DMagazine

Bi kịch của những ngôi sao "lóe sáng một lần rồi vụt tắt"

(Dân trí) - Danh tiếng là điều mà những ai đã "dấn thân" vào lĩnh vực diễn xuất đều mong muốn có được. Nhưng đã biết đến danh tiếng một lần, rồi sau đó vĩnh viễn chìm vào quên lãng, đó có thể là bi kịch.

Những ngôi sao "lóe sáng một lần rồi vụt tắt"

Danh tiếng là điều mà những ai đã "dấn thân" vào lĩnh vực diễn xuất đều mong muốn có được. Nhưng đã biết đến danh tiếng một lần, rồi sau đó vĩnh viễn chìm vào quên lãng, đó có thể là bi kịch.

Cuộc đời buồn bã của nam chính Lamberto Maggiorani trong "Kẻ cắp xe đạp" (1948)

Lamberto Maggiorani (1909 - 1983) đến với điện ảnh như một cuộc chơi. Ông là một diễn viên vô danh, đến với điện ảnh từ con số 0, trước đó ông chưa từng học về diễn xuất, nhưng ngay với vai diễn đầu tiên, tên tuổi Lamberto Maggiorani đã được biết đến trên khắp thế giới, bộ phim "The Bicycle Thief" (Kẻ cắp xe đạp - 1948) trở thành một trong những tác phẩm điện ảnh vĩ đại nhất.

"The Bicycle Thief" nhận được rất nhiều lời khen ngợi. Bộ phim lấy bối cảnh ở nước Ý sau chiến tranh, kinh tế khủng hoảng, người dân phải xếp hàng dài chờ việc làm.

Bi kịch của những ngôi sao lóe sáng một lần rồi vụt tắt - 1

Lamberto Maggiorani (1909 - 1983) đến với điện ảnh như một cuộc chơi (Ảnh: Film Linc).

Nhân vật chính trong phim, Antonio Ricci may mắn nhận được công việc dán áp phích quảng cáo, nhưng điều kiện để nhận được việc là anh phải có xe đạp. Để có việc, anh quyết định bán hết những chiếc chăn có trong nhà để có đủ tiền mua xe.

Không may Ricci bị đánh cắp xe và hai cha con đi khắp thành phố mong tìm lại được xe. Cuối cùng, bi kịch xảy ra, vì quá thất vọng, Ricci đã quyết định lấy cắp một chiếc xe đạp khác. Nhưng mọi người đã hò nhau đuổi theo. Anh bị đám đông nhảy vào đấm đá ngay trước mặt con trai…

Trước năm 1949, giải Oscar vẫn chỉ trao cho những bộ phim nói tiếng Anh, chưa có giải dành cho phim nước ngoài. Nhưng sự nổi bật của "Kẻ cắp xe đạp" khi đó đã khiến Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ "phá lệ", dành tặng bộ phim một tấm bằng khen danh dự.

Từ những năm sau, trong các hạng mục của giải Oscar đã bổ sung thêm giải dành cho Phim nước ngoài hay nhất (nay là giải Phim Quốc tế hay nhất). "Kẻ cắp xe đạp" từ đó được xem là bộ phim nước ngoài đầu tiên đoạt giải Oscar.

Đạo diễn của phim - Vittorio De Sica đã đi lang thang khắp các đường phố ở Rome (Ý) để tìm được một diễn viên ưng ý. Một hôm, ông tình cờ gặp Lamberto Maggiorani đang cùng vợ con rong chơi trên chiếc xe đạp.

Bi kịch của những ngôi sao lóe sáng một lần rồi vụt tắt - 2

Đạo diễn của phim - Vittorio De Sica đã đi lang thang khắp các đường phố ở Rome (Ý) để tìm được một diễn viên ưng ý (Ảnh: Wikidata).

Người đàn ông 39 tuổi, dáng cao gầy và có khuôn mặt hiền lành đó đã khiến đạo diễn chạy theo và mời hợp tác đóng phim. Maggiorani đã ưng thuận và bộ phim được tiến hành ngay.

Sau khi quay xong phim, Maggiorani quay trở về nhà máy luyện kim ở ngoại ô thành phố Rome để tiếp tục làm việc sau một kỳ nghỉ phép dài ngày, anh vẫn chờ những lời đề nghị đóng phim tiếp theo. Một hôm, người ta sa thải anh khỏi nhà máy và Maggiorani bắt đầu rơi vào cảnh nghèo túng như chính nhân vật Ricci.

