1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

“Bắt người thì hoành tráng, khi xin lỗi lại chưa đầy 2 phút”

(Dân trí) - Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong đề cập thực tế này khi tham gia ý kiến tại phiên thảo luận về luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chiều 4/4.

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ mở sách dẫn chứng về thông lệ của nhiều nước trong việc quy định thủ tục công khai xin lỗi người bị oan sai.
Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ mở sách dẫn chứng về thông lệ của nhiều nước trong việc quy định thủ tục công khai xin lỗi người bị oan sai.

Vấn đề phục hồi danh sự cho người bị làm oan, trong đó có nội dung quy định thủ tục công khai xin lỗi được đại biểu Nguyễn Thị Thủy - ủy viên thường trực UB Tư pháp khơi lên từ đầu phiên thảo luận. Bà Thuỷ nêu quan điểm không đồng tình với việc dự thảo luật giữ nguyên quy định hiện hành, muốn được công khai xin lỗi, người bị oan phải có yêu cầu, cơ quan có trách nhiệm mới tổ chức buổi xin lỗi tại nơi cư trú.

Theo bà Thuỷ, lẽ ra, trong mọi trường hợp, ngay khi có văn bản xác định một công dân bị oan thì Nhà nước phải xin lỗi, phục hồi nhân phẩm cho người này bởi thực tế là người thực thi công vụ làm oan cho dân.

Bác bỏ lý lẽ đưa ra là trong trường hợp người bị oan chưa có yêu cầu, nếu Nhà nước chủ động công khai xin lỗi thì có thể ảnh hưởng đến quyền nhân thân của công dân, nữ uỷ viên thường trực UB Tư pháp cho rằng, cần đặt vấn đề ngược lại, để thuận cho người dân, là dứt khoát trong vòng 10 ngày, cơ quan làm oan phải tổ chức xin lỗi công khai công dân, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tiến hành thủ tục này.

Dẫn vụ ông Hàn Đức Long bị kết tội oan là giết người và hiếp dâm trẻ em, bà Thủy đặt câu hỏi: “Nếu ông ấy không yêu cầu xin lỗi công khai mà Nhà nước xin lỗi thì việc đó sẽ ảnh hưởng gì đến quyền nhân thân của ông ấy?”.

“Nếu người dân làm sai với nhau, Nhà nước buộc người sai phải xin lỗi người kia. Còn Nhà nước làm oan thì người dân lại phải yêu cầu mới được xin lỗi, như vậy là phân biệt, bất công bằng, quy định này cần phải được cân nhắc”, bà Thuỷ đề nghị.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Hải Phong cho rằng, các cơ quan tố tụng làm sai không dũng cảm nhận cái sai thì luật phải cụ thể, bắt buộc phải công khai xin lỗi công dân.

Phó Viện trưởng VKSND Nguyễn Hải Phong: “Lúc bắt người thì hoành tráng nhưng khi xin lỗi công khai người bị làm oan lại chưa đầy 2 phút”.
Phó Viện trưởng VKSND Nguyễn Hải Phong: “Lúc bắt người thì hoành tráng nhưng khi xin lỗi công khai người bị làm oan lại chưa đầy 2 phút”.

Ông Phong cũng nêu một thực tế khác về biểu hiện hình thức trong việc tổ chức xin lỗi công khai, khôi phục danh dự cho người bị oan sai: “Lúc bắt người thì hoành tráng nhưng khi xin lỗi công khai người bị làm oan lại chưa đầy 2 phút”.

“Ngay cả lời văn xin lỗi cũng chưa thể hiện văn hóa tố tụng. Do vậy, nên có thiết chế cụ thể về lời xin lỗi trong luật”, ông Phong đề nghị.

Bồi thường cho cả thân nhân người bị oan

Một vấn đề mới đây UB Thường vụ Quốc hội đã tiến hành xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội để chuẩn bị cho hội nghị đại biểu chuyên trách lần này là về hướng quy định bồi thường với cả thân nhân người bị oan.

Phó chủ nhiệm UB Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đề nghị, ở giai đoạn đầu của vụ án có thể có việc áp dụng biện pháp ngăn chặn, giữ người ở trường hợp khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự, nếu sau này kết luận người đó bị oan sai thì cũng phải được bồi thường.

Theo ông Tùng, hiện nay việc áp dụng biện pháp ngăn chặn hành chính trái pháp luật được bồi thường, còn trong trường hợp giữ người khẩn cấp trong hoạt động tố tụng hình sự không được bồi thường.

Đại biểu cũng chỉ ra quy định, hiện nay, nhà nước chỉ bồi thường cho người thân của người bị oan trong trường hợp người bị oan chết. Quy định như vậy là không thỏa đáng bởi thực tế người thân thích của người bị oan cũng chịu những tổn thất rất lớn về tinh thần, tổn hại sức khỏe, cơ hội…

Theo đó, ông Tùng ủng hộ mạnh mẽ hướng quy định việc bồi thường cho cả người thân của người bị oan, trong mọi trường hợp.

P.Thảo