Tổng quan bệnh Đau dây thần kinh chẩm
Đau thần kinh chẩm là tình trạng các dây thần kinh chẩm – là hai đôi dây thần kinh xuất phát từ đốt sống cổ thứ hai và thứ ba (C2,C3) bị viêm hoặc bị thương gây ra triệu chứng người bệnh cảm thấy đau ở phía sau đầu hoặc nền sọ.
Người dân có thể nhầm lẫn đau dây thần kinh chẩm với chứng đau nửa đầu hoặc các loại đau đầu khác, vì các triệu chứng có thể tương tự nhau. Nhưng phương pháp điều trị cho các bệnh này rất khác nhau, vì vậy điều quan trọng nhất là người bệnh phải được gặp bác sĩ chuyên khoan để được chẩn đoán chính xác bệnh.
Nguyên nhân bệnh Đau dây thần kinh chẩm
Đau thần kinh chẩm xảy ra khi có áp lực hoặc kích thích dây thần kinh chẩm, có thể do chấn thương, khối u hoặc viêm. Tuy nhiên, nhiều trường hợp, bác sĩ không tim ra nguyên nhân cụ thể dẫn đến tình trạng đau dây thần kinh chẩm.
Một số tình trạng bệnh có thể liên quan, bao gồm:
Chấn thương phía sau đầu
Viêm xương khớp
Khối u ở cổ
Bệnh đĩa đệm cột sống cổ
Nhiễm trùng
Bệnh Gout
Bệnh tiểu đường
Viêm mạch máu
Các dây thần kinh chẩm lớn và / hoặc chẩm nhỏ hoặc rễ cổ C2 và / hoặc C3 bị chèn ép do thay đổi thoái hoá cột sống cổ.
Triệu chứng bệnh Đau dây thần kinh chẩm
Đau dây thần kinh chẩm có thể gây ra cơn đau dữ dội mà cảm giác như bị giật mạnh hay như điện giật ở phía sau đầu và cổ. Các triệu chứng khác bao gồm:
Đau nhức, đau rát và đau nhói thường bắt đầu từ nền hộp sọ và có thể đau lan sang phía sau hay dọc theo phần bên đầu
Đau ở một hoặc cả hai bên đầu
Đau sau mắt
Nhạy cảm với ánh sáng
Da đầu có thể trở nên nhạy cảm đau và thậm chí chải tóc cũng có thể làm tăng cơn đau
Đau khi bạn cử động cổ
Đường lây truyền bệnh Đau dây thần kinh chẩm
Bệnh đau dây thần kinh chẩm không phải là bệnh truyền nhiễm, do đó không có khả năng lây truyền từ người bệnh sang người khỏe mạnh.
Đối tượng nguy cơ bệnh Đau dây thần kinh chẩm
Đa số các trường hợp đau dây thần kinh chẩm đều không rõ nguyên nhân. Trong một số trường hợp, có thể do chấn thương, căng cơ cổ mãn tính, viêm đốt sống cổ.
Phòng ngừa bệnh Đau dây thần kinh chẩm
Trong nhiều trường hợp, không tìm thấy nguyên nhân gây đau dây thần kinh chẩm nên rất khó xác định cách phòng ngừa tình trạng này. Tuy nhiên, nhận ra các yếu tố gây ra hoặc góp phần gây căng cơ cổ và tránh các trường hợp có thể dẫn đến chấn thương cổ là những biện pháp tốt để ngăn ngừa đau dây thần kinh chẩm có thể xuất hiện trong tương lai.
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Đau dây thần kinh chẩm
Khó để phân biệt đau dây thần kinh chẩm với các loại đau đầu khác. Do đó, chẩn đoán có thể không dễ dàng. Để đánh giá kỹ bệnh, bác sĩ cần hỏi bệnh, khám và làm các xét nghiệm. Bác sĩ sẽ hỏi người bệnh những câu hỏi về tiền sử bệnh và về bất kỳ thương tích nào mà người bệnh đã bị. Bác sĩ sẽ ấn mạnh vào phía sau đầu của người bệnh để xem phản ứng của người bệnh nếu có đau dây thần kinh chẩm.
Người bệnh có thể được tiêm thuốc tê để làm tê liệt dây thần kinh, được gọi là phóng bế dây thần kinh, để xem nó có giúp người bệnh giảm đau không. Nếu có thì người bệnh được chẩn đoán bệnh đau thần kinh chẩm. NGoài ra, có thể bác sĩ sẽ chỉ định thêm một số xét nghiệm để tìm nguyên nhân:
Chụp cộng hưởng từ (MRI) : Có thể cho thấy bằng chứng chèn ép tủy sống từ xương, đĩa đệm hoặc máu tụ…
Chụp CT scan (CT hay CAT scan) : Có thể cho thấy hình dạng và kích thước của ống sống, thành phần và các cấu trúc xung quanh của ống sống.
Các biện pháp điều trị bệnh Đau dây thần kinh chẩm
Để chữa đau dây thần kinh chẩm, điều đầu tiên người bệnh nên thử một số biện pháp để giảm đau như:
Chườm túi nhiệt ở cổ.
Nghỉ ngơi tại nơi yên tĩnh.
Massage cơ cổ.
Dùng thuốc chống viêm không kê đơn, như naproxen hoặc ibuprofen.
Nếu những những biện pháp trên không đỡ, bác sĩ có thể kê đơn thuốc cho bạn, bao gồm:
Thuốc giãn cơ theo toa
Thuốc chống động kinh, như carbamazepine (Tegretol) và gabapentin
Thuốc chống trầm cảm
Phóng bế thần kinh và tiêm steroid. Có thể mất hai đến ba mũi trong vài tuần để kiểm soát cơn đau của người bệnh.
Phẫu thuật đối với người bệnh đau dây thần kinh chẩm hiếm khi được chỉ định, nhưng nó có thể là một lựa chọn nếu cơn đau không giảm với các phương pháp điều trị khác hoặc đau trở lại. Các phương pháp phẫu thuật có thể bao gồm:
Điều trị phẫu thuật giải đè ép vi mạch (Microvascular Decompression – MVD) Là kỹ thuật bộc lộ dây thần kinh bị ảnh hưởng, xác định các mạch máu có thể chèn ép các dây thần kinh và tách chúng ra khỏi điểm chèn ép. Kết quả là giúp cho dây thần kinh được phục hồi, không còn đau nữa.
Kích thích dây thần kinh chẩm. Sử dụng máy gây kích thích thần kinh đưa xung điện tới dây thần kinh chẩm. Trong trường hợp này, các xung điện có thể giúp chặn các tín hiệu đau đến não.