Một thời gian sau, anh được mời đóng một số vai phụ. Anh vẫn hy vọng rồi sự nghiệp tài tử điện ảnh sẽ mở ra với mình, nhưng thời gian trôi qua, anh vẫn chỉ có thể xuất hiện mờ nhạt trong những vai phụ, những bộ phim không để lại dấu ấn.

Năm 1983, sau một cơn bạo bệnh kéo dài, ông Lamberto Maggiorani qua đời tại Rome (Ý), thọ 73 tuổi, chấm dứt cuộc đời bi kịch của một diễn viên vô danh nhưng thành công lẫy lừng với vai diễn đầu tiên, một vai diễn được xếp vào hàng kinh điển của điện ảnh.

Trailer phim "The Bicycle Thief" (Kẻ cắp xe đạp - 1948)

Bi kịch của Björn Andrésen sau vai diễn trong "Chết ở Venice" (1971)

Bộ phim "Death In Venice" (Chết ở Venice - 1971) của đạo diễn người Ý Luchino Visconti (1906 - 1976) kể câu chuyện về một nhà soạn nhạc đang trong những ngày tháng cuối đời vì vật lộn với bệnh tim.

Ông này thực hiện một kỳ nghỉ ở Venice (Ý) với mục đích thư giãn, dưỡng bệnh. Trong khi lưu lại trong một khách sạn, ông bất ngờ bị thu hút bởi một cậu thiếu niên có tên Tadzio cũng đang có kỳ nghỉ ở Venice cùng với gia đình. Trong bộ phim này, vai diễn Tadzio được xem như một biểu tượng của cái đẹp hoàn mỹ, đồng thời là biểu tượng của khát khao dục vọng đồng tính.

Bi kịch của những ngôi sao lóe sáng một lần rồi vụt tắt - 3
Bi kịch của những ngôi sao lóe sáng một lần rồi vụt tắt - 4

Vai diễn Tadzio được giao cho nam diễn viên người Thụy Điển Björn Andrésen khi đó 15 tuổi. Khi tìm diễn viên đảm nhận vai Tadzio, đạo diễn Visconti từng tuyên bố, ông cần "một cậu thiếu niên đẹp trai nhất thế giới", và diện mạo của Björn Andrésen cho tới giờ vẫn được xem là quá đỗi ấn tượng để vào vai Tadzio.

Bộ phim "Death In Venice" khắc họa một tình yêu đồng giới không lời, trong đó, nhà soạn nhạc Gustav von Aschenbach (nam diễn viên Dirk Bogarde) bất ngờ rung động trước một cậu thiếu niên đẹp như tượng tạc - Tadzio (Björn Andrésen). Về sau này, "Death In Venice" được xem như bộ phim điện ảnh có tính chất biểu tượng trong khắc họa tình yêu đồng giới.

Với vai diễn trong "Death In Venice", cậu thiếu niên Björn Andrésen ngay lập tức được biết tới. Sau bộ phim, Björn Andrésen liền nhận được sự bảo trợ tài chính từ một số nhân vật "khả nghi", mà qua cách kể của ông Andrésen hiện tại có thể hiểu là, mục đích của những người này khi tìm tới kết giao với ông khi ấy không hề trong sáng vô tư.

Chính ông Andrésen bây giờ, ở tuổi 66, đã phải thốt lên rằng hẳn cuộc sống của ông sẽ trở nên hạnh phúc hơn nếu ông chưa từng gặp đạo diễn Visconti, ông Andrésen cho tới giờ vẫn cảm thấy khốn khổ trước cách đạo diễn Visconti biến mình trở thành một biểu tượng của dục vọng đồng tính.

Sau phim "Death In Venice", Andrésen nhận được rất nhiều thư từ của những người đàn ông, họ bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho Andrésen. Có nhiều người đàn ông giàu có tiếp cận Andrésen, dành tặng cho chàng trai nhiều món quà xa xỉ, mời cậu đi ăn tại những nhà hàng sang trọng, cho cậu tiền tiêu... chủ yếu là để được ở bên cậu, như thể một cách khoe khoang với mọi người về việc mình đang "có quan hệ" với "chàng trai đẹp nhất thế giới".

Andrésen cho biết trong những năm tháng trưởng thành đầy hoang mang, rối loạn, ông đã bị nghiện rượu và trầm cảm. Cuộc sống của ông đến nay (ở tuổi 66) vẫn luôn có những sự hỗn loạn của một người có vấn đề tâm lý bất ổn. Hiện tại, ông sống độc thân trong một căn hộ nhỏ giản dị, nghiện thuốc lá, có một người bạn gái thi thoảng gặp gỡ...

