Ăn Tết trên đường lên Điện Biên
(Dân trí) - Một cái Tết thiếu thốn. Một cái Tết kham khổ. Nhưng đó là một cái Tết đầy niềm tin về thắng lợi, nước nhà độc lập. Một cái Tết đã qua 60 năm nhưng vẫn đọng mãi trong ký ức của những người lính Điện Biên năm xưa.
Đã 60 năm trôi qua, cựu chiến binh Nguyễn Xuân Tính vẫn không quên cái Tết trên đường hành quân lên Điện Biên.
Trong cái tiết trời se lạnh của những ngày cuối Đông, đầu Xuân, chúng tôi tìm đến những người cựu binh đã từng làm nên trận chiến “chấn động năm châu, lừng lẫy địa cầu”. Hầu hết họ đã ở cái tuổi bát thập, chuyện đời lúc nhớ lúc quên nhưng những ngày tháng ở Điện Biên thì vẫn như in trong đầu. Bên ấm nước chè xanh, trong không khí mùa Xuân đang cận kề, cái Tết trên đường tới Điện Biên ùa về. Câu chuyện trở nên ấm áp và rộn ràng hơn...
Nhắc đến Tết, cựu chiến binh Điện Biên Nguyễn Xuân Tính (sư đoàn 312, hiện trú tại phường Trung Đô, Tp Vinh, Nghệ An) dù đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng vẫn háo hức. Mái tóc bạc của người cựu binh rung rung theo tiếng cười. “Đó là cái Tết đặc biệt nhất trong đời tôi. Và cũng là lần duy nhất trong đời tôi đón Tết bằng món… thịt chó”. Sát Tết Giáp Ngọ 1954, sư đoàn 312 được lệnh hành quân từ Phú Thọ lên Điện Biên.
Rét cắt da, cắt thịt, trời âm u, đoàn quân đi trong im lặng để tránh sự phát hiện của địch. Vừa đi, vừa mở đường, tránh các khu vực sinh sống của đồng bào để đảm bảo an toàn. Ngày ấy, gian khổ, thiếu thốn đủ bề. Mỗi chiến sỹ được phát một ruột tượng gạo mang theo người. Đến bữa, hái rau rừng chấm với muối ăn cơm. Bữa nào “ngoại giao” giỏi với đồng bào thì có thể đổi muối lấy lợn nít, anh em mới có tý chất tươi cải thiện.
Nói cho sang vậy thôi chứ một con lợn nít chưa được 1 yến mà phải chia đều cho cả sư đoàn. Bởi vậy, để đảm bảo khẩu phần, anh nuôi quân chỉ biết chia từng miếng thịt nhỏ và nấu thật mặn, mỗi “hạt” thịt "cõng" 4-5 hạt muối. Khó khăn thiếu thốn là vậy nhưng những người chiến sỹ không nao núng tinh thần. Họ cần mẫn mở rừng đi tới với một niềm tin mãnh liệt vào thằng lợi cuối cùng.
Giữa núi rừng hoang sơ, thảng hoặc, ngước lên người lính bắt gặp những cánh đào rừng khoe sắc trong giá lạnh. Cảm giác nhớ nhà, nhớ người thân lại ùa về. Nỗi nhớ ấy càng lớn hơn mỗi khi qua bản, thấy gia đình các đồng bào tấp nập mổ lợn, gói bánh, phơi quần áo đẹp lên vách đá để chuẩn bị đón Tết.
