Tổng quan bệnh Nhiễm trùng ối
Nước ối là môi trường trong suốt, vô khuẩn giúp em bé hình thành và phát triển bình thường trong cơ thể người mẹ. Nước ối có vai trò và chức năng vô cùng quan trọng trong thời kỳ bào thai, bảo vệ thai tránh sự xâm nhập của vi trùng từ bên ngoài, có chức năng tái tạo năng lượng, vừa cung cấp dưỡng chất cho thai nhi vừa giúp thai tránh được sự chèn ép quá mức do co cơ tử cung làm ảnh hưởng đến sự cung cấp máu nuôi bào thai qua mạch máu rốn, bảo vệ thai nhi tránh khỏi những va chạm, sang chấn. Nước ối cũng giúp duy trì nhiệt độ ổn định của thai ở trong tử cung.
Nước ối là một lớp bảo vệ vững chắc cho thai nhi trong suốt quá trình mang thai. Bình thường nước ối có màu trong suốt, khi quan sát sát thấy nước ối chuyển màu xanh đục, có lẫn mủ, có mùi hôi khó chịu thì rất có khả năng mẹ đã bị nhiễm trùng ối trong tử cung.
Vậy nhiễm trùng ối là gì?
Nhiễm trùng ối (nhiễm khuẩn ối) là tình trạng nhiễm khuẩn của màng ối và dịch ối bao quanh và bảo vệ thai nhi gây nên bởi các vi khuẩn phổ biến như Ecoli và liên cầu khuẩn nhóm B gây viêm nhiễm âm đạo, vi khuẩn này xâm nhập chủ yếu qua đường âm đạo. Nhiễm trùng ối là nguyên nhân chính gây vỡ ối non trước 37 tuần của thai kỳ và sinh non.
Nhiễm trùng ối có nguy hiểm không?
Các mẹ bầu cần nhớ rằng nhiễm trùng ối là một trong những bệnh nhiễm trùng nguy hiểm nhất không chỉ đối với thai nhi mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người mẹ, khả năng mang thai sau này của người mẹ.
Nhiễm trùng ối gây ra các biến chứng như:
Có thể vỡ ối bất cứ khi nào: lớp màng bảo vệ an toàn hàng ngày của thai nhi không còn được đảm bảo và nó có thể vỡ bất cứ khi nào.
Mẹ bầu bị nhiễm trùng ối trước 37 tuần thì nguy cơ sinh non rất cao vì môi trường trong bụng mẹ không còn đảm bảo cho sự phát triển của thai nhi
Trẻ sinh ra do nhiễm trùng ối có nguy cơ tử vong cao do nhiễm trùng sơ sinh dẫn đến suy hô hấp, viêm màng não, nhiễm trùng huyết
Khả năng nhiễm trùng ối ở lần mang thai sau rất cao
Mẹ có thể bị viêm tử cung, có thể ảnh hưởng đến lần mang thai sau, trường hợp nặng có thể bị vô sinh.
Nguyên nhân bệnh Nhiễm trùng ối
Trước khi mang thai: nếu trước khi mang thai, mẹ bị viêm nhiễm âm đạo sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn( Ecoli, liên cầu khuẩn nhóm B) xâm nhập vào cơ thể nên khi có thai lượng vi khuẩn này có điều kiện bám dính vào sâu bên trong và tồn tại dài lâu. Nếu không điều trị kịp thời thì mẹ có nguy cơ cao bị vỡ ối trong bất kì thời điểm nào của thai kỳ
Trong khi mang thai vì một lý do nào đó làm ối vỡ, ối vỡ để lâu, không nhập viện để điều trị kháng sinh ngay từ đầu tạo điều kiện vi trùng từ âm đạo xâm nhập vào buồng ối gây nhiễm trùng ối.
Triệu chứng bệnh Nhiễm trùng ối
Triệu chứng nhiễm trùng ối có thể bao gồm:
Tính chất nước ối: nước ối rỉ ra từ âm đạo có màu xanh đục như lẫn mũ, mùi hôi
Trường hợp màng ối còn nguyên khám thấy nhiều dịch âm đạo , mùi khó chịu
Biểu hiện nhiễm trùng như sốt, công thức máu có số lượng bạch cầu tăng cao và một số xét nghiệm khác có biểu hiện nhiễm trùng
Khám lâm sàng thấy tử cung đau và mềm
Nhịp tim của mẹ lẫn thai đều tăng
Đối tượng nguy cơ bệnh Nhiễm trùng ối
Mẹ có tiền sử nhiễm trùng ối
Viêm nhiễm âm đạo điều trị không triệt để
Vỡ ối non, vỡ ối sớm, chuyển dạ kéo dài
Phòng ngừa bệnh Nhiễm trùng ối
Nhiễm trùng ối là một tình trạng nghiêm trọng với nguy cơ biến chứng cao cho cả mẹ và con, nhiễm trùng ối do nhiều nguyên nhân khác nhau có thể phòng bệnh bằng các biện pháp như:
Giữ vệ sinh vùng kín sạch sẽ, thoáng mát
Điều trị triệt để viêm nhiễm âm đạo trước khi quyết định có thai.
