1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bình Định đối phó tình trạng sạt lở trong đợt mưa lớn

Doãn Công

(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh Bình Định yêu cầu không để người dân qua lại trên tuyến đường từ xã An Hòa đi xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão) khi đang có mưa lớn kéo dài.

Theo UBND huyện An Lão, khu vực Núi Gai (thôn Trà Cong, xã An Hòa) có nguy cơ sạt lở đất đá rất cao khi xảy ra mưa lớn, uy hiếp 54 hộ dân với 174 nhân khẩu đang sinh sống dưới chân núi.

Bình Định đối phó tình trạng sạt lở trong đợt mưa lớn - 1

Một điểm sạt lở năm 2022 trên tuyến đường từ xã An Nghĩa đi xã An Toàn, huyện An Lão, Bình Định (Ảnh: Đình Biểu).

UBND huyện An Lão đã xây dựng phương án di dời các hộ dân đến nơi ở an toàn. Đồng thời quy hoạch khu tái định cư tại thôn Vạn Khánh, cách thôn Trà Cong khoảng 1km và huy động nguồn vốn để xây dựng hạ tầng, bố trí đất ở cho người dân.

Tuyến đường từ xã An Hòa, An Quang đến xã vùng cao An Toàn có 2 điểm sạt lở, đang được Sở Giao thông vận tải (GTVT) sửa chữa, gia cố.

Bình Định đối phó tình trạng sạt lở trong đợt mưa lớn - 2

Khẩn trương gia cố điểm sạt lở tại suối Tình Cảm, xã An Quang (Ảnh: Bình Định).

Ngoài ra, trên tuyến đường độc đạo này còn có nhiều điểm dễ bị sạt lở đất đá khi xảy ra mưa lớn.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn yêu cầu Sở GTVT (đơn vị chủ đầu tư) phải rút kinh nghiệm, không để đến mùa mưa mới triển khai, gây mất an toàn cho đội ngũ thi công.

Huyện An Lão phải kiểm tra, rà soát lại tất cả điểm có nguy cơ bị sạt lở, cắm biển cảnh báo để người dân biết, đề phòng. Khi xảy ra mưa lớn, không để người dân qua lại trên tuyến đường này.

Bình Định đối phó tình trạng sạt lở trong đợt mưa lớn - 3

Chủ tịch tỉnh Bình Định Phạm Anh Tuấn (phải) cùng lãnh đạo huyện An Lão kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng, chống thiên tai tại huyện An Lão (Ảnh: Bình Định).

Tại khu vực nguy cơ sạt lở cao ở Núi Gai (thôn Trà Cong, xã An Hòa), Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định chỉ đạo, thời tiết ngày càng cực đoan, mưa, bão xảy ra bất thường, vì vậy UBND huyện An Lão phải xác định rõ, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân trong mùa mưa bão là việc làm cấp thiết, quan trọng nhất.

Trước mắt, địa phương phải chuẩn bị kỹ lưỡng phương án di dời các hộ dân có nhà dưới chân Núi Gai đến nơi an toàn. Thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình thời tiết, giám sát tình hình thực tế để triển khai phương án di dời dân nhanh, hiệu quả nhất.

Huyện cũng cần chủ động kinh phí, lương thực, thực phẩm để hỗ trợ người dân. Bên cạnh đó, đẩy nhanh tiến độ xây dựng khu tái định cư để cấp đất xây dựng nhà ở, chú trọng đến việc tạo sinh kế cho người dân tại nơi ở mới…