AI đang thay đổi cách con người tương tác với thế giới
(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho rằng, những đột phá về trí tuệ nhân tạo và khoa học công nghệ đang thay đổi cách con người tương tác với thế giới.
Cách mạng 4.0 đang tạo ra những biến đổi trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực
Chiều 28/5, tại Hải Phòng đã diễn ra Diễn đàn Logistics vùng lần thứ V - năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi số - động lực mới thúc đẩy tăng trưởng vùng đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2024".
Diễn đàn do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và UBND TP Hải Phòng chỉ đạo; Sở Công Thương Hải Phòng, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Logistics Hải Phòng (HPLA) đồng tổ chức.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Sinh Nhật Tân, Thứ trưởng Bộ Công Thương, cho biết trong giai đoạn vừa qua, vùng đồng bằng sông Hồng luôn duy trì được tốc độ tăng trưởng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế mạnh.
Riêng trong năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của vùng đạt 6,28%, đứng thứ 3/6 vùng kinh tế (sau vùng trung du và miền núi phía Bắc và vùng đồng bằng sông Cửu Long).
GRDP bình quân đầu người của vùng đạt 131,9 triệu đồng, đứng thứ 2 cả nước (sau vùng Đông Nam Bộ). Kim ngạch xuất nhập khẩu toàn vùng đạt trên 260 tỷ USD, cao nhất trong 6 vùng kinh tế, chiếm 38% kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
Theo ông Tân, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tạo ra những biến đổi trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực khác nhau. Những đột phá về trí tuệ nhân tạo và khoa học công nghệ đang thay đổi cách con người tương tác với thế giới và mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp thực hiện tối ưu hóa quy trình, tăng hiệu suất, giảm chi phí.
"Là một trong những ngành then chốt, logistics cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Theo đó, logistics cần được đầu tư kỹ lưỡng, đặc biệt trong khía cạnh "chuyển đổi số" để có thể đáp ứng và thích nghi với bối cảnh thị trường. Từ đó giúp giảm chi phí logistics, nâng cao chất lượng dịch vụ và hỗ trợ tối đa thúc đẩy sự phát triển của các ngành nghề khác", ông Tân chia sẻ tại diễn đàn.
Logistics là xương sống của nền kinh tế
Theo ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch VCCI, lợi ích mang lại từ chuyển đổi số là rất rõ ràng. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics ở Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn cả ở cấp độ vĩ mô và vi mô, cả ở các cơ quan quản lý nhà nước, địa phương và doanh nghiệp.
Theo ông Công, khảo sát tại báo cáo logistics năm 2023 của Bộ Công Thương cho thấy, có 90,5% các doanh nghiệp dịch vụ logistics tham gia khảo sát đang còn ở giai đoạn số hóa, bao gồm cấp độ 1 là tin học hóa và cấp độ 2 là kết nối. Trong đó, phần lớn các doanh nghiệp đang ở cấp độ 2 (73,5%).
Chỉ có 5% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 3 là trực quan hóa, 2,2% ở cấp độ 4 là minh bạch hóa. Đặc biệt, chỉ có 1,9% doanh nghiệp dịch vụ logistics đã tiến lên cấp độ 5 là có khả năng dự báo.
Một con số rất "khiêm tốn" là 0,4% doanh nghiệp đạt đến cấp độ cao nhất, cấp độ 6 là có khả năng thích ứng.
Ông Công nhấn mạnh, logistics được coi là xương sống của nền kinh tế. Chuyển đổi số đang không còn là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu của ngành logistics trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Sự phát triển của thị trường logistics tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp dịch vụ logistics nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua ứng dụng công nghệ số.
Phát biểu tại diễn đàn, ông Nguyễn Đức Thọ - Phó Chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết, Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng. Hải Phòng còn là trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Theo ông Nguyễn Đức Thọ, Hải Phòng hội tụ đủ yếu tố cần thiết để trở thành một trong những đầu mối logistics quan trọng, trung tâm phân phối, trung chuyển hàng hóa đa phương thức kết nối vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ với cả nước, khu vực và quốc tế.
Ông Thọ nhấn mạnh, TP Hải Phòng đang tập trung xúc tiến và thu hút đầu tư theo hướng phát triển ba trụ cột kinh tế gồm: công nghiệp - công nghệ cao, cảng biển - logistics, du lịch - thương mại.
Cũng tại diễn đàn, các đại biểu đã đưa ra những đánh giá độc lập, đa chiều về định hướng phát triển logistics của vùng đồng bằng sông Hồng nói chung cũng như TP Hải Phòng nói riêng; nhận diện những điểm nghẽn; nhận định xu hướng chuyển đổi số logistics từ các bài học quốc tế kết hợp thực tiễn phù hợp điều kiện của vùng;...