Điều chỉnh tuổi hưu:
Kỳ 2 - Đại diện bảo hiểm xã hội nói về 3 phương án cân đối quỹ BHXH
(Dân trí) - “Theo công thức từ năm 1995, tuổi nghỉ hưu của người VN là 54, tuổi thọ trung bình từ 66 - 67 tuổi, tương ứng với 26 năm đóng BHXH và 13 năm hưởng lương hưu. Hiện, trung bình tuổi thọ người VN là 73, số năm hưởng BHXH tăng lên 19 năm. Xuất hiện nguy cơ mất cân đối trong đóng - hưởng”.
Ông Trần Đình Liệu - Phó Tổng giám đốc BHXH VN, trao đổi với báo giới về thông tin tăng tuổi hưu đang được dư luận quan tâm và phương án tính toán cân đối quỹ BHXH.
Thưa ông, chúng ta bàn nhiều về việc tăng tuổi hưu như là một cách nhằm cân đối quỹ BHXH. Tuy nhiên, nhiều người chưa hiểu rõ nguyên tắc xây dựng và tính toán của quỹ BHXH như hiện nay có quan hệ ra sao với tuổi hưu. Ông có thể giải thích một cách ngắn gọn vấn đề này?
- Trước khi trả lời vấn đề này, tôi cho rằng cần phải nói về nguyên tắc xây dựng quỹ BHXH. Trên cơ sở đó, chúng ta mới xem xét các phương hướng cân bằng quỹ BHXH.
Ngay từ khi thành lập nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Chính phủ thành lập quỹ hưu trí. Sau một thời gian tổ chức, năm 1961, Chính phủ ban hành Nghị định 218-CP về Điều lệ tạm thời các chế độ BHXH đối với công nhân viên chức Nhà nước, trong đó quy định thành lập quỹ BHXH.
Từ thời điểm đó chúng ta cũng có quỹ BHXH. Nhưng quỹ này được hình thành với nguồn tài chính bao cấp từ ngân sách Nhà nước.
Năm 1995, chúng ta đổi mới chính sách BHXH. Chính phủ đã ban hành Nghị định 19/1995/NĐ-CP thành lập BHXH Việt Nam, thống nhất việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH và quản lý quỹ BHXH.
Về nguyên tắc, quỹ BHXH được thực hiện trên cơ sở có đóng - có hưởng, đóng nhiều - hưởng nhiều, đóng ít - hưởng ít.
Theo công thức cũ áp dụng từ năm 1995 đến nay, tuổi nghỉ hưu của người lao động VN là 54 tuổi, tương ứng với 26 năm đóng BHXH và 13 năm hưởng lương hưu.
Đồng thời, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam được xác định khi đó là khoảng 66- 67 tuổi.
Nhưng nay độ tuổi trên đã lên tới con số 73, kéo theo số năm hưởng BHXH tăng lên 19 năm. Trong khi đó, cách tính vẫn áp dụng theo mức hưởng cũ là 13 năm.
Xuất hiện sự mất cân đối trong “đóng - hưởng”. Về lý thuyết, nếu giữ nguyên mức đóng - mức hưởng hiện nay sẽ gây mất cân đối trong tương lai. Do đó cần có sự điều chỉnh ngay từ bây giờ.
Vậy theo ông, phương án nào về tăng tuổi hưu có tính khả thi và có thể được cơ quan chức năng áp dụng trong việc cân bằng bài toán cân đối quỹ BHXH ?
- Từ thực tế đã nêu ở trên, đòi hỏi việc cân đối bài toán thu - chi và xây dựng nguyên tắc mới.
Quy định về tuổi nghỉ hưu hiện vẫn giữ như cách đây hơn 20 năm, trong khi đó tuổi thọ người hưởng hương hưu đã tăng lên. Do đó, nếu cứ tính theo nguyên tắc cũ (tuổi hưu, mức hưởng), chúng ta sẽ phải đối mặt với 3 phương án sau: Một là tăng mức đóng lên, giảm quyền lợi của người hưởng, tăng số năm đóng lên (tức kéo dài tuổi hưu).
Phân tích cho thấy, phương án 1 sẽ khó đáp ứng, gây phản ứng của doanh nghiệp. Trong nền kinh tế hiện nay, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, cần tạo điệu kiện để doanh nghiệp phát triển và tạo thêm nguồn việc làm. Phương án 2 giảm mức hưởng của người lao động cũng sẽ rất khó thực hiện.
