5 điểm mới của kỳ thi lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2025

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Kỳ thi lớp 10 năm 2025 là kỳ thi vào THPT đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Dự kiến không nhân hệ số 2 với toán, văn

Tại sự kiện tư vấn tuyển sinh sáng 23/2, ông Nghiêm Văn Bình, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Quản lý thi và kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội, cho biết cách tính điểm vào lớp 10 công lập năm nay có thay đổi.

Theo đó, Hà Nội dự kiến sẽ không nhân hệ số 2 với các môn thi toán, văn. Với việc tính điểm bình đẳng các môn thi, thí sinh yếu hơn ở môn toán, văn so với môn thứ ba sẽ không gặp nhiều bất lợi như cách tính điểm cũ.

Điểm thi và điểm chuẩn công bố cùng thời điểm

Thông tư 30 về quy chế tuyển sinh THCS và THPT quy định: Việc công bố điểm chuẩn được thực hiện đồng thời với công bố điểm thi.

Do đó, bắt đầu từ năm nay, học sinh sẽ được biết điểm thi và kết quả trúng tuyển vào lớp 10 trong cùng một ngày.

Các năm trước, Hà Nội công bố điểm chuẩn sau ngày công bố điểm thi từ 1 đến 7 ngày.

5 điểm mới của kỳ thi lớp 10 công lập tại Hà Nội năm 2025 - 1

Học sinh thi lớp 10 năm 2024 (Ảnh: Mạnh Quân).

Học sinh giỏi cấp tỉnh của các cuộc thi khoa học kỹ thuật được cộng điểm ưu tiên

Theo đó, Bộ GD&ĐT quy định mức cộng điểm khuyến khích từ 0,5 đến 1,5 điểm cho học sinh giỏi đạt giải cấp tỉnh đối với cuộc thi tổ chức ở cấp quốc gia về văn hóa, văn nghệ, thể thao, nghiên cứu khoa học, kỹ thuật.

Điểm khuyến khích được cộng vào tổng điểm xét tuyển tính theo thang điểm 10 đối với mỗi môn thi, bài thi.

Những năm trước đây, Bộ không cho phép cộng điểm khuyến khích với học sinh đạt giải cấp tỉnh, thành phố mà chỉ tuyển thẳng đối với học sinh đạt giải cấp quốc gia.

Học sinh phải viết bài văn, bỏ ngữ liệu sách giáo khoa

Kể từ năm 2025, học sinh không còn "tủ" để ôn thi môn ngữ văn. Đề minh họa vào lớp 10 môn ngữ văn của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thể hiện điều này.

Để có thể làm được bài thi với những ngữ liệu hoàn toàn mới mẻ, thí sinh buộc phải nắm chắc đặc trưng các thể loại, ghi nhớ và nắm vững kiến thức về tiếng Việt, có kĩ năng đọc hiểu tốt.

Ngoài ra, cũng từ kỳ thi lớp 10 tới, học sinh Hà Nội sẽ phải học kỹ năng viết bài văn chứ không chỉ viết đoạn văn. Câu hỏi nghị luận xã hội chiếm 40% tổng điểm chính là một bài văn có độ dài khoảng 400 chữ. 

Bài văn và đoạn văn có sự khác biệt rõ rệt về yêu cầu, kết cấu, đặc trưng dạng bài. Thí sinh nếu không rèn kỹ năng viết bài văn sẽ gặp lúng túng và xử lý không đầy đủ yêu cầu đề bài.

Đề trắc nghiệm thay đổi, thêm định dạng trắc nghiệm mới

Theo cấu trúc định dạng đề thi mà Sở GD&ĐT công bố, các môn thi trắc nghiệm được thay đổi theo định dạng của đề thi tốt nghiệp THPT.

Theo đó, ngoài dạng thức trắc nghiệm nhiều lựa chọn truyền thống, đề thi sẽ có thêm trắc nghiệm đúng sai và trắc nghiệm trả lời ngắn với cách tính điểm mới.

Thí sinh phải thực sự có khả năng lập luận, phân tích và nắm chắc kiến thức nền tảng để trả lời được câu hỏi trắc nghiệm mới, không thể khoanh bừa vẫn đạt điểm như trước đây.

Đáng lưu ý, ở dạng thức đúng - sai, mỗi câu hỏi có 4 ý, nếu trả lời được 3 trong 4 ý, thí sinh chỉ được một nửa số điểm.