Sau này, Andrésen không thể vượt ra khỏi cái bóng quá lớn của vai diễn trong "Death In Venice". Cả sự nghiệp diễn xuất và sự nghiệp âm nhạc của ông đều không đi tới đâu. Cuộc sống của ông Andrésen hiện tại khá eo hẹp, chật vật và bấp bênh.

Trailer phim "Death In Venice" (Chết ở Venice - 1971)

Thời trẻ, ông từng kết hôn với một nữ nhà thơ và có một cô con gái. Bi kịch xảy tới khi cậu con trai 9 tháng tuổi của họ đột ngột qua đời. Khi ấy, Andrésen đang nằm trên giường bên cạnh con trai, ông đang say xỉn sau một đêm ra ngoài vui chơi, người vợ đưa con gái đi học, khi bà trở về, cậu con trai đã qua đời.

Sự việc đó gây ám ảnh đối với Andrésen, ông tự trách mình rất nhiều: "Các bác sĩ nói rằng đó là chứng đột tử ở trẻ sơ sinh, nhưng đối với tôi, tôi luôn nghĩ rằng sự việc xảy ra là vì lúc đó tôi đã say xỉn, không thể trông nom con mình". Sau đó, vợ chồng ông Andrésen chia tay, ông rơi vào trầm cảm, nghiện rượu.

Kết cục đau đớn của Maria Schneider sau "Bản tango cuối cùng ở Paris" (1974)

"Last Tango In Paris" khắc họa sự thăng hoa và tàn lụi của một cuộc tình, giữa một người đàn ông đứng tuổi và một cô gái trẻ. Nữ diễn viên chính Maria Schneider mới 19 tuổi khi tham gia đóng phim.

Về sau, Schneider cho biết cô đã rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng, chính sự việc bị ép đóng cảnh bị tấn công tình dục trong phim đã khiến cuộc đời cô từ sau đó trở nên tồi tệ.

Bi kịch của những ngôi sao lóe sáng một lần rồi vụt tắt - 5
Bi kịch của những ngôi sao lóe sáng một lần rồi vụt tắt - 6

Trong một cảnh phim 18+, nhân vật của Schneider bị nhân vật nam chính tấn công tình dục, điều đáng nói là ban đầu cảnh phim này không có trong kịch bản, Schneider không hề được biết trước, cô đã bị đạo diễn và nam chính đặt vào thế "đã rồi", họ chỉ nói sơ qua ngay trước khi bấm máy cảnh quay nhạy cảm, nữ chính phải "chịu trận" và phải chấp nhận trong bất lực.

Khi đó, Schneider còn quá trẻ, mới "chân ướt chân ráo" bước vào nghiệp diễn, lại được nhận ngay vai nữ chính có sức nặng, Schneider không muốn làm phật ý những người đã trao cho mình cơ hội. Nhưng cơ hội ấy hóa ra lại là một cú giáng mạnh vào cuộc đời Schneider ở mức không ai ngờ tới.

Về sau, sự nghiệp và cuộc sống riêng của nữ diễn viên Schneider đều đi xuống. Cô từng rơi vào cảnh nghiện ngập, tự tử hụt nhiều lần và sau đó phải vào chữa trị trong bệnh viện tâm thần hồi năm 1976.

Vai diễn trong "Bản tango cuối cùng ở Paris" là vai diễn đáng kể nhất trong sự nghiệp diễn xuất ngắn ngủi của cô, ban đầu, những tưởng đó là bộ phim giúp mở cửa sự nghiệp diễn xuất cho cô, nhưng lại là bộ phim làm thay đổi cuộc đời cô theo hướng buồn bã không ngờ.

Đạo diễn Bernardo Bertolucci thừa nhận rằng ông cảm thấy có lỗi với Schneider vì đã không bàn bạc với cô trước về cảnh diễn, nhưng ông không hề thấy hối hận: "Tôi không muốn Schneider diễn tả sự bẽ bàng, tức giận. Tôi muốn cô ấy thực sự cảm thấy điều đó và thể hiện ra, thay vì diễn xuất".

Với "Bản tango cuối cùng ở Paris", người được lợi nhiều nhất chính là đạo diễn và nam chính, cả đạo diễn Bernardo Bertolucci và nam chính Marlon Brando đều được đề cử Oscar. Ngoài ra, trong phim, tài tử Marlon Brando không có bất cứ cảnh diễn nào quá "hớ hênh", ông luôn nhận được sự nể vì, nhượng bộ của đạo diễn Bertolucci.

