1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

Nghệ An:

26 mộ liệt sĩ bị lãng quên gần nửa thế kỷ

(Dân trí) - 26 ngôi mộ đều có bia ghi rõ họ tên, chức vụ, đơn vị, cấp bậc, quê quán, ngày mất của các liệt sĩ, nhưng lại nằm “vất vưởng”, thảm thương trên một cánh đồng, bị gió mưa và thời gian bào mòn xác xơ.

Gần nửa thế kỷ qua, 26 ngôi mộ liệt sĩ ấy vẫn yên nghỉ trên cánh đồng Mé Mé (còn gọi là nghĩa địa đường tàu) thuộc địa phận xóm Yên Khang, xã Hưng Đông, TP Vinh (Nghệ An), để thời gian và mưa gió tha hồ bào mòn, phá hủy. 26 ngôi mộ lúp xúp như những mô đất nhỏ, nằm lẫn lộn giữa những lăng mộ khác, bị cây cối, cỏ dại mọc lấn lướt, không được ai chăm sóc, thờ cúng.

26 mộ liệt sĩ bị lãng quên gần nửa thế kỷ - 1

Những ngôi mộ liệt sĩ đang nằm khiêm tốn tại cánh đồng Mé Mé.

 

Ông Nguyễn Văn Lập, 71 tuổi, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khối 11, phường Quán Bàu, cho biết: “Những ngôi mộ này có từ lâu lắm rồi, khoảng những năm 1960 gì đó. Khi lớn lên tôi cũng như người dân nơi đây đã thấy những ngôi mộ này…”.

 

Ông Lập kể sau khi ông đi chiến đấu tại chiến trường Tây Nguyên, rồi chiến tranh kết thúc, hoà bình lập lại, ông trở về địa phương và cũng như mọi người, chẳng còn nhớ hay để ý gì đến những ngôi mộ này nữa.

 

Nghỉ hưu rồi ông Lập tham gia hội Cựu chiến binh xóm Yên Hoà, xã Hưng Đông (TP Vinh). Lúc này ông cùng một số cựu chiến binh khác là ông Đặng Chấn Hùng, ông Hoàng Minh Lệ mới có điều kiện khảo sát và lập sơ đồ các ngôi mộ này, lập danh sách những người đang nằm dưới mộ.

 

26 mộ liệt sĩ bị lãng quên gần nửa thế kỷ - 2

Danh sách 26 liệt sĩ ghi theo thông tin trên bia mộ

 

Ông Lập cho biết: “Những ngôi mộ này lâu lắm rồi không được ai tôn tạo, trùng tu nên hầu hết bia mộ đã bị lún 2/3 dưới đất. Anh em cựu chiến binh chúng tôi hằng ngày mang cuốc, thuổng để bới đất, duy tu, chăm sóc… Một số bia chữ cũng đã mờ gần hết, chúng tôi cố gắng rà soát và đọc cẩn thận rồi đưa sách bút chép lại họ tên từng chiến sỹ…”.

 

Sau nhiều ngày tháng cố gắng, sơ đồ mộ cũng như lí lịch trích ngang của 26 liệt sĩ được hoàn thành. Theo đó, có 8 người quê ở Quảng Ngãi, 3 người ở Quảng Nam, 2 người quê Phú Yên, 2 người quê Nghệ An còn lại quê Hà Tĩnh, Hải Dương, Khánh Hòa, Đắc Lắc, Thừa Thiên Huế, KonTum.

 

26 mộ liệt sĩ bị lãng quên gần nửa thế kỷ - 3

Nhiều mộ liệt sĩ nằm rải rác khắp nghĩa trang Mé Mé bị cỏ cây vùi lấp

 

Không cam tâm nhìn những liệt sĩ đã hy sinh vì tổ quốc, nay lại phải nằm dưới đất lạnh cô độc, không người khói hương chăm sóc, sau khi bàn bạc với các đồng chí trong chi hội cựu chiến binh Yên Hoà, ông Lâp, ông Hùng đã gửi toàn bộ những gì thu thập được về 26 ngôi mộ trên lên UBND xã Hưng Đông, Thành đội Vinh, Tỉnh đội Nghệ An, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An, hội Cựu chiến binh Hưng Đông, Thành hội Cựu chiến binh Vinh, Tỉnh hội Cựu chiến binh Nghệ an và Phòng LĐ-TB&XH Vinh, cũng như gửi về các địa chỉ ghi trên mộ và đợi câu trả lời.