Nếu mẹ có nguy cơ bị sinh non cao, cần được sàng lọc nhiễm khuẩn âm đạo vào thời gian cuối của 3 tháng giữa thai kỳ. Phát hiện sớm để được điều trị kịp thời.
Khi chuyển dạ, bác sĩ sẽ phải giảm tối thiểu số lần kiểm tra âm đạo trong lúc chuyển dạ, đặc biệt là trong trường hợp chuyển dạ sớm.
Nếu bị rỉ ối, cảm giác như bị són tiểu. Nếu thấy vùng kín thường xuyên ẩm ướt, nên đi khám hoặc hỏi ý kiến của bác sĩ chuyên khoa phụ sản. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ, cần phải theo dõi liên tục, siêu âm khối lượng ối, lấy dịch ối để kiểm tra xem có phải rỉ ối .
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Nhiễm trùng ối
Chẩn đoán nhiễm trùng ối dựa vào các đặc điểm
Tính chất nước ối: màu xanh lẫn mủ, mùi khó chịu
Dấu hiệu toàn thân của mẹ: biểu hiện nhiễm trùng, sốt cao rét run,...
Khám lâm sàng: tử cung mềm và đau, thăm trong có thể không còn màng ối trong trường hợp vỡ ối
Tim thai của mẹ và thai đều tăng
Việc chẩn đoán nhiễm trùng ối khi mang thai khá phức tạp vì thực tế không có 1 xét nghiệm đơn giản này có thể xác định mẹ bị nhiễm trùng ối hay không.
Việc xét nghiệm để xác nhận chẩn đoán nhiễm trùng ối không cần thiết đối với những phụ nữ mang thai đến hạn chuẩn bị sinh. Tuy nhiên, nếu mẹ chuyển dạ sớm thì có thể cần tiến hành chọc ối. Nếu dịch ối có nồng độ glucose thấp, nồng độ bạch cầu và vi khuẩn cao thì bác sĩ có thể khẳng định mẹ bị nhiễm trùng ối khi mang thai.
Cấy dịch ối tìm vi khuẩn gây nhiễm trùng, xét nghiệm máu bạch cầu đa nhân trung tính cao, CRP (+).
Các biện pháp điều trị bệnh Nhiễm trùng ối
Nguyên tắc điều trị
Khám chuyên khoa sớm: khi có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm trùng ối cần phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời
Tuân thủ điều trị: trường hợp mẹ bị nhiễm trùng ối khi mang thai, bác sĩ sẽ sẽ chỉ định phương pháp điều trị cho mẹ như đặt thuốc, dùng dung dịch vệ sinh. Mẹ bầu cần tuân thủ điều trị, tuyệt đối không bỏ thuốc hay tự ý mua thuốc về dùng
Chấm dứt thai kỳ: trường hợp nặng và có dấu hiệu khẩn cấp, bác sĩ sẽ chỉ định cho mẹ sinh ngay tức khắc.
Sử dụng kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn ối tốt nhất theo kết quả kháng sinh đồ, tuy nhiên đợt kết quả kháng sinh đồ khá lâu mà việc sử dụng kháng sinh ngay lập tức là cần thiết vì vậy cần lựa chọn kháng sinh theo các khuyến cáo
Các khuyến cáo sử dụng kháng sinh: thử nghiệm lâm sàng ngẫu nhiên cho thấy điều trị bằng kháng sinh trong lúc sinh đối với nhiễm trùng ối làm giảm tỷ lệ nhiễm khuẩn huyết sơ sinh và viêm phổi. Sử dụng kháng sinh trong lúc sinh đã chứng minh làm giảm thời gian nằm viện và sốt ở mẹ.
Chỉ định: Điều trị bằng kháng sinh trong trường hợp nhiễm trùng ối nghi ngờ hoặc xác định
Lưu ý:
Các kháng sinh được chỉ định trong lúc sinh do nghi ngờ hoặc xác định nhiễm trùng ối không nên tiếp tục sử dụng một cách thường quy sau khi sinh.
Tiếp tục chỉ định kháng sinh dựa trên các yếu tố nguy cơ của viêm nội mạc tử cung sau sinh.
Sản phụ sau sinh ngả âm đạo ít bị viêm nội mạc tử cung hơn và có thể không cần tiếp tục dùng kháng sinh sau khi sinh.
Đối với mổ lấy thai, khuyến cáo chỉ định thêm ít nhất 1 liều kháng sinh sau sinh. Tuy nhiên, sự hiện diện của các yếu tố nguy cơ khác trên mẹ như nhiễm khuẩn huyết hay sốt dai dẳng sau sinh có thể được xem xét để tiếp tục kháng dinh.
Kháng sinh lựa chọn cho điều trị nhiễm trùng ối nghi ngờ được liệt kê dưới đây. Tuy nhiên, các nhà sản phụ khoa nên căn cứ vào kết quả kháng sinh đồ và tình hình nhiễm trùng tại cơ sở y tế để đưa ra một khuyến cáo phù hợp với mô hình đề kháng kháng sinh tại cơ sở.