DMagazine

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương

(Dân trí) - "Với vẻ ngoài hiền lành, dễ thương như một chú chó cảnh, nhưng chỉ cần hiệu lệnh từ người huấn luyện, Cảnh khuyển sẽ "đổi trạng thái", trở thành "vũ khí" đáng gờm", Thiếu úy Vũ Thế Khang nói.

- "Tấn công!"

Chú cảnh khuyển tên Ka lao với tốc độ "tên bắn" về phía mục tiêu, dùng mồm cắn, xé, tấn công đối tượng, kiên quyết không nhả.

Đối nghịch với vẻ ngoài hiền lành, dễ thương như một chú chó cảnh, chỉ cần hiệu lệnh từ người huấn luyện, Ka sẽ "đổi trạng thái", trở thành "vũ khí" đáng gờm.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 1

Thiếu úy Vũ Thế Khang (Tổ huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ thuộc Đội Kỹ thuật bảo vệ 1, Phòng Kỹ thuật bảo vệ, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) là cán bộ huấn luyện và sử dụng "chủ" của Ka. Anh Khang nhận Ka từ năm 2021, khi Ka khoảng hơn một tuổi.

"Ka không chỉ là một chú chó thân thiện, một cảnh khuyển, mà với tôi, Ka như một đứa trẻ, một người bạn thân, một đồng chí đồng đội luôn kề vai sát cánh khi làm nhiệm vụ", Trung úy Khang chia sẻ với phóng viên Dân trí về chiến sĩ cảnh vệ 4 chân của anh.

Giới thiệu về Ka, Thiếu úy Khang cho biết chú chó của anh là giống Cocker Tây Ban Nha, được đánh giá là một trong những loài cảnh khuyển thông minh nhất thế giới. Ka được huấn luyện chuyên tìm kiếm, phát hiện chất nổ và phát hiện vũ khí.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 3

Chú cảnh khuyển chân ngắn cùng các đồng đội làm nhiệm vụ tại lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ.

"Là giống chó săn, với bản tính tò mò, ham thích sục sạo và đặc biệt là khứu giác vô cùng nhạy bén, với những thế mạnh đó, Ka rất phù hợp làm nhiệm vụ này", anh Khang nói.

Chỉ cách đây vài tuần, Thiếu úy Khang cùng người bạn nhỏ này nhận nhiệm vụ đảm bảo an ninh, an toàn chuỗi sự kiện Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ tại tỉnh Điện Biên.

Trong thời gian diễn ra sự kiện, người dân địa phương rất bất ngờ và thích thú khi thấy hình ảnh một chú chó đáng yêu, chân ngắn nổi bật trong đội hình cảnh khuyển kiểm soát an ninh.

Hình ảnh của Ka sau đó cũng gây bão trên mạng xã hội.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 4

Anh Khang hóm hỉnh chia sẻ, vẻ ngoài của Ka thật sự đã đánh lừa hầu hết mọi người khi tiếp xúc.

"Có lần tôi dẫn theo Ka ra Công viên Thống Nhất chạy bộ, vài người ở đó nói với tôi "nó bé mà sao bắt nó chạy nhiều vậy" mà họ không biết rằng đó là một trong những bài tập rèn luyện thể lực thường xuyên của Ka. Sau khi được tôi và Ka biểu diễn một vài tuyệt chiêu cơ bản, tất cả những người chứng kiến đều trầm trồ vỗ tay thán phục". Thiếu úy Khang nói.

Thực tế, chân ngắn không phải là điểm yếu mà thậm chí còn là "vũ khí" riêng biệt của Ka so với những đồng đội 4 chân khác.

Theo anh Khang, với thân hình thấp bé nhỏ gọn, Ka dễ dàng chui, luồn lách để kiểm tra tìm kiếm tại những điểm chật hẹp, bò trườn vào những nơi thấp để rà soát, phát hiện chất nổ. Lợi thế này của Ka rất đặc biệt, thường xuyên được sử dụng trong các kỳ, cuộc bảo vệ của lực lượng cảnh vệ.

Bên cạnh đó, Ka thường là chú chó được ưu tiên lựa chọn hàng đầu để kiểm tra tìm kiếm phát hiện chất nổ trong các sự kiện đặc biệt quan trọng, những phòng VIP... do có ngoại hình ưa nhìn, sạch sẽ, tính cách thân thiện.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 6

Trung úy Nguyễn Minh Đức gia nhập lực lượng Cảnh vệ từ năm 2015. Với tình yêu với những chú chó từ bé, Trung úy Đức luôn ấp ủ trong lòng được nhận huấn luyện, đào tạo và sử dụng cảnh khuyển.

