1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Xoá bỏ sổ hộ khẩu tiết kiệm 1.600 tỷ đồng/năm

(Dân trí) - Bộ Công an tính toán, sử dụng thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân khoảng 1.600 tỷ đồng/năm. Việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 được khẳng định là khả thi.

Ngày 17/10, Bộ Công an đã công bố dự thảo Báo cáo đánh giá tác động chính sách dự án Luật Cư trú (sửa đổi) để lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân. Trong đó, Bộ Công an đưa ra hai phương án: Giữ nguyên hình thức quản lý hộ khẩu như hiện nay hoặc bãi bỏ hình thức quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy để thay thế bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Nếu giữ sổ hộ khẩu thì sẽ không phải sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; Nhà nước không phải bảo đảm kinh phí để sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật này.

Phương án quản lý theo số định danh cá nhân sẽ giúp thực hiện đúng tinh thần Nghị quyết 112/2017 của Chính phủ về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của Bộ Công an; trong đó có nêu phương án đơn giản bãi bỏ một số thủ tục liên quan đăng ký thường trú, bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng “sổ hộ khẩu” và thay thế bằng quản lý thông qua mã số định danh cá nhân…

Bộ Công an nghiêng về phương án thứ hai.

Bộ Công an nghiêng về phương án xoá bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư theo số định danh cá nhân trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đang lấy ý kiến rộng rãi.
Bộ Công an nghiêng về phương án xoá bỏ sổ hộ khẩu, quản lý dân cư theo số định danh cá nhân trong dự án Luật Cư trú (sửa đổi) đang lấy ý kiến rộng rãi.

Tiết kiệm 1.600 tỷ đồng giải quyết thủ tục mỗi năm

Bộ Công an cho biết, hiện nay có trên 2.700 thủ tục hành chính có yêu cầu các thông tin cơ bản về công dân; trong 5.400 thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý của các bộ, ngành, có khoảng 1.273 thủ tục hành chính yêu cầu khai thông tin, xuất trình bản chính hoặc nộp bản sao có chứng thực giấy tờ công dân; khoảng 70 thủ tục hành chính yêu cầu xuất trình Giấy khai sinh hoặc bản sao Giấy khai sinh, khoảng 18 thủ tục hành chính yêu cầu Giấy chứng nhận kết hôn hoặc bản sao Giấy chứng nhận kết hôn.

Như vậy, nếu quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân và khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thay cho việc xuất trình các loại giấy tờ như hiện nay sẽ cắt giảm được các thủ tục hành chính và giảm được những chi phí mà người dân, doanh nghiệp đang phải chi trả.

Hiện nay 15 trường thông tin cơ bản về công dân đang được cơ quan Công an tổ chức thu thập, cập nhật vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bao gồm: Họ, chữ đệm và tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; tình trạng hôn nhân; nơi thường trú; nơi ở hiện tại; nhóm máu; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân hoặc số Chứng minh nhân dân của chủ hộ, quan hệ với chủ hộ; ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

Theo tính toán sơ bộ, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.

Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử, mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử).

Thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu chuyên ngành được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ làm tăng khả năng khai thác, cập nhật thông tin về dân cư, hạn chế tối đa trùng lặp thông tin, giảm chi phí đầu tư ngân sách nhà nước đối với hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

Có thể lấy ví dụ trong công tác quản lý về bảo hiểm xã hội. Hiện nay, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đang quản lý thông tin của khoảng 72% dân số cả nước, nếu hoàn thiện việc triển khai xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và thực hiện quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân thì sẽ giảm chi phí trong quản lý về bảo hiểm xã hội.

Theo đó, mỗi năm có khoảng 1 triệu trẻ em sinh ra, cơ quan bảo hiểm xã hội phải chi trả khoảng 10 tỷ đồng để cấp thẻ bảo hiểm y tế. Nếu có số định danh cá nhân thì bảo hiểm xã hội lấy số đó làm căn cứ để cấp luôn. Hiện nay, việc nhập dữ liệu mới phải trả 10.000 đồng/tờ khai. Nếu 30 triệu người phải cấp mới thì sẽ tiêu tốn khoảng 300 tỷ đồng, gây lãng phí rất lớn.

