Virus - Ký sinh trùng
Bị nhiễm virus Zika, điều trị thế nào?
Virus Zika không chỉ gây tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh mà còn liên quan đến nhiều biến chứng nguy hiểm khác như hội chứng tê liệt thần kinh Guillain-Barre, làm suy giảm trí nhớ hay gây vô sinh ở nam giới. Hiện vẫn chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Zika. Vì vậy, mỗi người cần chủ động phòng chống bệnh Zika bằng cách phòng ngừa nguy cơ muỗi đốt.
1. Sơ lược về virus Zika
Virus Zika là loại virus được lây truyền từ muỗi Aedes sang người qua vết đốt. Đây cũng là loại muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, bệnh chikungunya và bệnh sốt vàng.
Virus Zika thường gây bệnh nhẹ, triệu chứng xuất hiện sau một vài ngày sau khi người bị đốt bởi muỗi nhiễm bệnh. Hầu hết người bị nhiễm virus Zika sẽ bị sốt nhẹ và phát ban. Một số trường hợp khác bị viêm kết mạc, đau cơ, khớp, cảm thấy mệt mỏi. Các triệu chứng của bệnh thường hết sau 2 – 7 ngày.
Những biến chứng tiềm ẩn của virus Zika là gây dị tật đầu nhỏ ở trẻ sơ sinh (trường hợp người mẹ mang thai bị nhiễm virus Zika), gia tăng hội chứng Guillain-Barre, làm suy giảm trí nhớ và thậm chí gây vô sinh ở nam giới.
2. Điều trị khi bị nhiễm virus Zika
Hiện nay, chưa có vắc-xin phòng bệnh và chưa có thuốc điều trị đặc hiệu bệnh Zika ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Vì triệu chứng của bệnh tương đối nhẹ và bệnh có thể tự hết nên thường chỉ sử dụng thuốc điều trị hỗ trợ, bổ sung đủ nước và cho bệnh nhân nghỉ ngơi nhiều hơn. Những bệnh nhân bị sốt, đau có thể sử dụng Acetaminophen hoặc Paracetamol để giảm sốt và đau. Người bệnh không dùng Aspirin và thuốc kháng viêm không steroid khác (NSAIDS) cho đến khi có thể loại trừ đây là sốt xuất huyết nhằm làm giảm nguy cơ chảy máu. Khi triệu chứng nặng hơn, cần tới các cơ sở y tế uy tín để chăm sóc chữa bệnh virus Zika.
3. Phòng chống bệnh Zika như thế nào?
Virus Zika lây truyền qua đường muỗi đốt nên biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh tốt nhất là phòng ngừa muỗi đốt và phòng ngừa muỗi sinh sản. Cụ thể là:
3.1 Phòng ngừa muỗi đốt
Khi đi ra ngoài trong khu vực có muỗi:
- Nên sử dụng thuốc chống muỗi: Các loại thuốc chống muỗi được EPA (Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ) phê chuẩn có chứa DEET, tinh dầu sả, Picaridin hoặc IR3535. Khi sử dụng thuốc chống muỗi cần đọc kỹ hướng dẫn trên nhãn sản phẩm để biết có hiệu quả trong bao lâu;
- Nếu sử dụng sản phẩm chống muỗi có chứa DEET, không sử dụng nồng độ quá 30% DEET. Chỉ bôi DEET lên vùng da hở và quần áo, không bôi lên mắt, miệng hoặc các vết thương hở, không bôi vào mặt trong quần áo;
- Không để trẻ em tự bôi thuốc chống muỗi. Không bôi thuốc lên mắt, miệng, tay của trẻ em và thận trọng khi bôi quanh tai. Không bôi thuốc chống muỗi DEET lên trẻ sơ sinh (có thể dùng màn chống muỗi) và không dùng tinh dầu sả cho trẻ em dưới 3 tuổi;
- Nên mặc quần áo bảo vệ như sơ mi dài tay, quần dài và đi tất để chống muỗi đốt;
- Sử dụng điều hòa không khí hoặc lưới chắn cửa ra vào, cửa sổ để ngăn không cho muỗi vào nhà. Nếu cần nên dùng màn chống muỗi khi đi ngủ.
