"Chúng tôi ổn, xin nhường hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng cho lao động khác"

(Dân trí) - "Chúng tôi ổn, xin nhường cho nhiều người khó khăn hơn. Điều duy nhất chúng tôi mong muốn là sự hỗ trợ của Chính phủ đến kịp thời, đúng và đủ tới người khó khăn trên địa bàn..."

Đây là tâm sự của một chủ hộ kinh doanh tại Đắk Nông. Trước đó, tình hình dịch Covid-19 đã khiến nhiều hộ kinh doanh cà phê tỉnh Đắk Nông tạm thời đóng cửa theo yêu cầu của Chính phủ.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng từ dịch Covid-19 bằng gói an sinh 62.000 tỷ đồng, nhiều chủ cửa hàng tại Đắk Nông đã đề nghị nhường sự hỗ trợ này cho các lao động khó khăn hơn.

Chúng tôi ổn, xin nhường hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng cho lao động khác - 1
Chủ quán cà phê HOME muốn nhường sự hỗ trợ của mình cho người lao động nghèo

Những hộ kinh doanh này cho biết, việc không nhận hỗ trợ nhằm góp sức cùng cả nước phòng, chống dịch hiệu quả.

Bà Trần Thị Mận chủ quán cà phê HOME (phường Nghĩa Tân, TP. Gia Nghĩa) chi biết, quán đã tạm đóng cửa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Cửa hàng của bà cũng nằm trong diện hỗ trợ từ gói an sinh của Chính phủ. Dù không biết mức hỗ trợ là bao nhiêu, nhưng khi cán bộ địa phương đến kê khai, bà Mận đã bày tỏ nguyện vọng của mình. 

“Nếu được nhận số tiền hỗ trợ thì cũng cũng đỡ đần được cho quán. Nhưng chúng tôi ổn. Nhiều người còn khó khăn hơn nên chúng tôi xin nhường cho người khác. Chúng tôi chỉ mong muốn sự hỗ trợ của Chính phủ, của Nhà nước sẽ sớm đến đúng và đủ với người khó khăn trên địa bàn”, bà Mận nói.

Chúng tôi ổn, xin nhường hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng cho lao động khác - 2
Anh Thái cũng cho biết, mong muốn số tiền hỗ trợ cho quán sẽ dành cho người bán vé số, người mua ve chai

Anh Vũ Quốc Huy, quản lý khu vui chơi giải trí Victory (phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa) cũng bày tỏ quan điểm, hiện tại sau thời gian nghỉ chống dịch, khu vui chơi của anh đã mở trở lại tuy lượng khách vẫn chưa cao.

Dù thuộc diện nhận hỗ trợ theo Quyết định 15, anh Huy cùng vợ lại  thống nhất nhường sự hỗ trợ này cho các hộ khó khăn hơn.

“Không chỉ mình quán tôi mà nhiều cửa hàng kinh doanh khác cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, lao động thời vụ, lao động nghèo vẫn chịu thiệt thòi nhất. Chúng tôi phải đóng cửa không bán hàng cũng có ảnh đến thu nhập nhưng thời gian qua vẫn cầm cự được”, anh cho hay.

Chúng tôi ổn, xin nhường hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng cho lao động khác - 3

Được nhà nước quan tâm hỗ trợ nhiều chủ cửa hàng kinh doanh rất phấn khởi, tuy nhiên họ muốn dành sự hỗ trợ này cho các lao động khó khăn hơn

“Được nhà nước quan tâm hỗ trợ các hộ kinh doanh bị ảnh hưởng do dịch Covid-19, không chỉ tôi mà nhiều chủ cửa hàng kinh doanh khác rất phấn khởi", Anh Nguyễn Xuân Thái, chủ quán cà phê ZONE, chia sẻ.

Anh Nguyễn Xuân Thái, chủ quán cà phê ZONE (phường Nghĩa Trung, TP. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) cũng cho biết, từ giữa tháng 3/2020, việc buôn bán khó khăn do quy định hạn chế tụ tập đông người. 

"Hiện quán đã mở bán lại, tuy lượng khách chưa ổn định nhưng cũng đủ để duy trì hoạt động và trả lương cho ba nhân viên phục vụ. Vì vậy, chúng tôi muốn dành sự hỗ trợ này cho các đối tượng khó khăn hơn, đặc biệt là người bán vé số, người thu mua ve chai…”, anh Thái nói.

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, không chỉ các cửa hàng cà phê, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, vui chơi cũng bày tỏ nguyện vọng không nhận sự hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng.

Tất cả đều mong muốn số tiền hỗ trợ cửa hàng của mình sẽ được dành cho người nghèo và các lao động khó khăn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Bà Nguyễn Thị Tường Vy, Phó phòng Lao động Việc làm (Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Đắk Nông), cho hay, qua nắm bắt thực tế, nhiều hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có nguyện vọng nhường sự hỗ trợ cho người dân khó khăn do ảnh hưởng từ dịch Covid-19.

"Đây là hành động đáng được hoan nghênh, thể hiện tinh thần trách nhiệm với xã hội trong thời điểm cả nước cùng chung tay, tích cực phòng chống dịch Covid-19", bà Vy nói.

Dương Phong