 

Một năm, hai năm rồi 6 năm trôi qua, các ông không nhận được hồi âm. Duy chỉ có gia đình liệt sĩ Hồ Ái (ở xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) đến và đưa liệt sĩ Ái về quê an táng; ngoài ra có một liệt sĩ nữa cũng được trở về với người thân năm 2006.

 

Tháng 7/2009, ông Lập tiếp tục gửi hồ sơ đi các cơ quan chức năng về thực trạng những ngôi mộ liệt sĩ trên.

 

Ông Bùi Nguyên Lân - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Nghệ An - cho biết: Sở đã nhận được hồ sơ của ông Lập gửi đến và đã chỉ đạo thành phố xem xét, rà soát hồ sơ. Nếu đúng là mộ liệt sĩ sẽ quy tập về nghĩa trang liệt sĩ thành phố.
 

26 mộ liệt sĩ bị lãng quên gần nửa thế kỷ - 4
Những ngôi mộ liệt sĩ bị bỏ quên, để mặc cho thời gian và nắng mưa phá hủy.

 

Giải thích cho việc hồ sơ đã nhận được từ năm 2002 nhưng đến thời điểm này mới bắt đầu rà soát, kiểm tra, ông Lân cho biết: “Năm 2002, Sở cũng đã nhận được hồ sơ và giao cho Phòng LĐ-TB&XH TP Vinh giải quyết. Nhưng có lẽ do Nghị định 28 về người có công của Bộ LĐ-TB&XH (năm 1995) nêu rõ không được di dời các phần mộ liệt sĩ trong các nghĩa trang nên thành phố đã không làm. Hiện nay, Nghị định 28 đã được sửa đổi thành Nghị định 51, cho phép di dời các phần mộ, nên thành phố mới giải quyết được.

 

Anh Nguyễn Văn Tú, chuyên viên Phòng LĐ-TB&XH thành phố Vinh cho biết: "Sau khi nhận được hồ sơ, Phòng đã báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của UBND thành phố Vinh và phối hợp với Ban chỉ huy quân sự thành phố cùng UBND phường Quán Bàu, Chi Hội Cựu chiến binh khối 11, phường Quán Bàu, trực tiếp kiểm tra thực tế các ngôi mộ tại nghĩa trang Mé Mé; đồng thời làm việc với UBND xã Hưng Đông để có thêm thông tin.

26 mộ liệt sĩ bị lãng quên gần nửa thế kỷ - 5
Ông Nguyễn Văn Lập và một số cựu chiến binh khác hằng ngày vẫn đến chăm sóc cho những phần mộ liệt sĩ bị lãng quên ở nghĩa trang Mé Mé.

Qua kết quả kiểm tra và báo cáo của UBND xã Hưng Đông và Hội Cựu chiến binh phường Quán Bàu thì đó là mộ của những người mất từ trước năm 1961, được chuyển về từ nhiều nơi, quy tập thành một điểm. Theo những người cao tuổi nơi đây thì khu vực này hồi chiến tranh có bệnh xá của bộ đội đóng quân tại đây. Căn cứ vào các thông tin trên bia mộ, đối chiếu với các văn bản pháp quy của Nhà nước thì chưa đủ cơ sở khẳng định các ngôi mộ tại nghĩa trang Mé Mé là mộ liệt sĩ để giải quyết theo quy định hiện hành.

 

Đồng thời Phòng LĐ-TB&XH TP Vinh đã tham mưu cho UBND thành phố, Sở LĐ-TB&XH và Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Nghệ An lập thông báo theo các thông tin ghi trên các bia mộ gửi đến Sở LĐ-TB&XH, Bộ Chỉ huy quân sự các tỉnh trên và đề nghị các Sở của các tỉnh này cho kiểm tra, rà soát, sao lục hồ sơ lưu trữ của các đối tượng để có cơ sở khẳng định thống nhất.

 

Nếu đúng các ngôi mộ trên là mộ liệt sĩ sẽ phối hợp với các tỉnh đó thực hiện đúng quy định tại Thông tư liên tịch số 14/2009 ngày 18/5/2009 của Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính về công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, quản lý mộ, nghĩa trang, đài tưởng niệm và bia ghi tên liệt sĩ".

 

Nguyễn Duy - Hoàng Lam