Tổng quan bệnh Lỵ do Balantidium
Balantidium là gì?
Trùng lông là một loài sinh vật đơn bào có lông trên khắp cơ thể và di chuyển bằng lông, chúng gồm có hai nhân một nhân lớn và một nhân nhỏ. Trong các loại trùng lông, Balantidium Coli là loài gây bệnh thường gặp nhất, chúng sống ký sinh ở đường tiêu hóa và gây bệnh cho người.
Balantidium Coli gây bệnh gì?
Balantidium Coli chủ yếu gây nhiễm bệnh ở lợn, hiếm khi gây bệnh ở người. Khi chúng xâm nhập vào cơ thể, chúng sẽ ký sinh ở đường tiêu hóa gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy, lỵ do Balantidium. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể tiến triển gây thủng ruột, xuất huyết tiêu hóa gây nguy hiểm đến tính mạng.
Nguyên nhân bệnh Lỵ do Balantidium
Bệnh Balantidium do trùng lông Balantidium coli gây ra như sau:
Balantidium tồn tại ở hai dạng: nang và thể hoạt động. Người bệnh mắc phải bệnh Balantidium qua con đường ăn uống không đảm bảo, ô nhiễm, mất vệ sinh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, Balantidium thể hoạt động sẽ ký sinh ở đường tiêu hóa, chúng chỉ tấn công vào thành ruột để gây bệnh khi khi niêm mạc ruột bị tổn thương do một nguy cơ nào đó. Balantidium xâm nhập vào niêm mạc ruột gây các ổ hoại tử và áp xe làm bệnh nhân bị loét và xuất huyết đường tiêu hóa. Ngoài ra, các vi khuẩn khác cũng sẽ xâm nhập vào vết loét trên niêm mạc ruột gây ra tình trạng nhiễm trùng thứ phát.
Các Balantidium ở thể u nang sẽ tiếp tục được đào thải qua phân ra ngoài môi trường và lây bệnh cho vật chủ mới.
Triệu chứng bệnh Lỵ do Balantidium
Balantidium ở thể nang sẽ không gây bệnh dẫn đến trường hợp xét nghiệm bệnh nhân phát hiện có nang Balantidium nhưng trên lâm sàng bệnh nhân không có triệu chứng gì. Chỉ Balantidium ở thể hoạt động mới gây bệnh. Khi đó các triệu chứng của bệnh Balantidium thường gặp như:
Người bệnh có biểu hiện đau bụng, tiêu chảy, đi ngoài ra nước có lẫn máu và chất nhày. Nhiều trường hợp người bệnh đi ngoài đến 15 lần một ngày.
Người bệnh còn xuất hiện các triệu chứng như nôn, buồn nôn, sốt, đau đầu, mất nước. Nếu người bệnh không được chẩn đoán và điều trị kịp thời, các triệu chứng bệnh sẽ diễn biến nặng gây nên biến chứng thủng ruột, xuất huyết đường tiêu hóa gây nguy hiểm đến tính mạng thậm chí có thể gây tử vong.
Hội chứng kiết lỵ do Balantidium có thể diễn biến trở thành mạn tính. Trong giai đoạn đó, người bệnh sẽ xuất hiện các đợt tái phát của bệnh lỵ và tiêu chảy. Vì thế người bệnh cần theo dõi các triệu chứng và đi khám bệnh kịp thời để điều trị đạt hiệu quả.
Đối tượng nguy cơ bệnh Lỵ do Balantidium
Bệnh Balantidium là bệnh lý gặp ở các mọi đối tượng và mọi lứa tuổi. các đối tượng dễ mắc bệnh như những đối tượng hay tiếp xúc với lợn như người chăn nuôi, người dọn vệ sinh chuồng trại, người sống trong vùng ô nhiễm hay do tiếp xúc với phân và chất thải của lợn xử lý không đảm bảo, chứa nguồn bệnh.
Bệnh Balantidium còn xuất hiện đối với những người có hệ thống miễn dịch bị suy giảm, người có chế độ ăn uống không đảm bảo, thiếu chất dinh dưỡng, nghiện rượu
Phòng ngừa bệnh Lỵ do Balantidium
Bệnh Balantidium sẽ được phòng ngừa khi người bệnh thực hiện ăn uống đảm bảo, hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh và trước khi chế biến thức ăn; thực hiện ăn chín, uống sôi kết hợp xử lý chất thải lợn hợp lý và đạt vệ sinh.
Ngoài ra, mọi người còn nên tự nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc tập thể dục thường xuyên, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, hạn chế rượu bia và thuốc lá. Khi phát hiện các triệu chứng bệnh cần đi khám để xác định bệnh và có biện pháp điều trị tốt nhất.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Lỵ do Balantidium
Chẩn đoán bệnh Balantidium kết hợp giữa việc khám lâm sàng cùng với thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán.
Khám lâm sàng xác định các triệu chứng của bệnh Balantidium. Bác sĩ sẽ xác định triệu chứng mà người bệnh mắc phải để tránh nhầm lẫn với các bệnh lý khác để điều trị đúng và hiệu quả.
Xét nghiệm nhuộm soi phân tìm Balantidium coli để xác định chính xác nguyên nhân gây bệnh. Cần chú ý trong quá trình lấy bệnh phẩm, nhân viên y tế cần hướng dẫn người bệnh hoặc trực tiếp lấy bệnh phẩm tại đúng khu vực bệnh lý như khu vực có nhày máu mủ trong phân. Nếu lấy sai bệnh phẩm thì kết quả xét nghiệm không có giá trị. Trong nhiều trường hợp sẽ phát hiện người bệnh không có biểu hiện nhưng xét nghiệm phân phát hiện nang Balantidium.
Nội soi đường trực tràng phát hiện vết loét điển hình do nhiễm Balantidium: vết loét sâu, rộng, đáy phủ mủ, mô hoại tử. Khi nội soi, nhân viên y tế sẽ thực hiện lấy sinh thiết tại vị trí loét làm xét nghiệm chẩn đoán.
Thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh để tìm tổn thương, biến chứng nhằm đánh giá tình trạng người bệnh giúp định hướng điều trị phù hợp cho người bệnh.
Các biện pháp điều trị bệnh Lỵ do Balantidium
Việc điều trị bệnh Balantidium làm giảm mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh cần thực hiện theo chỉ định của bác sĩ để điều trị đạt kết quả tốt.
Sử dụng thuốc kháng sinh để diệt Balantidium theo chỉ định của bác sĩ. Cần lưu ý sử dụng thuốc đối với phụ nữ đang mang thai và trẻ em dưới 8 tuổi. Trong quá trình điều trị cần bổ sung dinh dưỡng, nước, điện giải cho người bệnh để điều trị đạt kết quả tốt.
Phẫu thuật khi bệnh có những diễn biến cần phải can thiệp bằng phẫu thuật như viêm ruột thừa, thủng ruột.