1. Dòng sự kiện:
  2. Tổng thống Nga Putin thăm Việt Nam
  3. Metro số 1 TPHCM

Sẵn sàng cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc

Thế Kha

(Dân trí) - Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đảm bảo nguồn lực để sẵn sàng triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.

Ngày 28/5, Bộ Tư pháp tổ chức cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai Chỉ thị số 23/2023 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính cấp phiếu lý lịch tư pháp tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Ông Phạm Quang Đại, Phó giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia, cho biết Bộ Tư pháp đã ban hành kế hoạch triển khai chỉ thị; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về quyền yêu cầu cấp phiếu, hạn chế tình trạng lạm dụng phiếu lý lịch tư pháp.

Sẵn sàng cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc - 1

Ông Phạm Quang Đại, Phó giám đốc Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (Ảnh: Thu Nga).

Tính đến ngày 24/5, Hà Nội đã tiếp nhận gần 12.600 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, trong đó trên 4.700 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu qua ứng dụng định danh điện tử VNeID (chiếm 37,9%); tra cứu tại cơ quan công an 3.300 hồ sơ.

Tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp nhận 1.260 hồ sơ yêu cầu cấp phiếu qua VNeID/1.800 hồ sơ yêu cầu (chiếm 70%); tra cứu tại cơ quan công an 556 hồ sơ.

Theo ông Đại, để khuyến khích người dân thực hiện cấp phiếu lý lịch tư pháp trên VNeID, Hà Nội đã ban hành chính sách hỗ trợ 100% phí cho mọi đối tượng.

Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia phối hợp với Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp), C06 - Bộ Công an và Hà Nội, Thừa Thiên Huế (2 địa phương thí điểm) giải quyết một số vấn đề phát sinh về kỹ thuật.

Sẵn sàng cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc - 2

Phiếu lý lịch tư pháp số 1 và số 2 (Ảnh minh họa).

Sắp tới trung tâm sẽ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, cơ quan, tổ chức về quyền yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp, hạn chế tình trạng lạm dụng cấp phiếu này.

Một số nghị định, quy chế quản lý, sử dụng và khai thác cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp… cũng được rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi.

Đáng chú ý, ông Đại nói sẽ đề xuất kết nối, chia sẻ thông tin giữa Cơ sở dữ liệu Lý lịch tư pháp với Cơ sở dữ liệu của cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan công an, Bộ Quốc phòng, TAND tối cao, VKSND tối cao theo yêu cầu Đề án 06.

Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc yêu cầu Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân, tổ chức và tiến hành sơ kết Chỉ thị 23.

Ông Ngọc nhấn mạnh phải đảm bảo nguồn lực để sẵn sàng triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp qua phần mềm VNeID trên toàn quốc.

Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị tòa án tuyên bố phá sản.

Phiếu gồm 2 loại: Phiếu lý lịch tư pháp số 1 cấp cho cá nhân, cơ quan, tổ chức quy định tại khoản 1 và khoản 3 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009.

Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cấp cho cơ quan tiến hành tố tụng quy định tại khoản 2 Điều 7 Luật Lý lịch tư pháp 2009 và cấp theo yêu cầu của cá nhân để người đó biết được nội dung về lý lịch tư pháp của mình.

Trong thời gian dài, dư luận bức xúc khi những người hành nghề lái xe công nghệ, chạy Grab, xin việc ở khu công nghiệp,… cũng phải nộp phiếu này.