1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

16 triệu thông tin công dân đã được thu thập

(Dân trí) - Bộ Tư pháp cho biết đã có 16 triệu thông tin công dân được thu thập. Việc triển khai Đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục gặp một số khó khăn, nhất là về kinh phí, hạ tầng công nghệ thông tin. Một số địa phương chưa sẵn sàng tham gia Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung toàn ngành tư pháp.

Theo Bộ Tư pháp, chủ trương hiện đại hoá công tác hộ tịch trên cả nước đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, Bộ này đã mở rộng triển khai hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch tại 51 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương - tăng thêm 13 địa phương so với cuối năm 2018; đã đào tạo, tập huấn cho tất cả 63 tỉnh, thành phố để chuẩn bị triển khai mở rộng áp dụng trên toàn quốc.

Đến nay hệ thống ghi nhận trên 7,9 triệu hồ sơ đăng ký hộ tịch, trong đó trên 2,3 triệu hồ sơ đăng ký khai sinh được cấp số định danh cá nhân; có 16 triệu thông tin công dân đã được thu thập.

16 triệu thông tin công dân đã được thu thập - 1

Phiếu thu thập thông tin dân cư (Ảnh minh hoạ).

Tuy vậy, Bộ Tư pháp thừa nhận công tác đăng ký hộ tịch ở một số địa phương vẫn còn xảy ra những sai sót. Việc triển khai đề án cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử tiếp tục gặp một số khó khăn, nhất là về kinh phí, hạ tầng công nghệ thông tin. Một số địa phương chưa sẵn sàng tham gia Hệ thống thông tin đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung toàn ngành tư pháp do đang sử dụng dịch vụ của các công ty phầm mềm khác, dẫn tới khó đạt mục tiêu tất cả 63 tỉnh, thành phố tham gia Hệ thống này trước ngày 1/1/2020.

Bộ Tư pháp cũng đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam kết nối hệ thống thông tin đăng ký và quản lý hộ tịch vào hệ thống kết nối, liên thông các hệ thống thông tin ở Trung ương và địa phương để triển khai thực hiện liên thông thủ tục hành chính đăng ký khai sinh, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi. Hiện nay đã hoàn thành việc tích hợp trên môi trường thử nghiệm, đang chuẩn bị triển khai thí điểm tại 5 địa phương (Lào Cai, Đà Nẵng, Quảng Ninh, Vĩnh Phúc và Thừa Thiên-Huế)

Bên cạnh đó, các vấn đề về hộ tịch, quốc tịch liên quan đến người di cư tự do từ các nước có chung đường biên giới về nước tiếp tục được Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các địa phương quan tâm giải quyết.

Đến nay 10/10 tỉnh biên giới với Lào đã được Trưởng đoàn đại biểu biên giới phê duyệt danh sách với tổng số là 1.585 người; trong đó, Chủ tịch nước Việt Nam đã xem xét, quyết định cho 363 trường hợp được nhập quốc tịch Việt Nam, có 205 trường hợp người di cư tự do từ Campuchia về nước đã được cấp thẻ thường trú, 797 trường hợp khác đang được hoàn thiện hồ sơ để cấp thẻ.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước giải quyết 2.773 hồ sơ quốc tịch (2.522 hồ sơ xin thôi quốc tịch, 247 hồ sơ xin nhập và 4 hồ sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam), tăng 11,5% so với cùng kỳ 6 tháng đầu năm 2018.

Thế Kha