1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Tân Chủ tịch Hội LHTN VN “bóc tách” 4 nguyên do thanh niên thất nghiệp

Ông Nguyễn Phi Long: “Nhiều người quen được sắp đặt, được bao bọc và không có tâm lý vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình”

Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội LHTN VN (Ảnh: TL)
Ông Nguyễn Phi Long, Chủ tịch Hội LHTN VN (Ảnh: TL)

Theo Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, trong 5 năm qua, Hội đã liên kết với các cơ quan để hướng nghiệp, đào tạo và giải quyết việc làm cho gần 2,3 triệu thanh niên, vượt hơn 220% so với chỉ tiêu đề ra là 1 triệu thanh niên. Hội cũng đã liên kết giữa Ngân hàng Chính sách xã hội và các tổ chức tài chính giải ngân giải ngân 15.490,596 tỷ đồng cho thanh niên vay vốn để phát triển kinh tế, vượt 154% so với chỉ tiêu đề ra.

Phải đặt vấn đề: Thất nghiệp do đâu?

Các cấp bộ Hội đã tích cực tuyên truyền, vận động thanh niên nâng cao ý thức tự lập thân, lập nghiệp và vươn lên trong cuộc sống. Chương trình “Khởi sự doanh nghiệp” được triển khai với các hình thức cơ bản như: tư vấn, hỗ trợ thanh niên khởi sự doanh nghiệp và lập nghiệp. Phối hợp đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa; giao lưu trực tuyến về khởi sự doanh nghiệp trên Mạng chuyên gia khởi nghiệp. Chương trình “Thanh niên sáng tạo khởi nghiệp” với trọng tâm là “Hành trình vì Khát vọng Việt” thu hút đông đảo thanh niên, sinh viên tham gia, góp phần khơi dậy, cổ vũ tinh thần sáng tạo, vượt khó, khát vọng vươn lên làm giàu chính đáng trong thanh niên, sinh viên.

Tuy nhiên, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam cũng thẳng thắn thừa nhận, các cấp bộ Hội chưa có những giải pháp đột phá nhằm tăng cường nguồn lực hỗ trợ cho thanh niên trong nghề nghiệp, việc làm và hỗ trợ thanh niên tham gia phát triển kinh tế; chưa xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế hướng dẫn cho thanh niên làm theo. Vẫn tình trạng thanh niên thất nghiệp vẫn chiếm tỷ lệ lớn.

Tại buổi họp báo sau Đại hội, tân Chủ tịch Hội LTHTN Việt Nam, ông Nguyễn Phi Long cho rằng, vấn đề nghề nghiệp và việc làm là một trong những yêu cầu chính đáng và cần thiết nhất không chỉ của riêng thanh niên mà của tất cả mọi người. Nghề nghiệp và việc làm quyết định rất nhiều đến cuộc sống, hạnh phúc gia đình của mỗi cá nhân. Chúng ta phải đặt vấn đề: Thất nghiệp do đâu?

“Theo quan điểm của tôi, có những rào cản dẫn đến việc thanh niên thất nghiệp. Thứ nhất, là do tâm lý của người Việt Nam, đặc biệt từ thời báo cấp, mong muốn con em mình phải vào Đại học, phải làm Nhà nước. Tư duy đó đến ngày hôm nay vẫn rất nặng nề”- Ông Long nói.

Còn một lý do là do định hướng nghề nghiệp, việc làm của chúng ta còn hạn chế. Khi bước chân vào đại học, cơ bản là đa số không biết sau này mình phải làm gì, học cái gì, mà chủ yếu là thích trường nào thì thi hoặc là theo bố mẹ định hướng. Hơn nữa, định hướng nghề nghiệp, việc làm ngay từ cấp học phổ thông vẫn chưa được rõ ràng.

Cùng với đó, là thông tin về định hướng nghề nghiệp, việc làm chưa đầy đủ. “Một bạn thanh niên cũng không thể biết được một ngành mình học hiện tại có bao nhiêu người đang làm việc, thu nhập bao nhiều tiền, học ngành nghề đó thì làm việc ở cơ quan nào, có thể đi làm việc ở nước ngoài hay không, có cần phải trình độ ngoại ngữ không? Cơ bản về những thông tin này, chúng ta còn mờ mịt. Chủ yếu chúng ta đi học theo ngành nào đang “hót” để dễ có việc làm”- Ông Long trăn trở.

Thờ ơ trước cả thất bại lẫn thành công

Ông Nguyễn Phi Long cho rằng, một trong những rào cản rất lớn dẫn đến việc thất nghiệp là tâm lý ỷ lại của số đông. Nhiều người quen được sắp đặt, được bao bọc và không có tâm lý vượt qua khó khăn, vượt qua chính mình để tự tạo việc làm cho mình. Những người vượt qua được chính mình rất trưởng thành. “Chúng ta vẫn quen không chấp nhận thất bại và không chuẩn bị tâm lý để đón nhận thất bại, nhưng lại cũng không có chuẩn bị tâm lý để đón nhận thành công. Đó là do bản thân không có kế hoạch, không có sự hoạch định cho tương lai”.

Theo ông Long, những ngành đã thừa lại càng thừa vì sự đăng ký tràn lan của thí sinh. Khi các cơ quan, doanh nghiệp không cần kỹ sư nhiều đến như vậy thì nhiều người cứ đăng ký thi và học. Trong khi đó công nhân, trung cấp dạy nghề, những ngành nghề đòi hỏi tay nghề cao thì lại ít người quan tâm, nên dẫn đến tình trạng sinh viên tốt nghiệp có một bộ phận nhỏ không có việc làm, một bộ phận tương đối lớn làm trái ngành, trái nghề.

Về vai trò của Hội trước tình trạng thất nghiệp trong thanh niên, ông Nguyễn Phi Long cho rằng, trong các nhiệm kỳ trước đây, và nhiệm kỳ tới đây, Hội LHTN Việt Nam luôn quan tâm đến vấn đề này. Hội sẽ tập trung chủ yếu để truyền được tinh thần, nghị lực, khát vọng khởi nghiệp, lập nghiệp, làm giàu trong thanh niên. Thông qua việc triển khai chương trình sáng tạo khởi nghiệp, chương trình 1.000 doanh nhân trẻ, xây dựng mạng chuyên gia, tổ chức các giao lưu trao đổi về nghề nghiệp và việc làm… để thu hút thanh niên tham gia.

Cùng với đó, Hội sẽ phối hợp với các ngân hàng như Ngân hang chính sách, Quỹ quốc gia giải quyết việc làm, một số tổ chức, cá nhân… để tạo nguồn vốn cho thanh niên khởi nghiệp. Hội cũng hỗ trợ, trang bị kiến thức về kỹ năng để thành lập doanh nghiệp, các tổ, trang trại hợp tác xã, nghiên cứu kỹ thuật, đưa phương thức sản xuất mới. Bên cạnh đó, tích cực triển khai giải quyết việc làm cho thanh niên.
Theo VOV.VN