1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Điều chỉnh tuổi hưu:

Kỳ 3 -“Lo cân đối quỹ BHXH để con cháu thụ hưởng sau vài chục năm tới”

(Dân trí) - “Nếu không tính toán ngay mà để sau 10 năm sau thì quá muộn. Với cách đóng như hiện nay, quỹ BHXH sẽ mất cân đối vào khoảng năm 2035-2040. Chỉ cần điều chỉnh thêm 2 tuổi hưu, quỹ có thể kéo dài tới năm 2050-2060. Việc điều chỉnh chính sách là để cho con cháu chúng ta được hưởng”.


Cần cân đối việc nâng tuổi hưu và sử dụng lao động trẻ

Cần cân đối việc nâng tuổi hưu và sử dụng lao động trẻ

Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH VN - trao đổi với báo giới tại Buổi toạ đàm nâng tuổi hưu do Cổng thông tin Chính phủ tổ chức hôm 28/10 tại Hà Nội.

Tuổi hưu - quỹ BHXH: Mối quan hệ hữu cơ

Theo ông Trần Đình Liệu, từ năm 1995 đến nay, BHXH thực hiện theo nguyên tắc "có đóng - có hưởng”. Khi đó, người Việt Nam có tuổi thọ trung bình khoảng 67 tuổi, bình quân tuổi nghỉ hưu là 54, thời gian hưởng lương hưu khoảng 13 năm.

“Hiện nay, tuổi thọ bình quân tăng lên 73, thời gian bình quân đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu giữ nguyên dẫn đến thời gian hưởng lương hưu kéo dài khoảng 20 năm, tức là tăng thêm 7 năm thì quỹ chắc chắn mất cân đối sớm” - ông Trần Đình Liệu chia sẻ.

Đưa ra số liệu thống kê mới nhất của BHXH VN, ông Trần Đình Liệu cho biết, số người đóng BHXH cho một người hưởng lương hưu của nước ta ngày càng giảm. “Nếu năm 1996 có 217 người đóng cho 1 người hưởng thì năm 2000 giảm xuống 34 người, năm 2012 là 9,3 người, đến năm 2015 chỉ có 8,13 người đóng cho 1 người hưởng”.

Theo thống kê của BHXH Việt Nam thì thực tế tuổi nghỉ hưu ở nước ta thấp hơn nhiều so với quy định, tuổi nghỉ hưu bình quân năm 2012 chỉ là 54,17 tuổi, trong đó nam là 55,61 tuổi và nữ là 52,56 tuổi; tỉ lệ nghỉ hưu đúng tuổi chiếm khoảng 40,5%; số người nghỉ hưu sớm trước tuổi chiếm tỉ lệ cao, trên 50%.

Đồng quan điểm cần tăng tuổi hưu của đại diện BHXH VN, ông Phạm Minh Huân - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết: Quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH là ưu tiên đề xuất nâng tuổi hưu của nam lên 62 và nữ lên 58 hoặc 60. Việc tăng tuổi hưu sẽ tuỳ theo từng nhóm ngành nghề. Đề xuất sẽ được Bộ LĐ-TB&XH đưa vào dự thảo sửa đổi Bộ Luật lao động trình Quốc hội vào năm 2017.

“Xu hướng tăng tuổi hưu đang xuất hiện ở nhiều nước trên thế giới. Chính vì vậy, chúng ta cần tận dụng nguồn nhân lực có kinh nghiệm và chuyên môn. Hơn nữa, VN đang tham gia nhiều công ước quốc tế về bình đẳng giới, trong đó có việc nâng tuổi hưu của nữ lên sát với nam giới” -Thứ trưởng Phạm Minh Huân bổ sung.

Với tư cách phản biện chính sách, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội cua Quốc hội lưu ý, việc đề xuất nâng tuổi hưu cần tính toán ở góc độ tổng thể. Trong đó cần bao gồm yếu tố tận dụng nguồn lực có kinh nghiệm, chuyên môn nhưng không thể bỏ qua cơ hội tìm việc của lao động trẻ được đào tạo ra trường.

