1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines

(Dân trí) - Chiều 7/1, cơ quan an ninh điều tra thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lương Hoài Nam - nguyên Tổng giám đốc hãng hàng không Jetstar Pacific Airlines ngay khi ông này vừa bay từ TPHCM tới Hà Nội. Hai Phó TGĐ điều hành người Úc cũng bị cấm xuất cảnh.

Thông tin ban đầu cho biết, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố ông Lương Hoài Nam về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Lệnh bắt được thực hiện vào khoảng 15h chiều, ngay khi ông Nam vừa đặt chân xuống sân bay Nội Bài. Lệnh khám xét nơi ở của ông Lương Hoài Nam tại ngõ 46A phố Phạm Ngọc Thạch, Hà Nội cũng được thực hiện.

Hai Phó Tổng giám đốc điều hành người Úc của hãng bay Jetstar Pacific Airlines cũng bị cơ quan an ninh điều tra cấm xuất cảnh.
Bắt tạm giam nguyên Tổng giám đốc Jetstar Pacific Airlines - 1

TGĐ Lương Hoài Nam khi còn đương chức (Ảnh: VNN)

Jetstar Pacific Airlines (tên cũ là Pacific Airlines) được thành lập từ năm 1991, trong đó phần lớn vốn cổ phẩn là của Vietnam Airlines. Năm 2007, Pacific Airlines đổi tên thành Jetstar Pacifc Airlines sau khi Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) bán 30% cổ phần trị giá 50 triệu USD cho hãng hàng không Quantas của Australia.

Ngày 2/11/2009, Kiểm toán Nhà nước công bố Báo cáo kiểm toán tài chính năm 2008 của Tổng Công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC). Liên quan tới công tác cổ phần hóa, quản lý vốn Nhà nước tại Jetstar Pacific (do SCIC nắm giữ hơn 70% cổ phần), Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành kiểm tra, đối chiếu và phát hiện ra nhiều tồn tại.

Năm 2008, Jetstar Pacific lỗ 546 tỷ đồng, lỗ lũy kế đến 31/12/2008 là 1.137 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đến 31/12/2008 âm 121 tỷ đồng. Về quản lý chi phí xăng dầu, hai Phó Tổng giám đốc thực hiện nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008 (Hedging), không tuân thủ tuyệt đối nguyên tắc thực hiện và không báo cáo hội đồng quản trị, ban điều hành đã làm cho công ty lỗ hơn 31 triệu USD (từ tháng 7/2008 đến tháng 5/2009).

Tình hình hoạt động kinh doanh của công ty từ khi thành lập đến nay, đặc biệt là năm 2008 gặp rất nhiều khó khăn, thua lỗ kéo dài, song Jetstar Pacific vẫn trả lương cho ban lãnh đạo với mức thu nhập rất cao, không tương xứng với kết quả hoạt động của công ty.

Theo Phó tổng Kiểm toán Nhà nước Lê Minh Khái, chuyện kinh doanh của hãng hàng không này thua lỗ liên quan đến nghiệp vụ phòng ngừa rủi ro xăng dầu năm 2008. Năm 2008, giá dầu thế giới biến động bất thường, lúc tăng nóng lên 145 USD/thùng, khi lại giảm xuống chỉ còn khoảng 44 USD/thùng và đến giữa tháng 2/2009 chỉ còn gần 30 USD/thùng. Tuy nhiên, hợp đồng Hedging của Jetstar Pacific từ tháng 7/2008 kéo dài tới tận tháng 5/2009.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị SCIC phải “xem xét việc chi trả quỹ tiền lương cho thành viên đội đồng quản trị, ban điều hành tại Jetstar Pacific Airlines từ năm 2007 đến nay. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước biết kết quả kiểm tra tại đơn vị này”, ông Khái cho biết.

Cũng theo kết quả kiểm toán tại Jetstar Pacific, Kiểm toán Nhà nước xác định Quỹ tiền lương của lãnh đạo tổng công ty được duyệt là 1,473 tỷ đồng nhưng thực tế năm 2008 đã chi trả 2,642 tỷ đồng, vượt quỹ lương được duyệt là 1,168 tỷ đồng.

Thu nhập bình quân của lãnh đạo tổng công ty khi xây dựng kế hoạch trình Bộ Tài chính, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội là 40 triệu đồng/tháng nhưng thực tế năm 2008 thu nhập bình quân là 78,5 triệu đồng/tháng, gấp 1,96 lần so với kế hoạch”.

Trích lập quỹ lương theo đơn giá tiền lương xây dựng của SCIC cũng thiếu tính hợp lý, không sát thực tế. Đoàn Kiểm toán Nhà nước điều chỉnh giảm chi phí tiền lương trong năm 2008 là 3,8 tỷ đồng; chi phí làm thêm giờ nhiều trường hợp chi vượt 200 giờ/năm theo quy định của Nhà nước (có trường hợp vượt hơn 500 giờ, có trường hợp vượt hơn 300 giờ, 400 giờ) số tiền 504 triệu đồng.

Theo đó, đoàn kiểm toán điều chỉnh giảm chi phí hoạt động đầu tư kinh doanh vốn và chi phí quản lý năm 2008 là 3,389 tỷ đồng, trong đó chi phí tăng 499 triệu đồng, chi phí giảm 3,879 tỷ đồng.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước còn kiến nghị SCIC thực hiện việc xử lý tài chính theo kết quả kiểm toán như sau: Số tiền thuế còn phải nộp ngân sách Nhà nước đến 31/12/2008 là 25,2 tỷ đồng, trong đó, Kiểm toán Nhà nước phát hiện tăng thêm 23,486 tỷ đồng (thuế thu nhập doanh nghiệp 22,49 tỷ đồng, thuế thu nhập cá nhân 0,995 tỷ đồng);

Ông Lương Hoài Nam gắn bó với Jetstar Pacific ngay từ những ngày đầu. Trước đó, ông Lương Hoài Nam có 11 năm làm Trưởng Ban Kế hoạch- Thị trường tại Vietnam Airlines.

Ông Nam đã nộp đơn xin từ chức cho SCIC vào ngày 1/9/2009 và nghỉ việc từ ngày 9/11/2009. Ngày 16/12/2009, nguyên Tổng Giám đốc Lương Hoài Nam đã bị cấm xuất cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất khi làm thủ tục đi nước ngoài.

Phúc Hưng