1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Việt Nam: Phụ nữ điều hành doanh nghiệp chiếm hơn 20%

(Dân trí) - Đây là ý kiến của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền tại Khóa họp lần thứ 59 của Ủy ban địa vị Phụ nữ Liên Hợp quốc (CSW 59) diễn ra từ ngày 9 - 12/3 tại trụ sở Liên Hiệp Quốc tại New York, Hoa Kỳ.

Nữ giới chiếm 48,5% lực lượng lao động của Việt Nam.
Nữ giới chiếm 48,5% lực lượng lao động của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền, vai trò và địa vị của phụ nữ Việt Nam trong các của đời sống kinh tế, chính trị và xã hội ngày càng được nâng lên. Khoảng cách chênh lệch về giới trong tiếp cận giáo dục hầu như không còn trong tất cả các bậc học.

Nhiều phụ nữ đạt được bằng đại học và cao đẳng hơn nam giới ở một số ngành nghề. Hiện nay, đối tượng nữ giới chiếm 48,5% lực lượng lao động của Việt Nam.

Việt Nam đã đạt được các chỉ số xếp hạng đáng khích lệ trong thực hiện bình đẳng giới của Liên hợp quốc, đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng.

Trong phát biểu, Bộ trưởng khẳng định bài học kinh nghiệm của Việt Nam là có sự thống nhất về nhận thức trong hệ thống chính trị, phát triển kinh tế cần gắn với tiến bộ xã hội, xóa đói, giảm nghèo, chú trọng hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, nhất là phụ nữ.

Đặc biệt, việc hình thành bộ máy quản lý nhà nước có hiệu quả và triển khai lồng ghép vấn đề bình đẳng giới vào các chương trình, sáng kiến ở các cấp; trao quyền cho phụ nữ cần gắn với khơi dậy ý chí vươn lên.

Phát biểu của Bộ trưởng cũng nêu rõ thách thức mà Việt Nam phải đối mặt giải quyết như: Tư tưởng “trọng nam, coi thường phụ nữ” còn tồn tại trong xã hội; bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái vẫn còn ở các vùng, miền, dưới nhiều hình thức và mức độ khác nhau.

Bên cạnh đó, số liệu thống kê có tách biệt giới chưa đầy đủ dẫn đến những khó khăn cho việc xây dựng, thực hiện chính sách, chương trình can thiệp.

Nguồn lực cho công tác bình đẳng giới, cả về nhân lực và tài chính còn hạn chế. Điều này khiến càng khó khăn cho việc bao quát các khía cạnh của bình đẳng giới, phòng ngừa và giảm thiểu.

Sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương đã đem lại nhiều kết quả đáng khích lệ từ xây dựng luật pháp, chính sách đến việc thực thi bình đẳng giới và vì sự tiến bộ phụ nữ trên thực tế.

Được biết, Việt Nam hiện đang thực hiện chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 và Chương trình quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015.

Chương trình được thực hiện với cam kết bố trí nguồn kinh phí từ Ngân sách nhà nước và huy động các tổ chức quốc tế và cộng đồng.

Phan Minh