Đến năm 2018, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tuyển chiến sĩ mới cho tổ huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ, Trung úy Đức lập tức đăng ký. Kể từ giây phút đó, Trung úy Đức cảm thấy rất may mắn khi được làm việc với niềm đam mê của mình.

"Công việc lúc này với tôi thật sự mang lại niềm vui và ý nghĩa", anh Đức nói.

Trong 6 năm công tác tại Phòng Kỹ thuật bảo vệ, Trung úy Nguyễn Minh Đức đã nhận huấn luyện 2 chú chó nghiệp vụ.

Cảnh khuyển đầu tiên của anh Đức tên Bon, cùng là giống chó Cocker Tây Ban Nha giống Ka nhưng có bộ lông màu đen. Bon và anh Đức từng tham gia bảo vệ rất nhiều sự kiện quan trọng, đặc biệt là Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Hà Nội năm 2019.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 8

Sau khoảng thời gian làm nhiệm vụ, anh Đức và các chỉ huy nhận thấy Bon đã xuống sức, không còn đủ năng lực để đảm bảo chuyên môn nên được giải nghệ.

Tháng 8/2023, Trung úy Nguyễn Minh Đức nhận huấn luyện David - chú chó nghiệp vụ giống Malinois (Bỉ).

"Mỗi giống chó, thậm chí là mỗi một con chó có một thần kinh, tính cách, ưu điểm đặc điểm riêng, phụ thuộc vào hệ thần kinh, thể trạng, sức khỏe... từng con. Đối với David, tôi đánh giá nó có sự khác biệt so với các bạn nhỏ kia (Ka, Bon - PV)", anh Đức nói.

Chó nghiệp vụ lao như "tên bắn", khống chế tội phạm chưa đầy 1 phút (Video: Minh Quang).

Theo anh Đức, David có tính kỷ luật cao hơn, đồng thời có vẻ ngoài hung dữ, tính cách "cứng" hơn do thuộc giống chó Becgie. Sau quá trình huấn luyện, sự kết nối giữa cán bộ huấn luyện và chó nghiệp vụ, anh Đức đánh giá David có năng lực ngửi và đặc biệt có uy lực tấn công mạnh mẽ.

Chia sẻ về công việc chăm sóc một cảnh khuyển, Trung úy Đức cho biết chó nghiệp vụ có mục đích sử dụng là phục vụ cho công tác cảnh vệ, vì vậy chế độ ăn của chó được chỉ huy đơn vị và cán bộ huấn luyện quan tâm.

"Nếu như chó nhà, chủ ăn gì có thể cho chó ăn cái đó thì với chó nghiệp vụ hoàn toàn khác. Chúng tôi phải chú ý đến cơ cấu thành phần chất lượng dinh dưỡng của từng bữa ăn, như định lượng chất đạm, chất xơ, tinh bột... thậm chí là cả vitamin và áp dụng cho thể trạng của từng con. Nếu vitamin trong thức ăn không đủ, chúng tôi sẽ bổ sung cho chó thông qua thực phẩm chức năng.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 10

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đánh giá những yếu tố như thời tiết, cường độ tập luyện, công việc... để cân đối bồi bổ thêm dinh dưỡng, thực phẩm vào khẩu phần ăn cho  chó nghiệp vụ.

Ngoài ra, định kỳ, chúng tôi còn cho các chú cảnh khuyển uống thuốc tẩy giun, chăm sóc lông và da", Trung úy Đức nói.

Không chỉ là cán bộ huấn luyện chuyên môn, chăm sóc ăn uống, Trung úy Đức và đồng đội còn kiêm thêm một vai là bác sĩ thú y cho từng chú chó do mình trực tiếp huấn luyện.

Theo anh Đức, sau thời gian gắn bó, cán bộ huấn luyện sẽ luôn hiểu được cảnh khuyển của mình đang gặp vấn đề gì về sức khỏe thông qua các triệu chứng bên ngoài. Tuy nhiên, vốn là một "chiến sĩ", những chú cảnh khuyển có một nền tảng sức khỏe rất tốt, thường xuyên duy trì luyện tập nâng cao thể lực, làm việc ổn định, hiếm khi ốm và thường chỉ bị thương trong quá trình huấn luyện, làm nhiệm vụ.

