1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

Từ 1/1/2015: 10 thay đổi cơ bản về bảo hiểm thất nghiệp

Từ ngày 01/01/2015, chế độ bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) sẽ thực hiện theo quy định của Luật Việc làm 2013, thay cho quy định của Luật Bảo hiểm xã hội.

Theo đó có một số thay đổi lớn như người lao động (NLĐ) làm việc theo mùa vụ từ 3 tháng trở lên buộc phải tham gia BHTN; giảm chế độ trợ cấp thất nghiệp so với trước đây.
Giảm chế độ trợ cấp thất nghiệp hàng tháng


Người giúp việc không tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Luật Việc làm có hiệu lực từ 1/1/2015 mở rộng đối tượng bắt buộc tham gia BHTN. So với quy định trước đây, đối tượng tham gia BHTN theo Luật Việc làm sẽ có thêm NLĐ làm việc theo hợp đồng mùa vụ từ đủ 3 tháng trở lên. Mặt khác, cũng không còn quy định Người sử dụng lao động (NSDLĐ) có sử dụng từ 10 NLĐ trở lên mới phải tham gia BHTN.

Tuy nhiên, NLĐ giúp việc gia đình hoặc đang hưởng lương hưu thì không phải tham gia BHTN.

Mức đóng BHTN tối đa sẽ không quá 20 tháng lương tối thiểu vùng (đối với NLĐ đang hưởng lương theo mức do NSDLĐ quyết định).

Thời gian tham gia BHTN để tính hưởng trợ cấp sẽ tính bằng tổng các khoảng thời gian đã đóng BHTN (liên tục hoặc không liên tục) mà NLĐ chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp.

NLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động/hợp đồng làm việc trái pháp luật sẽ không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Đối với NLĐ làm việc theo hợp đồng mùa vụ thì để được hưởng BHTN, họ phải có đủ 12 tháng tham gia BHTN trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng (đối với các loại hợp đồng khác thì điều kiện này là có đủ 12 tháng tham gia BHTN trong vòng 24 tháng trước khi chấm dứt).

Giảm chế độ trợ cấp thất nghiệp hàng tháng 

Theo quy định mới, NLĐ tham gia BHTN từ đủ 12 tháng đến 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp, sau đó cứ có thêm 12 tháng tham gia BHTN thì sẽ được hưởng thên 1 tháng trợ cấp, nhưng tối đa không quá 12 tháng.

Theo cách tính này thì NLĐ tham gia BHTN đủ 36 tháng sẽ được hưởng 3 tháng trợ cấp (trước đây là 6 tháng), tham gia đủ 72 tháng sẽ được hưởng 6 tháng (trước đây là 9 tháng).

Mức hưởng BHTN từng tháng tối đa không vượt quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng hoặc mức lương cơ sở.

NLĐ bị tạm giam sẽ bị ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp (trước đây chỉ bị tạm ngừng). Một số trường hợp sẽ bị ngừng hưởng trợ cấp thất nghiệp (được bổ sung so với quy định cũ) là Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên; Bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm pháp luật bảo hiểm thất nghiệp; Bị tòa án tuyên bố mất tích.

Trợ cấp sẽ được bảo lưu cộng dồn

NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp mà tìm được việc làm thì sẽ ngừng hưởng trợ cấp và không được hưởng một lần số tháng trợ cấp còn lại chưa hưởng như trước đây. Bù lại, thời gian tham gia BHTN chưa được hưởng trợ cấp sẽ được bảo lưu và cộng dồn lại cho lần hưởng tiếp theo. Cách tính thời gian bảo lưu thực hiện theo khoản 4 điều 53 Luật Việc làm.

Luật này cũng mở rộng đối tượng hưởng chế độ hỗ trợ học nghề và hỗ trợ tìm việc làm. Theo đó, NLĐ thuộc diện phải tham gia BHTN sau khi nghỉ việc sẽ được tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí nếu có nhu cầu; đối với chế độ hỗ trợ học nghề thì sẽ áp dụng đối với NLĐ đã đóng BHTN từ đủ 09 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi nghỉ việc.

Trước đây, hai chế độ này chỉ áp dụng đối với NLĐ đang hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Ngoài ra, Quy định mới bổ sung thêm chế độ “hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho NLĐ”. Cách thức hỗ trợ cụ thể sẽ được Chính phủ quy định chi tiết.

Theo Báo GTVT