Tuy nhiên, Bộ Công an cũng nhìn nhận, để thực hiện quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân thì cần thiết phải hoàn thiện và đưa vào khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Bộ Công an vẫn đang thu thập thông tin về dân cư.
Bộ Công an vẫn đang thu thập thông tin về dân cư.

3.367 tỷ đồng xây dựng dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

Bộ Công an đánh giá, việc xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là dự án quy mô lớn, tính chất phức tạp, phạm vi triển khai rộng khắp từ trung ương tới tận xã, phường, thị trấn với nguồn vốn đầu tư rất lớn, trong khi điều kiện ngân sách nhà nước còn nhiều hạn chế, khó khăn; do đó, đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai dự án.

Theo Quyết định số 2083/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chủ trương đầu tư dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì tổng mức đầu tư của dự án là 3.367 tỷ đồng.

Hiện nay, Bộ Công an, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính đang khẩn trương triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để bố trí vốn cho dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ngoài ra, để triển khai thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, Chính phủ đã ban hành 17 nghị quyết chuyên đề về việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý nhà nước của các bộ, ngành.

Các nghị quyết của Chính phủ đã phân công cụ thể trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật để thực hiện đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Do đó, nhà nước cần phải bảo đảm kinh phí để thực hiện việc sửa đổi, bổ sung bảo đảm kịp thời với thời điểm Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được đưa vào khai thác, sử dụng (dự kiến năm 2020).

2020 chính thức thay thế hộ khẩu

Bộ Công an khẳng định việc lựa chọn giải pháp quản lý dân cư thông qua số định danh cá nhân (mỗi người chỉ có 1 số định danh cá nhân - PV) được cập nhật từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để thay thế hình thức quản lý bằng sổ hộ khẩu và sổ tạm trú là phù hợp với yêu cầu thực tiễn hiện nay.

Đến nay việc tổ chức triển khai dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã đạt nhiều kết quả quan trọng. Cụ thể, đã hoàn thiện khung pháp lý cho việc triển khai dự án; đã xây dựng hạ tầng Trung tâm dữ liệu quốc gia về dân cư tại Hà Nội và TPHCM; tổ chức cấp hơn 8 triệu số định danh cá nhân tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thông qua công tác cấp căn cước công dân và phối hợp với Bộ Tư pháp cấp hơn 900.000 số định danh cá nhân cho trẻ em mới sinh tại 18 địa phương.

Ngoài ra còn triển khai thí điểm thu thập thông tin dân cư tại Công an tỉnh Hà Nam, Hòa Bình và triển khai phần mềm cư trú tại Công an tỉnh Thừa Thiên Huế để đánh giá rút kinh nghiệm triển khai dự án trên phạm vi toàn quốc. Đã thí điểm xây dựng hệ thống quản lý dân cư tại thành phố Hải Phòng; tiến hành rà soát, thống kê đơn vị hành chính; tổng số nhân, hộ khẩu, củng cố hồ sơ, tài liệu về quản lý dân cư và kiện toàn đội ngũ cán bộ phục vụ triển khai dự án.

Bộ Công an cũng đã phối hợp với Công an các địa phương tiến hành khảo sát về hiện trạng trang thiết bị, đường truyền nhằm đánh giá hiện trạng ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý dân cư của Công an các địa phương, khả năng phối hợp triển khai và dự kiến bố trí lắp đặt thiết bị đường truyền trên địa bàn toàn quốc.

Ngành Công an đang lưu trữ, khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống tàng thư Chứng minh nhân dân với hơn 60 triệu người và hệ thống tàng thư hộ khẩu với hơn 80 triệu nhân khẩu.

“Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này. Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi”- Bộ Công an khẳng định.

Thế Kha

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm