Hà Nội ô nhiễm, ùn tắc, quá tải vì dân số tăng 200.000 người mỗi năm
(Dân trí) - Từ một điều khoản luật bị "vô hiệu", mỗi năm Hà Nội tăng dân số cơ học khoảng 200.000 người, tạo sức ép vô cùng to lớn lên kết cấu hạ tầng của thành phố.
Thực tế này được đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (Hà Nội) đưa ra khi góp ý kiến thảo luận dự án Luật Thủ đô sửa đổi, chiều 28/5.
Theo ông, thời gian qua, khi triển khai cụ thể hóa các cơ chế, chính sách được định hướng quy định trong Luật Thủ đô năm 2012, có nhiều nội dung vướng quy định pháp luật có liên quan dẫn đến không mang tính khả thi, mất đi tính đặc thù vượt trội cần thiết và không thể triển khai được.
"Khi Luật Thủ đô năm 2012 được thông qua, Bí thư Thành ủy Hà Nội khi đó là đồng chí Phạm Quang Nghị đã rất kiên quyết, kiên trì bảo vệ điều khoản liên quan đến điều kiện cư trú để làm giảm việc tăng dân số cơ học ở Thủ đô. Đây chính là ưu điểm vượt trội", ông Thường nhắc lại.
Song vị đại biểu cho biết khi Luật Cư trú và các nghị định hướng dẫn được áp dụng đã gần như xóa sổ điều này trong Luật Thủ đô.
"Chính từ điều khoản bị vô hiệu này, mỗi năm Thủ đô tăng thêm dân số cơ học khoảng 200.000 người, tạo sức ép vô cùng to lớn lên kết cấu hạ tầng của thành phố. Từ đây, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, quá tải trường học làm ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của thủ đô", đại biểu Nguyễn Phi Thường nói.
Ông nhấn mạnh Luật Thủ đô là một đạo luật có tính chất đặc biệt, đặc thù, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố được thực hiện một số thẩm quyền mà các luật hiện hành khác đang giao cho Chính phủ, Thủ tướng hay các cơ quan khác ở trung ương thực hiện.
Do đó, không thể tránh khỏi có trường hợp cùng một vấn đề, đồng thời có cả trong các văn bản quy định chi tiết hay thực hiện thẩm quyền Luật Thủ đô giao và quy định trong các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng và các bộ chuyên ngành.
"Trong trường hợp này, cần xác định rõ văn bản được ban hành theo quy định của Luật Thủ đô được áp dụng để minh bạch hóa, tạo sự yên tâm cho các chủ thể trong quá trình thi hành pháp luật", ông Thường nhấn mạnh.
Về quy hoạch, dự thảo luật quy định đất tại bãi sông, bãi nổi ở Hà Nội có thể được sử dụng để đầu tư xây dựng các công trình phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa, phát triển nông nghiệp sinh thái kết hợp tham quan, giáo dục trải nghiệm, du lịch trải nghiệm để phát huy, khai thác có hiệu quả tiềm năng về quỹ đất, vị trí địa lý, không gian văn hóa ở các khu vực này.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng đất hai bên bờ sông Hồng và bãi bồi giữa sông Hồng là vùng đất hầu như chưa được đưa vào sử dụng, nếu đưa vào được có thể là nơi sống, làm việc cho hàng triệu người.
Tuy nhiên, theo ông cần tiếp tục hoàn thiện hơn nội dung này và đặc biệt cần quy hoạch thật tốt về mọi mặt. "Hy vọng thành phố Hà Nội sớm triển khai để đưa được một khu vực tiềm năng và tươi tốt ở sông Hồng vào sử dụng", ông Trí nói.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng đề nghị Hà Nội cân nhắc quy định đầu tư xây dựng các dự án ở bãi bồi và bãi nổi sông Hồng vì đây là khu vực tự nhiên, xây dựng có thể ảnh hưởng tới vấn đề dòng chảy và có thể tác động đến vấn đề biến đổi khí hậu.
"Hà Nội không nhất thiết phải sử dụng bãi sông, bãi bồi, bãi nổi ở sông Hồng để xây dựng khu trung tâm công nghiệp văn hóa vì sẽ ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và sinh hoạt của người dân rất lớn", ông Hòa nói.
Dự thảo Luật Thủ đô sửa đổi sau khi tiếp thu, chỉnh lý, gồm 7 chương và 54 điều (giảm 5 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội, trong đó bỏ 7 điều, bổ sung mới 2 điều.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua dự án luật này tại kỳ họp thứ 7.