“Ngoài ra, trên thế giới hiện có một cách tính khác: Theo tài khoản cá nhân, dựa trên sự đóng góp. Người lao động đóng bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu. Nếu chưa hết thì lấy lại. Đây là xu hướng có thể tham khảo để áp dụng trong tương lai. Tuy nhiên, nguyên tắc tài khoản cá nhân này có nhược điểm là nếu người lao động tiêu hết thì phải dựa vào sự bảo trợ xã hội từ nguồn ngân sách Nhà nước” - ông Trần Đình Liệu nói.
Chỉ còn lại phương án 3.
Trong khi đó, quy định tính lương hưu từ năm 1961 với tuổi thọ người lao động trung bình là 54 tuổi, có 26 năm đóng BHXH và 13 năm hưởng lương hưu.
Tuổi thọ trung bình của người VN hiện nay đã thay đổi, Tổng cục Thống kê tính trung bình 73 tuổi, thậm chí Tổ chức lao động quốc tế (ILO) còn dự báo lên mức 75 tuổi.
Do đó, phương án này đã được nhắc tới khi Bộ LĐ-TB&XH xem xét sau khi tổng kết 3 năm thực hiện Bộ Luật Lao động 2012. Đây cũng là kiến nghị của BHXH VN. Tuy nhiên, việc đề xuất chính thức vẫn còn chờ từ phía Bộ LĐ-TB&XH.
Xin nói thêm, nếu nghiêng về phương án này, chúng ta sẽ phải tính toán cụ thể tăng nhóm lao động nào trước? nhóm lao động nào sau? thời điểm nào?.
Ví dụ việc chọn thời điểm phải tính tới 5-10 năm tới chứ không thể tăng đột ngột được và phải có lộ trình. Thậm chí phải xây dựng cho con cháu mình hưởng sau này.
Do vậy, việc tăng tuổi hưu lên 58 hay 60 cho lao động nữ và 62 hay 65 cho lao động nam là câu chuyện cần tính toán. Trên cơ sở 3 phương án trên, BHXH VN và Bộ LĐ-TB&XH sẽ kiến nghị tới Chính phủ phương án, lộ trình và thời gian phù hợp.
Tôi cho rằng, chính sách cho những người về hưu trước tuổi hiện vẫn có và chính sách tới đây cũng vậy. Đồng thời, nguyên tắc đóng nhiều thì hưởng nhiều và ngược lại cũng vẫn được duy trì.
Xin cảm ơn ông
Hoàng Mạnh thực hiện
TIN VẮN:
Mức đóng BHXH năm 2017 ra sao?
Theo đại diện BHXH VN, nếu trong thời gian tới, pháp luật không có sự thay đổi nào về vấn đề này thì mức đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) áp dụng từ năm 2017 sẽ được thực hiện theo Luật BHXH năm 2014, Luật việc làm năm 2013 và Nghị định số 105/2014/NĐ-CP, cụ thể như sau:
Tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN từ năm 2016 như sau: Theo quy định của Luật BHXH số 58/2014/QH13 thì tỷ lệ đóng BHXH là 26%. Trong đó người lao động đóng 8% vào quỹ hưu trí và tử tuất; người sử dụng lao động đóng 18% (trong đó 3% vào quỹ ốm đau - thai sản; 1% vào quỹ Tai nạn lao động - Bệnh nghề nghiệp; 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất). Theo quy định tại Nghị định số 105/2014/NĐ-CP ngày 15/11/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHYT thì tỷ lệ đóng BHYT là 4,5% (trong đó người lao động đóng 1,5%, người sử dụng lao động đóng 3%). Theo quy định của Luật Việc làm thì tỷ lệ đóng BHTN là 2% (trong đó người lao động đóng 1%, người sử dụng lao động đóng 1% tiền lương tháng), ngoài ra ngân sách nhà nước trung ương hỗ trợ tối đa không quá 1% tiền lương tháng đóng BHTN. Nếu không tính phần ngân sách nhà nước hỗ trợ thì tổng tỷ lệ đóng BHXH, BHYT, BHTN năm 2017 theo văn bản quy định hiện hành là 32,5%, trong đó đơn vị sử dụng lao động đóng 22%, người lao động đóng 10,5% tiền lương tháng.