"Với tôi, mối quan hệ với David hay Bon không chỉ là thầy - trò, mà tôi coi nó như một người bạn, thậm chí là người con, người em thân thiết của mình", Trung úy Đức chia sẻ.

Kể về kỷ niệm với Bon, anh Đức nhớ lại thời gian mới bắt đầu đi đào tạo và nhận huấn luyện chú chó này.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 12

"Khi đó tôi tham gia huấn luyện Bon tại Trung tâm huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ ở Sóc Sơn, nằm trên đồi. Thiết kế của trung tâm là khu vực của cán bộ nằm ở chân đồi, còn khu nuôi nhốt chó nghiệp vụ ở trên đỉnh đồi. Ở khu nhốt chó có hệ thống nước lọc dành riêng cho chúng nhưng tôi cứ lo nước không đảm bảo vệ sinh và có cảm giác không yên tâm.

Vậy là đều đặn, tôi bỏ tiền túi mua thùng nước lọc tinh khiết 20 lít, cõng từ chân đồi lên đỉnh đồi để Bon uống. Khi đó, mọi người trong trung tâm đều cảm thấy hành động đó của tôi hơi khó hiểu", anh Đức cười, nói.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 14

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Trung tá Vương Văn Hoàng (Đội trưởng Đội Kỹ thuật bảo vệ 1) đã chia sẻ về hành trình gian truân, đầy chông gai của Tổ huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ.

Theo Trung tá Hoàng, trước năm 2000, Cảnh vệ Việt Nam chưa có khái niệm sử dụng chó nghiệp vụ phục vụ công tác cảnh vệ. Đến tháng 11/2000, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Mỹ, lực lượng an ninh nước bạn đã yêu cầu có chó nghiệp vụ kiểm tra an ninh tại các điểm mà Tổng thống Mỹ hoạt động trong suốt thời gian thăm và làm việc tại Việt Nam; đồng thời đề nghị cho cảnh khuyển của đoàn bảo vệ Mỹ sang Việt Nam làm nhiệm vụ.

Đối với các nước như Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức..., khi nguyên thủ sang thăm và làm việc tại Việt Nam, lực lượng an ninh nước bạn cũng yêu cầu sử dụng chó nghiệp vụ tham gia công tác bảo vệ.

Xuất phát từ thực tế đó, Thiếu tướng Lê Văn Kính (nguyên Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ) đã giao Phòng Kỹ thuật bảo vệ nghiên cứu, sử dụng chó nghiệp vụ như một biện pháp kỹ thuật bảo vệ.

"Thời điểm đó, chó nghiệp vụ hoàn toàn mới với Cảnh vệ Việt Nam. Thậm chí chúng tôi còn chưa hình dung được chó nghiệp vụ sẽ làm những nhiệm vụ gì và làm như thế nào", Trung tá Hoàng kể.

Tháng 4/2004, 3 cán bộ đầu tiên được Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tuyển chọn, đưa đi đào tạo tại Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Tổng cục Cảnh sát Bộ Công an). Tuy nhiên, kết thúc khóa huấn luyện chỉ còn duy nhất một cán bộ trụ được với nghề và công tác trong Tổ huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ từ đó đến nay, là Trung tá Vương Văn Hoàng.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 16

"Khi đó, quyền Trưởng phòng Kỹ thuật bảo vệ Đỗ Văn Giảng gọi tôi lên để bàn bạc xem có nên sử dụng chó nghiệp vụ làm một biện pháp cảnh vệ hay không, vì thực tế công tác tuyển chọn cán bộ thực hiện nhiệm vụ huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ rất khó khăn. Một là bỏ hẳn không sử dụng chó nghiệp vụ nữa, 2 là tiếp tục nghiên cứu phát triển.

Tôi đã phân tích, báo cáo chó nghiệp vụ là một biện pháp cảnh vệ rất hiệu quả, nhiều nước trên thế giới dù công nghệ phát triển hơn mình rất nhiều nhưng vẫn sử dụng chó nghiệp vụ. Thậm chí, có nước bay nửa vòng trái đất vẫn mang theo chó nghiệp vụ. Tại sao mình mới chập chững tìm hiểu đã dừng? Tôi đã mạnh dạn đề xuất quyền Trưởng phòng là cần phải nghiên cứu sâu hơn", Trung tá Hoàng kể lại.

