Nhiều địa phương phản ánh vướng mắc khi thu thập thông tin dân cư
(Dân trí) - Bộ Tư pháp cho biết thời gian qua đã nhận được phản ánh của một số địa phương về vướng mắc trong quá trình thu thập, kiểm tra, đối chiếu thông tin cơ bản của công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
UBND tỉnh Khánh Hoà mới đây đã đề nghị Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Công an tháo gỡ vướng mắc phát sinh trong quá trình thu thập, kiểm tra, đối chiếu thông tin cơ bản của công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại các địa phương.
Trả lời vấn đề này, Bộ Tư pháp cho biết thời gian qua đã nhận được phản ánh của một số địa phương về vướng mắc trong quá trình thu thập, kiểm tra, đối chiếu thông tin cơ bản của công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) đã có văn bản đề nghị Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) hướng dẫn công an địa phương chủ động xác minh các thông tin cần thiết trên giấy tờ do cơ quan công an cấp (Chứng minh nhân dân, Sổ hộ khẩu..). Nếu có sự không thống nhất thì đề nghị phối hợp với cơ quan đăng ký hộ tịch kiểm tra, đối chiếu, không bắt buộc người dân phải “đi làm Giấy khai sinh”.
Bộ Tư pháp cũng đề nghị UBND tỉnh Khánh Hoà chỉ đạo Sở Tư pháp tập hợp những vướng mắc phát sinh cụ thể trong quá trình thu thập, kiểm tra, đối chiếu thông tin cơ bản của công dân để xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư tại địa phương, thông tin về Bộ Tư pháp để Bộ có cơ sở trao đổi với Bộ Công an bàn giải pháp tháo gỡ.
Liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh
Trong khi đó, UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu đề nghị Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh nội dung tờ khai khi thực hiện liên thông thủ tục hành chính về đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi theo hướng chỉ quy định 1 loại Tờ khai cho 3 thủ tục này do phần khai về thông tin cá nhân trong 3 loại tờ khai đó tương tự nhau nhằm mục đích tránh mất thời gian cho công dân.
Theo Bộ Tư pháp, cuối năm 2018 cơ quan này đã tổ chức sơ kết 3 năm triển khai thi hành Luật hộ tịch, trong đó có nội dung sơ kết, đánh giá kết quả triển khai thực hiện Thông tư liên tịch số 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT ngày 15/5/2015 hướng dẫn liên thông các thủ tục đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Hiện nay Bộ Tư pháp đang hoàn thiện báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả sơ kết 3 năm triển khai thi hành Luật hộ tịch, chủ động phối hợp các Bộ, ngành đề xuất các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả Thông tư liên tịch số 05/2015, trong đó có về việc thay đổi biểu mẫu Tờ khai dùng chung.
Ngoài ra, Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) đã có một số buổi làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để xem xét triển khai kết nối Phần mềm đăng ký khai sinh điện tử của Bộ Tư pháp với Phầm mềm cấp thẻ bảo hiểm y tế của Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nhằm từng bước triển khai liên thông các thủ tục hành chính đăng ký khai sinh và cấp Thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ dưới 6 tuổi.
Tuy nhiên do còn vướng mắc về mặt thể chế có liên quan đến thẩm quyền cấp thẻ Bảo hiểm y tế nên việc này đến nay chưa được triển khai. Dự kiến trong năm 2019, Bộ Tư pháp sẽ tiếp tục phối hợp với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam nghiên cứu, tìm kiếm các giải pháp tháo gỡ vấn đề này; tuy nhiên, kết quả phụ thuộc nhiều vào Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Tiết kiệm 1.600 tỷ đồng/năm
Như Dân trí phản ánh, trong tờ trình gửi tới Bộ Tư pháp thẩm định dự án Luật Cư trú (sửa đổi) mới đây, Bộ Công an tính toán, khi ứng dụng công nghệ thông tin (cập nhật thông tin cá nhân từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư) vào giải quyết thủ tục hành chính sẽ giúp giảm chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính cho người dân ước tính khoảng 1.600 tỷ đồng/năm từ việc không phải khai nhiều lần các thông tin cơ bản của mình, không phải thực hiện việc sao, chụp hoặc thực hiện thủ tục hành chính chứng thực bản sao từ bản chính giấy tờ công dân như trước đây.
Sử dụng số định danh cá nhân vào quản lý dân cư sẽ là nền tảng để phát triển và sử dụng thẻ công dân điện tử, mở rộng các ứng dụng để tích hợp thông tin của nhiều ngành trên một thẻ (hoặc phương tiện điện tử).
“Những thông tin, tài liệu sẵn có này cùng các dữ liệu chuyên ngành khác là nguồn quan trọng để cung cấp cho Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có thể tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian xây dựng cơ sở dữ liệu này. Như vậy, việc triển khai đồng bộ xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trên toàn quốc theo lộ trình đến năm 2020 là khả thi”- Bộ Công an khẳng định.
Góp ý cho dự án luật này, nhiều bộ ngành đồng tình với việc bãi bỏ hình thức quản lý cư trú bằng sổ hộ khẩu, sổ tạm trú và thay thế bởi hình thức quản lý bằng mã số định danh cá nhân. Riêng Bộ Tư pháp đề nghị Bộ Công an làm rõ hơn lộ trình thực hiện với người chưa có số định danh.
Thế Kha