Trao đổi về vấn đề này, Trung tá Nguyễn Hồng Vang cho hay, không phải từ sau vụ lật ca nô thương tâm tại biển Cửa Đại (tỉnh Quảng Nam) mà đây là công việc thường xuyên, rất quyết liệt của đơn vị. Hàng ngày, hàng tuần, lực lượng chức năng kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các bến đò ngang chở khách, đặc biệt là áo phao cứu sinh phải được trang bị đầy đủ.

Đối với các phương tiện ca nô, tàu cao tốc chở khách du lịch, khi các phương tiện ca nô hạ thủy vào mùa du lịch đều phải được kiểm tra, chiếc nào không đủ điều kiện phải đình chỉ hoạt động. Đồng thời, yêu cầu chủ phương tiện phải đăng ký, đăng kiểm, bằng cấp, chứng chỉ đầy đủ thì mới được hoạt động.

Theo Trung tá Nguyễn Hồng Vang, thời gian tới, đơn vị sẽ rà soát tất cả những bất cập trên đường thủy nội địa để tham mưu giám đốc công an tỉnh có kiến nghị các cơ quan, ban ngành vào cuộc để khắc phục.

"Chúng tôi phối hợp rất chặt chẽ với Trạm kiểm soát Biên phòng Mũi Tấn, Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Quy Nhơn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Định, nếu thời tiết có sóng to, gió lớn thì kiên quyết không cho bất kỳ phương tiện vận chuyển hành khách nào đi xã đảo Nhơn Châu", Trung tá Nguyễn Hồng Vang cho hay.

Trung tá Nguyễn Hồng Vang cũng nhấn mạnh, để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường thủy nội địa, đặc biệt là đảm bảo an toàn cho du khách tham quan, du lịch biển, đảo trong mùa du lịch hè 2022, lực lượng CSGT đường thủy sẽ tích cực phối hợp với Thanh tra giao thông, chính quyền các địa phương tăng cường tuần tra, xử lý nghiêm đối với các vi phạm liên quan đến giao thông đường thủy, đảm bảo an toàn cho du khách khi đến TP Quy Nhơn - Bình Định.