DMagazine

Ba bảo vật quốc gia bị chôn vùi dưới đại dương và bí mật chưa được hóa giải

(Dân trí) - Ba khẩu súng thần công là bảo vật quốc gia hiếm có nhưng bị chìm và chôn vùi dưới đáy đại dương cùng con tàu cổ. Một nhóm ngư dân trong lần lặn bắt sò điệp đã vô tình phát hiện.

Ba khẩu súng thần công là bảo vật quốc gia hiếm có nhưng bị chìm và chôn vùi dưới đáy đại dương cùng con tàu cổ. Một nhóm ngư dân trong lần lặn bắt sò điệp đã vô tình phát hiện.

Ba bảo vật quốc gia bị chôn vùi dưới đại dương và bí mật chưa được hóa giải - 1

Cuối tháng 8/2003, trong khi lặn bắt sò điệp ngoài khơi vùng biển Hà Tĩnh, ông Cao Xuân Đức (67 tuổi, trú tại xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) cùng nhóm ngư dân phát hiện con tàu cổ bị đắm ở độ sâu 30m, gần đảo Mắt, cách cửa Nhượng (huyện Cẩm Xuyên) khoảng 35 hải lý.

Lúc phát hiện con tàu bị đắm, nhóm ngư dân đã tìm phương án tiếp cận. Để lặn xuống độ sâu hơn 30m, ông Đức cùng nhóm ngư dân phải đeo thêm chì vào bụng, ngậm vòi dưỡng khí.

"Con tàu gần như hư hỏng và bị chôn vùi dưới đáy biển nên việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn. Nhưng nghĩ bên trong con tàu sẽ có báu vật nên chúng tôi quyết tâm lặn xuống khám phá bằng được. Tuy nhiên, lúc đầu chúng tôi phát hiện một số đồ vật như bát hương, lư hương", ông Đức nhớ lại.

Ba bảo vật quốc gia bị chôn vùi dưới đại dương và bí mật chưa được hóa giải - 3

Đến ngày thứ 2, nhóm ngư dân tiếp tục khám phá con tàu. Lúc này, sau khi bới lớp cát xung quanh con tàu, nhóm ngư dân phát hiện một khối sắt lớn và dài. Hơn 2 ngày sau khi thay phiên nhau lặn xuống và đào bới lớp cát, nhóm ngư dân vui mừng khi biết khối sắt lớn ấy là khẩu súng thần công thời xưa.

"Khẩu súng rất to, dài và nặng. Lúc ấy chúng tôi nghĩ khu vực xung quanh con tàu sẽ còn nhiều đồ vật nữa nên tiếp tục mở rộng phạm vi tìm kiếm", ông Đức nói.

Sau một tuần liên tục "xới biển", nhóm thợ lặn tiếp cận được 2 khẩu súng thần công còn lại. Nhưng các khẩu súng rất nặng nên để trục vớt là cả một vấn đề. Sau khi đánh dấu vị trí các khẩu súng, nhóm ngư dân đã dùng thử nhiều cách trục vớt nhưng bất thành.

Cuối cùng, nhóm ngư dân trở về đất liền rồi tới khu vực cảng biển xã Thạch Kim (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh) thuê nhóm người có tàu lớn để trục vớt các khẩu súng. Hơn 2 tuần sau đó, 3 khẩu súng đã được đưa lên mặt nước và kéo vào bờ.

Ba bảo vật quốc gia bị chôn vùi dưới đại dương và bí mật chưa được hóa giải - 5

"Để cảm ơn chủ tàu ở xã Thạch Kim và cũng coi như chi phí trục vớt, nhóm ngư dân chúng tôi đã tặng họ một khẩu súng thần công. 2 khẩu còn lại được mang về cất sau vườn. Biết tin, rất nhiều người tới để ngã giá, có người trả 150 triệu đồng/khẩu nhưng chúng tôi không bán", ông Đức tiết lộ.

Ba bảo vật quốc gia bị chôn vùi dưới đại dương và bí mật chưa được hóa giải - 7

Khẩu súng thần công tặng cho nhóm người trên tàu ở xã Thạch Kim sau đó được bán cho thương lái. Khi thương lái đang trên đường vận chuyển khẩu súng sang Trung Quốc thì cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ. Quá trình điều tra, lực lượng chức năng phát hiện còn 2 khẩu súng thần công đang được nhóm ngư dân ở xã Cẩm Lĩnh cất giữ.

Sau khi nắm bắt thông tin, cán bộ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã tiếp cận hiện trường, đồng thời, bằng mọi cách đưa được 3 khẩu súng thần công về "đoàn tụ".

"Khi vào hiện trường, 2 khẩu súng được người dân mang để sau vườn. Họ cứ nghĩ 2 khẩu súng này có giá trị rất lớn, một phần do những người buôn bán đồ cổ "thổi" giá nên không đồng ý nhượng lại cho bảo tàng.

Xác định đây là những khẩu thần công mang ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng, chúng tôi đã thương lượng, trích 40 triệu đồng đưa cho nhóm ngư dân để chuộc 2 khẩu súng", ông Nguyễn Trí Sơn, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh, người đã trực tiếp vào thương lượng để chuộc lại những khẩu súng thần công, nói.

