Sau các vụ cháy thảm khốc, đại biểu đề nghị Hà Nội mạnh tay với sai phạm
(Dân trí) - Nêu thực tế Hà Nội vừa qua xảy ra một số vụ cháy nhà ở, cơ sở sản xuất làm chết nhiều người, các đại biểu Quốc hội cho rằng nếu không mạnh tay với sai phạm sẽ khó kiểm soát thiệt hại xảy ra.
Chiều 28/5, Quốc hội thảo luận trên hội trường về dự án Luật Thủ đô sửa đổi.
Quy định ngừng cấp điện, nước với các công trình xây dựng có vi phạm được đề cập trong Điều 33 của dự thảo luật là nội dung còn ý kiến khác nhau.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) dẫn lại quan điểm của cơ quan thẩm tra là nên xem xét kỹ vấn đề này. Ông cho biết quy định không cung cấp dịch vụ điện, nước cho công trình sai quy hoạch đã được nêu trong Luật Xây dựng.
Hơn nữa, Hiến pháp quy định người dân được quyền sống và quyền kinh doanh, nên theo ông Huân, nếu đưa các biện pháp ngừng cấp điện, nước vào có thể xung đột với Hiến pháp.
Ở cách nhìn khác, đại biểu Lê Hoàng Hải (Đồng Nai) lý giải dự thảo luật không coi biện pháp ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước là biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính như quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Thay vào đó, đây là biện pháp do cơ quan hành chính nhà nước thực hiện nhằm bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Hà Nội.
"Cách tiếp cận như vậy là phù hợp bởi sẽ không làm phát sinh các trình tự, thủ tục hành chính phức tạp và cũng giúp nâng cao khả năng để ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trong trường hợp khẩn cấp", ông Hải nói.
Vị đại biểu dẫn chứng vừa qua, Hà Nội đã xảy ra một số vụ việc thương tâm liên quan đến các công trình nhà ở, cơ sở sản xuất, kinh doanh bị cháy, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Vì vậy, nếu không đẩy mạnh và chú trọng giải quyết mạnh mẽ các sai phạm, sẽ khó kiểm soát thiệt hại có thể xảy ra.
"Việc ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước chưa phải là biện pháp mạnh mẽ và triệt để nhất, nhưng đây là biện pháp cần thiết", ông Hải nói và nhấn mạnh thêm dự thảo luật đã quy định rõ nguyên tắc xác định về thẩm quyền áp dụng để bảo đảm chặt chẽ, khả thi, tránh lạm dụng.
Đồng thời yêu cầu thể hiện việc áp dụng biện pháp này trong hợp đồng sử dụng dịch vụ điện, nước mà các bên ký kết để tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện. Đây được xem như là bước dự phòng ban đầu, thể hiện sự cam kết và trách nhiệm của các bên trong việc bảo đảm an toàn, trật tự ở trên địa bàn thành phố.
Đồng quan điểm, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) khẳng định vị trí, vai trò của Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính, văn hóa, nơi tập trung rất đông dân cư, khách du lịch rất lớn.
Quy định về ngừng cung cấp điện, nước cho các công trình vi phạm, theo ông Tám, nhằm đảm bảo an ninh trật tự và phòng cháy, chữa cháy, hạn chế xây các công trình trái phép vượt quá quy định.
Ông cũng nhắc đến các vụ hỏa hoạn xảy ra trong thời gian qua ở Hà Nội và mới đây nhất ở Trung Kính, thiệt hại về người và tài sản rất lớn, hậu quả rất đau lòng.
"Qua những vụ hỏa hoạn cũng như vấn đề an ninh trật tự của Hà Nội, việc quy định biện pháp ngừng cung cấp điện, nước cho công trình vi phạm như trong dự thảo luật là phù hợp với vấn đề quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, phù hợp chứ không xung đột với Hiến pháp", ông Tám nêu quan điểm.