H.P
Hà Nội: Tổ chức Phiên GDVL cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp
Theo ông Nguyễn Toàn Phong - GĐ Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội), Phiên Giao dịch việc làm dành cho lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp đã được tổ chức ngày 6/10 tại Trường TC Kinh tế kỹ thuật Bắc Thăng Long - Thôn Bầu, xã Kim Chung, huyện Đông Anh.
Phiên GDVL thu hút từ 25 - 30 doanh nghiệp tham gia với trên 300 chỉ tiêu tuyển dụng miễn phí lao động, chủ yếu trên địa bàn các huyện Đông Anh (Hà Nội), Mê Linh (Vĩnh Phúc) và các khu vực lân cận. “Trung tâm DVVL Hà Nội chọn điểm tổ chức Phiên GDVL vào ngày 6/10 tại Thôn Bầu - Đông Anh vì nơi đây tiếp giáp với nhiều khu công nghiệp lớn, có đông công nhân. Số lượt nghỉ việc và tìm việc mới của công nhân có tần suất cao hơn các vùng khác” - ông Nguyễn Toàn Phong cho biết. Tại Phiên GDVL dành cho lao động hưởng bảo hiểm thất nghiệp, Ban tổ chức đã bố trí khu vực đăng ký và làm thủ tục hưởng trợ cấp thất nghiệp, khu vực tư vấn học nghề và việc làm. Theo Ban tổ chức, các chỉ tiêu tuyển dụng của Phiên GDVL ngày 6/10 khá đa dạng, gồm: Công nhân kỹ thuật, quản lý sản suất, trưởng phòng, giám đốc phụ trách kinh doanh sản xuất…Từ nay tới cuối năm 2016, TT DVVL Hà Nội sẽ tổ chức thêm 3 Phiên GDVL dành cho lao động đăng ký bảo hiểm thất nghiệp tại huyện Sóc Sơn và quận Long Biên.
P.A
Nợ BHXH lên tới 230 tỉ đồng
Theo BHXH tỉnh Bình Định, con số nợ BHXH đã lên đến 230 tỉ đồng, tăng hơn 50 tỉ đồng so với cùng kỳ năm 2015. Đây là ví dụ cho thấy tình hình nợ BHXH ở các tỉnh miền Trung Tây Nguyên hiện nay đang có khuynh hướng tăng nhanh.
Theo khảo sát của BHXH tỉnh Bình Định, không ít “con nợ” là những doanh nghiệp có quy mô lớn, lực lượng lao động nhiều như Công ty CP kỹ nghệ gỗ Tiến Đạt, Cty CP cảng Thị Nại, Cty TNHH MTV Mai Linh Bình Định…Lãnh đạo BHXH Bình Định cho biết, ccơ quan này đã thực hiện nhiều giác giải pháp thu hồi nợ như tăng sức ép, phối hợp với chính quyền, nêu tên qua truyền thông, báo chí...Thông qua công tác khởi kiện trong giai đoạn 2012 - 2015, cơ quan BHXH đã đưa 25 vụ việc ra tòa với tổng nợ tại thời điểm khởi kiện là 20,4 tỉ đồng. Đến đầu tháng 8/2016, nhóm nợ trên được xác định đã lên 25 tỉ đồng. Trong 15 vụ đã xét xử, số thu được từ thi hành án là không đáng kể.
L.C
Mức đóng BHYT đối với sĩ quan, chiến sĩ CAND
Bộ Công an đang lấy ý kiến góp ý dự trên Cổng Thông tin điện tử của Bộ về dự thảo Thông tư hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ và học viên Công an nhân dân (CAND).
Theo dự thảo, đối tượng áp dụng là cán bộ, chiến sĩ bao gồm: Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật đang công tác trong lực lượng Công an nhân dân (trừ sĩ quan, hạ sĩ quan được cử đi công tác, học tập và được cấp kinh phí khám bệnh, chữa bệnh tại nước ngoài); Hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ trong lực lượng Công an nhân dân; c- Học viên Công an nhân dân hưởng sinh hoạt phí đang học tập tại các trường trong và ngoài Công an nhân dân tại Việt Nam. Về mức đóng bảo hiểm y tế. Dự thảo quy định, sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật mức đóng bằng 4,5% tiền lương tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội. Đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ nghĩa vụ; học viên CAND hưởng sinh hoạt phí thì mức đóng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Khi Chính phủ điều chỉnh mức đóng bảo hiểm y tế, Bộ trưởng Bộ Công an có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện trong CAND.
C.P