“Ngày ấy, dân công chưa lên nên thức ăn càng khan hiếm. Ngày Tết, dù chẳng ai nói ra nhưng ai cũng thèm một bữa cơm sum họp. Hiểu tâm sự của lính lắm nhưng chỉ huy đơn vị cũng chịu, không biết làm thế nào được khi không đổi lợn được với đồng bào. Đơn vị tôi hồi đó có nuôi một con chó. Suốt ngày nó cứ bám lẳng nhẳng theo đoàn quân. Lúc này, gạo cũng đang dần cạn kiệt, anh em phải ăn dè sẻn hoặc ăn cơm nếp của đồng bào “ủng hộ”, bởi vậy con chó cũng gần như không có gì ăn. Một phần sợ lộ bí mật, một phần muốn cải thiện bữa cơm đầu năm cho anh em, chỉ huy quyết định thịt con chó để đơn vị đón Tết. Lúc đó, đảm bảo sức khỏe và động viên tinh thần cho chiến sỹ là trên hết, chẳng ai nghĩ ngợi gì đến kiêng cữ đâu”, ông Tính kể.
Con chó được “hóa kiếp” đúng đêm 30 Tết. Gia vị cũng chẳng có gì nhiều, chủ đạo vẫn là muối. “Phải gọi là món "muối chó" mới đúng”, ông Tính cười hóm hỉnh. Mỗi người được chia một miếng thịt chó mặn chát, trắng phếch bởi một lớp muối dày bao quanh. So với những ngày chỉ có độc rau dớn, tàu bay hay măng rừng chấm muối thì bữa cơm với “muối chó” thực sự là một bữa tiệc lớn đối với các chiến sỹ trong ngày đầu năm mới. Xong bữa cơm mừng năm mới, đoàn quân lại lên đường. Và sư đoàn 312 cũng là đơn vị có mặt, tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày đầu tiên đến ngày thắng lợi cuối cùng.
Trong khi đó, đại đội 124 (D555, Trung đoàn 151, Sư đoàn 315) của ông Nguyễn Đức Lộc (quê Hưng Dũng, Tp Vinh) lại có một cái Tết ít “dữ dội” hơn. Đơn vị công pháo này đang trên đường tới Điện Biên, đến địa phận xã Tà Khoa (Bắc Yên, Sơn La) cũng là khi trời đất chuyển sang Xuân mới. “Đó là một cái Tết khó quên, một cái Tết đậm tình quân dân, nặng nghĩa đồng bào”, ông Lộc hồi tưởng.
Công việc bắc phà để bộ đội vượt sông ngốn hết thời gian của anh em, chẳng ai còn tâm trí nghĩ đến thời khắc chuyển giao năm mới đang tới gần. Ngày Tết, đồng bào trong khu vực kéo tới đơn vị chúc Tết “anh em bộ đội cụ Hồ”. Chỉ huy đơn vị quyết định dành hẳn một ngày cho anh em nghỉ ngơi đón Tết. “Tết dù thiếu thốn gian khổ nhưng ban chỉ huy cũng kiếm được một con lợn, nếp thì đổi của đồng bào. Cả đơn vị xúm tay vào gói bánh chưng, làm thịt lợn đón Tết. Sáng Mùng Một Tết, chỉ huy đến chúc Tết, động viên anh em cố gắng khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Đồng bào kéo tới chúc Tết đông lắm.
Đơn vị tổ chức thi ném còn với đồng bào. Lính một bên, thanh niên nam nữ địa phương một bên. Bên nào thua thì cởi áo, cởi khăn làm tin, vui lắm. Hết ngày Mùng Một, toàn đơn vị lại tiếp tục công việc bắc phà qua sông. Dù chỉ có một ngày Tết nhưng ai cũng phấn chấn và thêm quyết tâm đánh thắng giặc Pháp”, ông Lộc kể tiếp.
60 cái Tết nữa đã qua. Những cái Tết sau ngày chiến thắng đã đầy đủ hơn, sung túc hơn nhưng những người lính Điện Biên năm xưa vẫn không thể nào quên được lần ăn Tết trên đường ra trận năm ấy. Cái Tết của những ngày gian khổ khó khăn ấy đã trở thành động lực không nhỏ giúp họ vững niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của dân tộc, của mùa xuân vĩnh hằng…
Hoàng Lam