Ba bảo vật quốc gia bị chôn vùi dưới đại dương và bí mật chưa được hóa giải - 9

Sau khi nhận ba khẩu thần công này, cán bộ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã bảo quản và phục chế rất công phu bằng cách xây bể, thực hiện ngâm rửa qua nhiều lần nước lạnh và hóa chất thì lớp hà bên ngoài mới bong ra, lộ rõ những hoa văn và chữ đắp nổi trên thân súng rất độc đáo.

Hoa văn được đúc nổi rất tinh tế, công phu và được nạm bạc cầu kỳ, hiếm thấy ở những khẩu thần công khác. Mặc dù bị chìm dưới đáy biển và ngâm nhiều năm trong nước mặn nhưng những họa tiết trên khẩu súng vẫn không bị bào mòn.

3 khẩu thần công được làm hoàn toàn bằng đồng, có kích thước bằng nhau. Cả 3 khẩu súng đều dài 243cm, đường kính nòng 23cm, đường kính đáy 45cm; trọng lượng mỗi khẩu nặng hơn 1,2 tấn. Súng có màu nâu xám, hình trụ tròn, thon nhỏ dần về phía miệng súng. Giữa súng có trục súng và đáy vành, bên trên có quai súng được tạo hình đầu rồng.

Ba bảo vật quốc gia bị chôn vùi dưới đại dương và bí mật chưa được hóa giải - 11

Đây là những khẩu súng thần công bằng đồng hiếm có, có giá trị nổi bật, tiêu biểu vào loại bậc nhất, đúc dưới triều đại nhà Nguyễn và các triều đại phong kiến Việt Nam, được lưu truyền cho đến ngày nay.

Bên cạnh đó, 3 khẩu súng thần công với các họa tiết tinh xảo cũng cho thấy trình độ phát triển khoa học kỹ thuật, nhất là kỹ thuật luyện kim màu, kỹ thuật đúc đồng của nước ta vào những thập niên đầu của thế kỷ XIX .

Cũng theo ông Nguyễn Trí Sơn, 3 khẩu thần công này là báu vật được tôn sùng như thần linh truyền nối các đời sau thờ cúng. Đó là biểu tượng uy quyền của nhà vua, sức mạnh của một đất nước đang phát triển mạnh mẽ cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng.

Với những giá trị tiêu biểu và độc đáo về nhiều mặt, 3 khẩu thần công của Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật quốc gia ngày 30/12/2013.

Ba bảo vật quốc gia bị chôn vùi dưới đại dương và bí mật chưa được hóa giải - 13

3 khẩu súng thần công có tên lần lượt là Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhất (dịch là: Vị thứ nhất trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân); Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi nhị (dịch là: Vị thứ hai trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân) và Bảo quốc An dân Đại tướng quân tam vị chi tam (dịch là: Vị thứ ba trong ba vị Bảo quốc An dân Đại tướng quân).

Quá trình nghiên cứu, cán bộ Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh xác định 3 khẩu thần công được vua Minh Mạng cho đúc, đặt tên và viết bài minh vào mùa xuân tháng Giêng năm Tân Tỵ (1821) tại Kinh đô Huế.

Minh Mạng là vị vua thứ hai của nhà Nguyễn, có nhiều cải cách sâu rộng về hành chính, bộ máy nhà nước, chú trọng đến phát triển quân đội. Suốt 20 năm trị vì (1820-1840), vị vua này đã đưa đất nước phát triển mạnh mẽ về mọi mặt.

Theo tài liệu của Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế, trong thời gian trị vì, vua Minh Mạng đã cho đúc 269 khẩu thần công bằng đồng, trong đó có 3 khẩu thần công "Bảo quốc An dân Đại tướng quân" này.

Ba bảo vật quốc gia bị chôn vùi dưới đại dương và bí mật chưa được hóa giải - 15

Ông Trần Phi Công, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, dựa vào những đồ án hoa văn trang trí, những bài minh văn trên thân súng, thì mục đích của việc đúc súng là chúc mừng vua Minh Mạng lên ngôi hoàng đế, sau đó là xua tan đi những điều không tốt lành.

"3 khẩu súng này dùng để thể hiện uy quyền của nhà vua chứ không phải dùng để đánh trận như những khẩu súng khác", ông Công nói.

Tuy nhiên, lý do tại sao 3 khẩu thần công này lại bị đắm ở vùng biển Hà Tĩnh, đắm vào thời gian nào, lý do bị đắm đang là những câu hỏi mà các nhà nghiên cứu quan tâm, song vẫn chưa có câu trả lời.

Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh cho biết, vào các năm 2016 và 2017, đơn vị này cũng đã tiến hành các cuộc khảo sát tại vị trí con tàu bị đắm nhưng không thu được nhiều kết quả.

"Vào năm 2017 có đoàn chuyên gia của Hàn Quốc phối hợp với Bảo tàng tỉnh Hà Tĩnh và nhóm ngư dân phát hiện ra 3 khẩu súng thần công tiến hành khảo sát tại vị trí con tàu bị đắm, nhưng chỉ tìm được một khối sắt là thanh nẹp của con tàu. Đến bây giờ, việc con tàu bị đắm vào thời gian nào, vì sao bị đắm vẫn chưa có câu trả lời", ông Trần Phi Công cho biết.

Nội dung: Xuân Sinh

Thiết kế: Tuấn Huy