Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Mỹ và phương Tây vượt "lằn ranh đỏ" tiếp sức cho Ukraine ra sao?

Minh Phượng

(Dân trí) - Trong 3 năm qua, Mỹ, Anh, cùng các đồng minh và đối tác đã cung cấp hàng trăm tỷ USD vũ khí cũng như hỗ trợ quân sự cho Ukraine để đương đầu với Nga.

Mỹ và phương Tây vượt lằn ranh đỏ tiếp sức cho Ukraine ra sao? - 1

(Ảnh minh họa: Viện Nghiên cứu Baku).

Phương Tây "phá rào" viện trợ vũ khí cho Ukraine

Sự hợp tác về quốc phòng, an ninh giữa Ukraine với các thành viên NATO và các đối tác khác đã bắt đầu ngay sau khi Ukraine tuyên bố độc lập vào năm 1991 và được tăng cường mạnh mẽ hơn khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, nhưng chủ yếu dưới hình thức đào tạo và cung cấp song phương các vũ khí phi sát thương.

Khi xung đột Nga - Ukraine bùng nổ vào tháng 2/2022, viện trợ quân sự song phương đã tăng đáng kể; trong đó có nhiều quốc gia cung cấp vũ khí sát thương cho Ukraine lần đầu tiên như Đức (quy định cấm bán hoặc viện trợ vũ khí cho các quốc gia đang có chiến tranh) và các quốc gia trung lập trong lịch sử như Thụy Điển. Điều này thể hiện sự đảo ngược đáng kể các chính sách quốc phòng trước đây của họ, vốn loại trừ việc cung cấp vũ khí tấn công.

Khi xung đột ở Ukraine kéo dài, các loại vũ khí được phương Tây cung cấp cũng mỗi ngày một hiện đại, tinh vi và có tầm bắn xa hơn, bất chấp những lo ngại rằng những động thái có thể làm leo thang xung đột.

Vũ khí phòng không vẫn là lĩnh vực ưu tiên, cùng với việc cung cấp đạn pháo và khả năng tấn công tầm xa. NATO coi sự chậm trễ trong việc hỗ trợ hồi đầu năm 2024 (chủ yếu là Mỹ), đã làm giảm khả năng phòng thủ của Ukraine và quân đội Nga sau đó đã đạt được những thành quả chiến thuật đáng kể ở miền Đông Ukraine.

Các đồng minh cũng ngày càng chú ý hơn đến việc thực hiện thiết thực các bảo đảm an ninh dài hạn đã được hứa với Ukraine vào tháng 7/2023.

Trọng tâm của các kế hoạch đó là tiếp tục cung cấp vũ khí hiện đại, phát triển năng lực dài hạn và tăng cường cơ sở công nghiệp quốc phòng của Ukraine, để đạt được khả năng tự cung tự cấp lớn hơn trong sản xuất vũ khí.

Phương Tây vượt "lằn ranh đỏ"

Một số quốc gia (đi đầu là Anh), tuyên bố rằng, vũ khí được viện trợ cho Ukraine chủ yếu để tự vệ nhưng có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu quân sự hợp pháp bên trong lãnh thổ Nga tại các khu vực gần biên giới.

Vào tháng 5/2024, Moscow cáo buộc NATO và Mỹ "gây ra một cấp độ căng thẳng mới". Vào tháng 9/2024, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố việc sử dụng tên lửa tầm xa, nhằm vào các mục tiêu trên lãnh thổ Nga là một "lằn ranh đỏ" tương đương với sự tham gia trực tiếp của NATO vào cuộc xung đột .

Bất chấp cảnh báo của Moscow, vào giữa tháng 11/2024, chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho là đã dỡ bỏ những hạn chế, đáp trả điều mà Ukraine và phương Tây cáo buộc rằng hàng nghìn binh sĩ Triều Tiên đến Nga, để hỗ trợ lực lượng Moscow đánh bật quân đội Kiev khỏi khu vực Kursk.

Các phương tiện truyền thông sau đó đưa tin về việc sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ và Anh, tấn công các mục tiêu ở các tỉnh Bryansk và Kursk của Nga.

Bộ Ngoại giao Nga cho biết, bất kỳ hành động sử dụng tên lửa tầm xa nào của Ukraine để tấn công lãnh thổ Nga, đều sẽ phải đối mặt với phản ứng "thích đáng".

Ukraine sử dụng tên lửa Storm Shadow tập kích sở chỉ huy Nga ở Kursk (Video: Telegram).

Ukraine tiếp nhận bao nhiêu vũ khí từ phương Tây?

Sự hỗ trợ vũ khí của Mỹ cho Ukraine

Có thể khẳng định, Mỹ là nước cung cấp viện trợ quân sự lớn nhất cho Ukraine. Trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2024, chính quyền ông Biden đã nêu rõ ý định tăng cường hỗ trợ quân sự cho Ukraine càng nhiều càng tốt, trước khi nhiệm kỳ của ông kết thúc vào tháng 1 năm nay.

Tính đến ngày 9/1/2025, tổng mức hỗ trợ quân sự do Mỹ cung cấp là 66,5 tỷ USD kể từ tháng 2/2022.

Không rõ nhiệm kỳ mới của Tổng thống Donal Trump, sẽ có sự ủng hộ như thế nào với Ukraine; nhưng trước mắt, ông Trump đã phản đối việc tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine và đã đưa ra một thỏa thuận hòa bình, trong đó đàm phán là ưu tiên chính. 