Sau đó, anh Hoàng được chỉ huy Phòng giao nhiệm vụ tìm nguồn cán bộ để giới thiệu cho lãnh đạo Bộ Tư lệnh bố trí đưa đi đào tạo, huấn luyện. Tuy nhiên, công tác tuyển chọn, đào tạo, huấn luyện cán bộ tiếp tục gặp khó khăn khi 70% cán bộ được tuyển chọn đi huấn luyện, đào tạo đều xin chuyển công tác.

"Cán bộ huấn luyện phải có đức tính kiên trì, trung thành, am hiểu đặc tính của chó. Quá trình huấn luyện rất vất vả; để huấn luyện được một chú chó nghiệp vụ, ngoài tình yêu động vật, người cán bộ phải thực sự đam mê, thực sự yêu thích công việc; không ngại khó, ngại bẩn, phải gần gũi, ôm ấp, yêu thương chúng thì mới có thể làm việc được.

Thiếu một trong những yếu tố đó thì rất khó để có được thành công, rất khó để gắn bó lâu dài với nhiệm vụ", Trung tá Hoàng nói.

Tuy nhiên, vị Đội trưởng không bỏ cuộc. Anh tiếp tục kiên trì tìm kiếm những người phù hợp. Đến năm 2018, 2 chiến sĩ mới gia nhập Tổ động vật nghiệp vụ. Theo đánh giá của Trung tá Hoàng, 2 cán bộ này "anh rất ưng" vì họ rất yêu động vật, có tinh thần trách nhiệm với công việc và  có chuyên môn rất tốt.

Từ 2 chú chó đầu tiên vào năm 2004, có 1 chuyên khoa phát hiện thuốc nổ, đến nay Tổ động vật nghiệp vụ có biên chế 14 chó nghiệp vụ với 4 chuyên khoa: Phát hiện thuốc nổ, phát hiện vũ khí, phát hiện ma túy, bảo vệ và truy vết mùi hơi người.

Theo Trung tá Hoàng, hiện nay chó nghiệp vụ của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ được cấp bởi Trung tâm huấn luyện và sử dụng động vật nghiệp vụ (Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động Bộ Công an). Mỗi cảnh khuyển trước khi được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đều đã trải qua thời gian huấn luyện, đào tạo tại trung tâm và được cấp chứng chỉ.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 18

Tuy nhiên, do đặc thù công tác cảnh vệ, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mỗi chú chó nghiệp vụ khi nhận về, Đội Kỹ thuật bảo vệ 1 phải tiếp tục đào tạo, huấn luyện thêm  một năm theo giáo trình riêng do Phòng Kỹ thuật bảo vệ nghiên cứu, xây dựng.

Tại Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, cảnh khuyển đang được đào tạo ở 4 chuyên khoa: Phát hiện chất nổ; Phát hiện ma túy; Phát hiện vũ khí; Bảo vệ và truy vết mùi hơi người. Trong đó, Phát hiện vũ khí là chuyên khoa do Phòng Kỹ thuật bảo vệ tự nghiên cứu, phát triển, đào tạo và là đơn vị duy nhất trên toàn quốc thực hiện và đã thành công.

"Khác với chó nghiệp vụ thông thường, cảnh khuyển cảnh vệ phải khéo léo, tinh tế. Môi trường làm việc của chó nghiệp vụ của lực lượng Cảnh vệ thường là ở những phòng VIP, địa điểm VIP, là những hành lý chuyên cơ...

Đối với phát hiện chất nổ, chó cảnh vệ được huấn luyện không được sủa, không gây tiếng động cào bới đồ vật bởi các bẫy có thể sử dụng âm thanh hoặc bật nổ để kích nổ. Hay đối với ma túy, chó cảnh vệ sẽ buộc phải tìm ra chất cấm với số lượng rất nhỏ, rất ít. Còn khi kiểm tra phòng VIP, cảnh khuyển tuyệt đối không được động, chạm vào bất kỳ đồ đạc, luôn phải nhẹ nhàng, tránh hư hỏng, đổ vỡ", Trung tá Hoàng nói.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 20

"Có được Tổ huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ với biên chế 14 cán bộ, chiến sĩ như hôm nay là sự quan tâm, chăm lo rất nhiều của lãnh đạo Bộ Tư lệnh Cảnh vệ", Trung tá Hoàng nói.