3.2 Phòng ngừa muỗi sinh sản
Nên diệt muỗi bằng cách dùng vợt bắt muỗi, xịt hóa chất diệt muỗi và tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Để phòng ngừa muỗi sinh sản, cần đổ hết nước ứ đọng trong đồ vật tối thiểu mỗi tuần một lần vì muỗi cần có nước để sinh sản. Cụ thể là:
- Các bình đựng: Nên lật úp hoặc che đậy bình hoa, xô chậu, thùng rác,... khi không sử dụng;
- Máng nước: Dọn sạch lá rụng hoặc các loại rác có thể gây tắc nghẽn máng nước hay giữ lại nước;
- Bể bơi: Che đậy hoặc rút sạch nước bể bơi khi không sử dụng. Đảm bảo dọn sạch lá rụng và nước trên các tấm che bể bơi, đồng thời cần thường xuyên xử lý nước trong bể bơi;
- Vỏ xe cũ: Nên che đậy hoặc vứt bỏ vì đây là nơi sinh sản ưa thích của muỗi.
4. Một số lưu ý quan trọng trong phòng ngừa virus Zika
4.1 Lưu ý đối với các trường hợp đi lại trong vùng dịch
- Phụ nữ dự định có thai không nên đi đến vùng dịch khi không thực sự cần thiết. Trong trường hợp phải đi đến vùng có dịch, cần tìm hiểu kỹ các thông tin liên quan về dịch bệnh, điều kiện chăm sóc y tế, đồng thời áp dụng các biện pháp phòng chống muỗi đốt để tránh nguy cơ lây truyền virus Zika;
- Phụ nữ mang thai, đặc biệt có thai trong 3 tháng đầu, đang sinh sống hoặc đã từng đến vùng có dịch, có triệu chứng sốt hoặc phát ban, có ít nhất một trong các triệu chứng như viêm kết mạc mắt, đau mỏi cơ, khớp,... cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, tư vấn;
- Người đi, đến hoặc về từ vùng có dịch do virus Zika cần chủ động theo dõi sức khỏe trong vòng 12 ngày. Nếu có biểu hiện bệnh cần đến cơ sở y tế để chủ động khai báo về tiền sử đi lại và được khám, tư vấn, điều trị;
- Người đang sinh sống ở vùng có dịch bệnh Zika hoặc đi, đến, về từ vùng dịch nên chủ động theo dõi sức khỏe, nếu có triệu chứng bệnh nên đến cơ sở y tế để thăm khám và điều trị. Đồng thời, nên sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc không quan hệ tình dục trong tối thiểu 28 ngày để phòng ngừa lây truyền virus Zika qua đường tình dục;
- Các cặp vợ chồng đang sinh sống hoặc trở về từ vùng dịch, nếu có ý định mang thai cần đến cơ sở y tế để khám và nhận tư vấn trước khi quyết định mang thai.
4.2 Những trường hợp cần xét nghiệm phát hiện virus Zika
- Người dân nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban và có ít nhất 1 trong các triệu chứng như viêm kết mạc mắt, đau mỏi cơ, khớp cần đến các cơ sở y tế để được chẩn đoán xác định bệnh;
- Người dân không nên tự xét nghiệm xác định virus Zika khi chưa có ý kiến tư vấn của nhân viên y tế;
- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu, đã từng đến hoặc sống trong vùng dịch, nếu có triệu chứng sốt hoặc phát ban và có thêm ít nhất 1 trong số các triệu chứng như viêm kết mạc mắt, đau mỏi cơ, khớp thì nên đi xét nghiệm xác định virus Zika;
- Phụ nữ mang thai trong 3 tháng đầu có chồng hoặc bạn tình có xét nghiệm virus Zika dương tính nếu có dấu hiệu sốt hoặc phát ban, có ít nhất một trong số các biểu hiện như đau mỏi cơ, khớp, viêm kết mạc mắt nên đi xét nghiệm virus Zika.
Chủ động phòng ngừa, phát hiện và điều trị bệnh Zika theo hướng dẫn sẽ giúp giảm tối đa nguy cơ đối diện với những biến chứng nguy hiểm của căn bệnh này.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. Tải và đặt lịch khám tự động trên ứng dụng MyVinmec để quản lý, theo dõi lịch và đặt hẹn mọi lúc mọi nơi ngay trên ứng dụng.
Bài viết tham khảo nguồn: Bộ Y tế