Sự hỗ trợ của Anh

Cùng với Mỹ và Đức, Anh là một trong những nước viện trợ hàng đầu cho Ukraine. Cho đến nay, Anh đã cam kết hỗ trợ 12,8 tỷ bảng Anh (16,2 tỷ USD) cho Ukraine kể từ tháng 2/2022, trong đó 7,8 tỷ bảng Anh giành cho viện trợ quân sự (riêng năm 2024-2025, đã có 3 tỷ bảng Anh cho viện trợ quân sự).

Anh cung cấp cả vũ khí sát thương và không sát thương, bao gồm xe tăng Challenger 2, hệ thống phòng không và tên lửa tấn công chính xác tầm xa. Mặc dù Anh đã cam kết đào tạo phi công chiến đấu cho Ukraine, nhưng sẽ không cung cấp máy bay chiến đấu.

Anh cũng đang tổ chức một chương trình đào tạo (Chiến dịch Interflex), được hỗ trợ bởi một số đồng minh, giúp Ukraine huấn luyện hơn 51.000 binh sĩ

NATO hỗ trợ tích cực

NATO, với tư cách là một liên minh, đã thể hiện rõ ràng sự ủng hộ chính trị của mình đối với Ukraine và hoàn toàn ủng hộ việc cung cấp viện trợ quân sự song phương. NATO đã giúp điều phối các yêu cầu hỗ trợ từ chính phủ Ukraine và đã hỗ trợ việc cung cấp viện trợ nhân đạo và phi sát thương thông qua "Gói hỗ trợ toàn diện", đã có từ trước.

Vào tháng 7/2024, NATO đã nhất trí đảm nhiệm vai trò lớn hơn trong việc điều phối hỗ trợ quân sự và huấn luyện giữa các đồng minh NATO và sẽ hợp tác với Nhóm liên lạc quốc phòng Ukraine do Mỹ đứng đầu. Các đồng minh cũng đã nhất trí về "khoản tài trợ cơ bản tối thiểu là 40 tỷ euro (42 tỷ USD) hỗ trợ quân sự Ukraine trong năm tới".

Tuy nhiên, Ukraine không phải là thành viên NATO và do đó không tham gia điều khoản phòng thủ chung của NATO theo Điều 5 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Do đó, quân đội NATO sẽ không được triển khai trên bộ tại Ukraine. Các đồng minh cũng đã loại trừ việc áp đặt vùng cấm bay trên không phận Ukraine vì điều này sẽ khiến Nga xung đột trực tiếp với lực lượng liên minh.

Mỹ và phương Tây vượt lằn ranh đỏ tiếp sức cho Ukraine ra sao? - 2

Tổng thống Volodymyr Zelensky trong buổi ra mắt chính thức của tiêm kích F-16 Ukraine ở một căn cứ không xác định (Ảnh: AFP).

Hỗ trợ của EU

Liên minh châu Âu (EU) cũng cung cấp vũ khí phi sát thương và sát thương và huấn luyện thông qua Cơ sở hòa bình châu Âu (EPF). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, khối này chấp thuận cung cấp vũ khí sát thương cho một quốc gia thứ ba.

Cho đến nay, EU đã cam kết tài trợ 11,1 tỷ euro (11,67 tỷ USD) từ Quỹ EPF cho hoạt động hỗ trợ quân sự cho Ukraine, bao gồm 5 tỷ euro cho "Quỹ hỗ trợ Ukraine chuyên dụng", đã được thống nhất vào tháng 3/2024. Việc đạt được thỏa thuận về quỹ đó đã mất nhiều tháng, trong bối cảnh có những bất đồng về quy mô của quỹ và cách thức hoạt động.

Sử dụng lợi nhuận từ tài sản bị phong tỏa của Nga

Các nước G7 và các quốc gia thành viên EU, gần đây đã nhất trí các đề xuất cho phép sử dụng lợi nhuận từ các tài sản bị phong tỏa của Nga, được nắm giữ tại các khu vực pháp lý tương ứng, để hỗ trợ tài chính cho viện trợ quân sự cho Ukraine.

Theo thỏa thuận của EU, đợt tài trợ đầu tiên cho việc mua vũ khí, thông qua Cơ sở Hòa bình châu Âu, đã được huy động vào tháng 7/2024.

Viện Kiehl của Ukraine, dựa trên dữ liệu của Ukraine Support Tracker (Theo dõi hỗ trợ Ukraine), cho biết viện trợ của châu Âu cho Ukraine lớn hơn nhiều so với viện trợ của Mỹ.

Tuy nhiên, như Viện Kiehl đã thừa nhận trong bản cập nhật ngày 16/2/2024, có một khoảng cách đáng kể giữa nguồn tài trợ của châu Âu đã cam kết và nguồn tài trợ thực sự đã được phân bổ hoặc chi tiêu và để thay thế hoàn toàn viện trợ quân sự của Mỹ vào năm 2024, châu Âu sẽ cần phải tăng gấp đôi mức viện trợ vũ khí hiện tại.

Như vậy trên thực tế, nếu Mỹ dừng viện trợ vũ khí cho Ukraine, Kiev sẽ lâm vào tình thế rất khó khăn trên chiến trường.