Theo anh Hoàng, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Cảnh vệ đánh giá rất cao hiệu quả sử dụng chó nghiệp vụ trong công tác cảnh vệ.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 22

Trung tá Hoàng kể, năm 2021, Trung tướng Trần Hải Quân đã chỉ đạo tổ chức một buổi báo cáo thực tế, yêu cầu sử dụng những thiết bị tìm kiếm chất nổ hiện đại nhất, so sánh với chó nghiệp vụ để đánh giá.

"Tư lệnh đã yêu cầu tất cả các Trưởng phòng chuyên môn của Bộ Tư lệnh tham gia, chứng kiến. Khi đó, Trung tướng Trần Hải Quân cho kiểm tra với 3 mô hình: Phương tiện giao thông, hành lý chuyên cơ và mô hình thực tế", Trung tá Hoàng cho biết.

Và kết quả với khả năng nhạy bén, chó nghiệp vụ đã có nhiều kỹ năng vượt trội so với các thiết bị kiểm tra an ninh. Trong đó, chú chó phát hiện chất nổ nhanh nhất chỉ mất khoảng 5 giây. Từ kết quả kiểm tra thực tế, Tư lệnh Cảnh vệ đã yêu cầu phải quan tâm đầu tư phát triển Tổ huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ, chỉ đạo Phòng Kỹ thuật bảo vệ đào tạo chuyên sâu và tuyển thêm cán bộ.

Chia sẻ thêm, Trung tá Hoàng cho biết đích thân Trung tướng Trần Hải Quân là người yêu cầu Phòng Kỹ thuật bảo vệ bổ sung huấn luyện chuyên khoa Phát hiện ma túy đối với chó nghiệp vụ và chuyên khoa "độc quyền" của Bộ Tư lệnh Cảnh vệ - Phát hiện vũ khí - cũng là ý tưởng của ông.

Ngoài ra, nhận thấy sử dụng chó nghiệp vụ có nhiều ưu thế vượt trội mà các biện pháp kỹ thuật khác chưa đạt được như khả năng kiểm tra an ninh trên diện rộng, thông qua nguồn hơi để phát hiện đối tượng xâm nhập vào mục tiêu bảo vệ với độ chính xác cao, Tư lệnh Cảnh vệ đã chỉ đạo tăng phạm vi hoạt động của chó nghiệp vụ tại 4 mục tiêu bảo vệ trọng yếu, gồm Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Trung ương Đảng.

Kể với phóng viên, Trung tá Nguyễn Văn Đính (Tổ trưởng Tổ huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ) cho biết Trung tướng Trần Hải Quân trực tiếp xuống khu vực nuôi dưỡng, huấn luyện chó nghiệp vụ để thăm, kiểm tra, thậm chí đã xuống 2 lần mà không báo trước.

Cảnh khuyển trong phòng VIP và bí mật đằng sau vẻ ngoài dễ thương - 24

Theo Trung tá Đính, khi kiểm tra phòng ở của các cán bộ, cho rằng chỗ ăn nghỉ của các anh em chưa tốt, vì vậy, mặc dù đã 23 Tết Âm lịch, lãnh đạo Bộ Tư lệnh yêu cầu đơn vị chức năng phải nhanh trang bị một số điều kiện cơ sở vật chất phục vụ sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ tổ huấn luyện và sử dụng chó nghiệp vụ; đồng thời yêu cầu mọi việc phải xong trước Tết.

Đồng thời, ông cũng trực tiếp chỉ đạo các bộ, chiến sĩ của đội tự nghiên cứu, đề xuất mẫu trang phục, trang thiết bị từ quần áo, mũ, kính... cho phù hợp, thuận tiện khi làm nhiệm vụ.

"Trung tướng Trần Hải Quân từng nói với các anh em đơn vị: "Chó nghiệp vụ cảnh vệ là chó ngửi, chó thông minh, khác hoàn toàn với chó chiến đấu. Vì vậy cần phải nghiên cứu, phát triển, đảm bảo xứng tầm với yêu cầu, nhiệm vụ công tác cảnh vệ"", chỉ huy Đội Kỹ thuật bảo vệ 1, Phòng Kỹ thuật bảo vệ Bộ Tư lệnh Cảnh vệ chia sẻ.

Nội dung: Hải Nam, Hải Đường

Ảnh: Hải Nam

Thiết kế: Đức Bình