Gói an sinh 62.000 tỷ đồng:
Cán bộ "đội nắng", đạp xe cả chục cây số để tìm lao động nhận hỗ trợ
(Dân trí) - Nhóm lao động tự do thường vắng nhà khiến việc hoàn thiện hồ sơ nhận hỗ trợ từ gói 62.000 tỷ đồng gặp khó khăn. Để không bỏ sót, nhiều cán bộ vẫn "đội nắng", đạp xe đi tìm lao động giữa trưa hè.
Hơn 1 tuần nay, bà Trương Thị Lan (Trưởng KP3, thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước, tỉnh Long An) phải đạp xe hàng chục km mỗi ngày để hướng dẫn nhóm lao động tự do làm thủ tục nhận trợ cấp gói an sinh 62.000 tỷ đồng.
Nhiều người bốc vác, chạy xe ôm, người bán hàng rong... chưa hiểu rõ về gói hỗ trợ nên bà Lan phải giải thích và hướng dẫn nhiều lần.
"Nhóm lao động tự do ít ở nhà, công việc di chuyển liên tục nên việc tìm đến nơi làm việc là cần thiết. Nếu mình cứ đợi người ta ở nhà để đến làm hồ sơ thì sẽ phải chờ rất lâu, người dân sẽ chậm nhận được tiền hỗ trợ", bà Lan nhấn mạnh.
Không riêng bà Lan, các trưởng khu phố tại tỉnh Long An cũng đang gấp rút để sớm hoàn thiện danh sách lao động tự do bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 trên địa bàn.
Các tổ chức hội trên địa bàn cũng được huy động phối hợp cùng ngành lao động trong việc rà soát các đối tượng nhận trợ cấp.
Do hiểu biết của người dân về gói an sinh 62.000 tỷ đồng còn nhiều hạn chế nên bà Lan phải nhiều lần giải thích. Nhiều ý kiến của người dân cũng phải được hướng dẫn cụ thể, nếu không sẽ xảy ra sai sót.
PV Dân trí đã cùng bà Lan đến nhà ông Phan Văn Nghĩa, làm nghề bốc vác tại thị trấn Cần Đước. Người đàn ông 59 tuổi này chưa hiểu gì về gói an sinh 62.000 tỷ đồng. Khi được bà Lan giải thích, ông Nghĩa vui mừng và mong sớm nhận được tiền hỗ trợ để mua thịt, cá.
Ảnh hưởng từ dịch Covid-19, ông Nghĩa phải nghỉ việc hơn 1 tháng. Con trai và con dâu ông Nghĩa làm công nhân cũng phải nghỉ việc nên đời sống rất khó khăn.
"Bình thường làm 1 ngày, tôi kiếm được 250.000 đồng. Giờ không có đồng nào. Nhà nước hỗ trợ càng sớm càng tốt. Bữa giờ đi xin gạo từ thiện, giờ có tiền trợ cấp thì mua thịt cá", ông Nghĩa nói thêm.
Nhiều lần đến nhà ông Trần Thanh Bình - (làm nghề chạy xe ôm tại thị trấn Cần Đước) nhưng bà Lan không gặp. Bà Lan phải trực tiếp chạy đi tìm ông Bình ở quanh khu chợ thị trấn. Xe ôm thời gian qua "ế", ông Nghĩa phải mượn xe ba gác chở đồ thuê.
"Bình thường làm 1 tháng được 3 triệu, tháng rồi không được đồng nào. Tôi không coi đài nên không nghe gì về gói an sinh 62.000 tỷ. Nếu được hỗ trợ tôi xin cám ơn. Giờ thu nhập không đủ ăn", ông Bình nói.
Trao đổi với PV Dân trí, ông Lê Hoàng Vũ - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Cần Đước cho biết, UBND huyện đang tích cực rà soát nhóm lao động tự do trên địa bàn.
"Số liệu ban đầu trên địa bàn huyện có 1.441 lao động tự do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. 11 doanh nghiệp với hơn 300 lao động mất, giảm thu nhập. Chúng tôi đang tiếp tục rà soát thêm để số liệu chính xác, minh bạch, đúng đối tượng. Sau đó chúng tôi sẽ niêm yết danh sách để người dân kiến nghị, bổ sung", ông Vũ khẳng định.
Theo ông Vũ khó khăn trong việc rà soát nhóm lao động tự do là yếu tố không có địa chỉ cố định. Huyện cũng phối hợp với các xã tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân để sớm hoàn thiện danh sách và giải ngân sớm cho người dân.
Được biết, ngày 29/4 vừa qua, UBND huyện Cần Đước đã ứng ngân sách hơn 17 tỷ để hỗ trợ người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội, người có công nằm trong gói an sinh 62.000 tỷ đồng.
Trong 1 ngày, huyện đã phân bổ ngân sách về các xã để đưa tiền hỗ trợ đến tận tay người dân trước dịp lễ 30/4. Cũng trong ngày 29/4, 15 huyện, thành phố, thị xã tại Long An cũng đã ứng ngân sách hơn 146 tỷ để hỗ trợ 4 nhóm đối tượng trên.
Xuân Hinh