“Qua 6 tháng đầu năm 2016, chúng ta vẫn cần phải đối mặt với thực tế hơn 190.000 cử nhân tốt nghiệp chưa có việc làm” - ông Bùi Sỹ Lợi băn khoăn.

Tăng sự bền vững

Phân tích sâu xa hơn, ông Trần Đình Liệu cho rằng nguyên nhân dẫn đến sự mất cân đối về tuổi hưởng lương hưu bình quân của các khu vực này chủ yếu do chính sách lao động và việc làm, tính chất công việc.

Trong khi đó, quy định đối với điều kiện hưởng chế độ hưu trí khác nhau ở 3 nội dung chính: Giữa nam và nữ (chênh lệch 5 tuổi), khác nhau do điều kiện lao động năng nhọc và nguy hiểm, khu vực khó khăn được nghỉ hưu sớm hơn người làm việc trong điều kiện lao động bình thường.

“Ở Thái Lan, Philippin mức hưởng lương hưu tối đa của họ chỉ khoảng hơn 40% mức đóng BHXH. Theo chúng tôi tính toán, đúng ra với mức đóng và tỷ lệ đóng như hiện nay thì mức hưởng lương hưu của Việt Nam chỉ khoảng 55- 60%, nhưng chúng ta đang thiết kế mức hưởng tối đa 75% nên mất cân đối” - ông Trần Đình Liệu nói.

“Khu vực nhà nước thường ổn định về lương, về chế độ. Khu vực ngoài nhà nước thì có nhiều biến động hơn, tuổi nghỉ hưu thực tế của mỗi thành phần người lao động cũng khác nhau” - ông Trần Đình Liệu nói.

Trả lời về câu hỏi khi Điều 187 Luật Lao động được sửa đổi về tuổi hưu sẽ tác động ra sao tới mức đóng vào quỹ BHXH? Đại diện BHXH VN cho rằng: Ngân sách quỹ sẽ được tăng thêm do số tiền đóng vào quỹ tương ứng số năm tăng tuổi; số tiền quỹ chưa phải chi lương hưu do người đó chưa hưởng lương hưu tăng lên. Đồng thời, tăng lãi đầu tư do quỹ chưa phải chi những khoản nêu trên.

“Lương hưu sẽ cao hơn vì người lao động hưởng lương hưu muộn hơn, tỷ lệ hưởng lương hưu hoặc trợ cấp một lần khi nghỉ hưu sẽ cao hơn. Đồng thời, khi tăng tuổi nghỉ hưu, khả năng cân đối của quỹ BHXH được cải thiện kéo dài hơn” - ông Trần Đình Liệu nhận định.

Bàn về lộ trình, ông Phạm Minh Huân cho biết: “Phương án cụ thể chúng tôi đang đề xuất theo lộ tình và tăng dần. Nếu năm 2017 Quốc hội thông qua phương án này thì chúng ta thực hiện từ năm 2020 để có quá trình chuẩn bị tâm lý, đánh giá tất cả về việc làm, thị trường lao động, sức khỏe và tâm lý của người lao động và doanh nghiệp”.

Cũng theo Thứ trưởng Phạm Minh Huân, mỗi năm tăng lên 3-4 tháng tuổi hưu, không phải đồng loạt tăng lên và tăng cho tất cả các ngành nghề. “Những ngành nghề có điều kiện nhẹ nhàng bình thường thì tăng trước, còn những ngành nghề khác thì chúng ta đi sau”.

“Các nước trong khối ASEAN, khi tuổi thọ bình quân tăng họ đều có chính sách điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo hướng tăng lên tương ứng nhằm đảm bảo giữ vững ổn định quỹ hưu trí. Lào, Campuchia, Philippin, Malaysia, Thái Lan (quy định 60 tuổi cho cả nam và nữ); Singapore quy định 62 tuổi cho cả nam và nữ. Trong khu vực Châu Á còn có Nhật Bản, Hàn Quốc (quy định 65 tuổi cho cả nam và nữ)” - ông Trần Đình Liệu cho biết.

Hoàng Mạnh