Ngược lại, Maria Schneider phải phô bày cơ thể ở mức độ táo bạo. Bộ phim đã đưa đến cho Schneider biết bao khốn khổ, từ cảnh diễn bẽ bàng, tới áp lực quá lớn từ vai chính đầu đời quá "nặng đô", khiến cô không thể nào thoát ra khỏi cái bóng của vai diễn này về sau.

Schneider từng chia sẻ rằng những bi kịch xảy đến trong cuộc đời cô một phần là do ảnh hưởng từ bộ phim. Schneider ở tuổi 19 chỉ muốn trở thành một diễn viên giỏi, không muốn trở thành một "biểu tượng sex".

Sau này, cuộc sống của Maria Schneider trải qua nhiều thăng trầm, bất ổn, nữ diễn viên nghiện ngập và nhiều lần tự sát bất thành, phải điều trị bệnh tâm thần. Năm 2011, ở tuổi 58, Schneider qua đời vì bệnh ung thư mà không được mấy ai trong giới điện ảnh nhớ đến.

Cuộc sống nghèo khó của cụ ông Thinle Lundup Lama trong "Himalaya" (1999)

"Himalaya" (1999), bộ phim đầu tiên của Nepal được xướng tên trong danh sách đề cử của giải Oscar dành cho Phim nước ngoài hay nhất.

Sau bộ phim, các diễn viên khác trong phim đều đạt được những thành công mới trong sự nghiệp diễn xuất, nhưng ông cụ Thinle Lundup Lama (1943 - 2016), diễn viên chính của bộ phim vẫn sống trong cảnh nghèo khó.

Bi kịch của những ngôi sao lóe sáng một lần rồi vụt tắt - 7

"Himalaya" kể về cuộc sống của những con người sống trong vùng núi Dolpa của dãy Himalaya (Ảnh: The Movie DB).

"Himalaya" kể về cuộc sống của những con người sống trong vùng núi Dolpa của dãy Himalaya. Diễn viên tham gia phim chủ yếu là những người nông dân, các nhà sư, già làng thực thụ. Trong phim, ông Lundup Lama vào vai một già làng.

Tuy "Himalaya" không giành được giải Oscar, nhưng phim đã nhận được nhiều lời khen ngợi từ giới phê bình, ông Lundup Lama - diễn viên nam chính của phim thu hút sự chú ý nhất định.

Tuy vậy, cuộc sống của ông trước và sau khi quay bộ phim không có gì thay đổi, lúc sinh thời, ông từng chia sẻ với phóng viên: "Sau bộ phim, tôi bỗng trở nên nổi tiếng trong ngôi làng nghèo khó. Nhiều khách du lịch tìm tới để chụp ảnh cùng tôi.

Khi tham gia đóng phim, tôi được trả 4 USD một ngày. Quá trình quay phim kéo dài 9 tháng. Nhiều người tưởng tôi được nhiều tiền lắm nhưng giá trị đồng tiền cũng đã thay đổi nhiều kể từ ngày phim được thực hiện".

Ông Lama cho biết ông từng hy vọng có thể trở thành diễn viên, nhưng cơ hội không tiếp tục mở ra đối với ông. Kể từ ngày bộ phim đóng máy, ông lại quay trở về với nhịp sống cũ và chỉ thi thoảng mới được mời đóng một vai phụ, nhưng không để lại dấu ấn.

Bi kịch của những ngôi sao lóe sáng một lần rồi vụt tắt - 8

Ông Lama cho biết ông từng hy vọng có thể trở thành diễn viên, nhưng cơ hội không tiếp tục mở ra đối với ông (Ảnh: Galatee Films).

"Sau khi tham gia phim "Himalaya", tôi cũng muốn được tiếp tục diễn xuất nhưng không những dự án phim tìm đến, mà chỉ có một số kênh truyền hình tới phỏng vấn tôi mà thôi", ông Lama chia sẻ lúc sinh thời.

Điều ý nghĩa mà đạo diễn Eric Valli làm được cho ông cụ Lama sau khi hợp tác với ông trong dự án phim "Himalaya", đó là từng giúp ông cụ thanh toán chi phí chữa bệnh. Vị đạo diễn này cũng giúp hoạt động du lịch phát triển hơn ở Dolpa, Nepal - nơi ông cụ Lama từng sinh sống và cũng là bối cảnh của bộ phim, nhiều du khách nước ngoài đã tìm tới đây kể từ sau bộ phim "Himalaya".